Đối mặt với áp lực, người trẻ mạnh tay chi tiền để sử dụng dịch vụ "đập phá trút giận"
Đối mặt với áp lực, người trẻ mạnh tay chi tiền để sử dụng dịch vụ "đập phá trút giận"
Trung Hiếu - Thùy Anh
Thứ năm, ngày 02/01/2025 08:27 AM (GMT+7)
“Quá căng thẳng, tôi đã đập phá 20 chai thủy tinh và đồ điện tử hỏng trong vòng 1 giờ đồng hồ! Tôi đã đập đồ đến mức chiếc gậy bị méo đi. Với tôi, cảm giác ấy như xóa sạch mọi muộn phiền, áp lực trong công việc và cuộc sống", một vị khách trải nghiệm dịch vụ đập đồ để "xả stress" chia sẻ.
Dịch vụ đập phá đồ đạc để "xả stress" được nhiều bạn trẻ sống tại Hà Nội lựa chọn. Clip: Trung Hiếu.
“Quá căng thẳng, tôi đã đập phá 20 chai thủy tinh và đồ điện tử hỏng trong vòng 1 giờ đồng hồ!”
Trong căn phòng rộng chừng 10m2, mặt sàn phủ đầy những mảnh vỡ của chai thuỷ tinh, ánh lên ánh sáng mờ ảo từ đèn trần. Một số đồ điện tử cũ đã vỡ tan, méo mó, chồng chéo lên nhau. Mặc trang phục bảo hộ và đội mũ kín mít có kính chống va đập, chị Nguyễn Phương Anh (24 tuổi, Hà Đông) nắm chặt cây gậy thép, nhắm vào chiếc màn hình máy tính cũ và đập mạnh một cú dứt khoát. Những mảnh vỡ tung toé gắp nơi, gương mặt chị từ từ giãn ra, có phần nhẹ nhõm.
Sau đó, chị tiếp tục đập hàng loạt chai thủy tinh nát vụn. Khi chiếc chai cuối cùng bị nghiền nát, chị Phương Anh buông gậy, thở phào rồi nói: “Tôi đã rất căng thẳng trong vòng 1 năm trở lại đây, có đôi khi cảm giác rất khó chịu và bức bối. Những lúc như vậy, tôi muốn đập phá một cái gì đó ngay lập tức nhưng không thể làm vậy. Hôm nay, tôi quyết định đến đây để trải nghiệm, đập phá xong tôi cảm thấy nhẹ lòng hơn nhiều”.
Tương tự chị Phương Anh, anh Lý Phúc An (21 tuổi, Hoàng Mai) cũng quyết định tìm đến dịch vụ đập phá đồ đạc để trút bỏ những gánh nặng mà bản thân đang gặp phải. Anh An là một huấn luyện viên thể hình. Dịp cuối năm, những con số doanh thu không đạt kỳ vọng, các cuộc gọi không ngừng từ khách hàng tiềm năng chưa quyết định… khiến anh thường xuyên phải làm việc ngoài giờ và áp lực chồng chất áp lực.
Anh An quyết định chi 399.000 đồng để trải nghiệm gói dịch vụ “xả stress” đập vỡ 20 chai thuỷ tinh và một đồ điện tử cũ. Trao đổi với phóng viên Dân Việt, anh An cho hay: “Ngoài những áp lực về công việc, tôi còn có những áp lực về gia đình. Do bản thân không chọn con đường học lên đại học mà quyết định đi làm luôn, nên nếu kinh tế không ổn định, tôi cũng khá ngại để đối diện với gia đình”.
Theo anh An, trong suốt quá trình “đập phá”, anh quyết định bật nhạc mạnh với tiết tấu nhanh bởi anh cảm thấy mọi cảm xúc căng thẳng, mệt mỏi đều tan biến khi tiếng nhạc hoà với tiếng đồ đạc vỡ vụn. “Tôi đã đập đồ đến mức chiếc gậy bị méo đi. Theo tôi, dịch vụ này giúp giảm bớt những sự việc bạo lực bên ngoài cuộc sống, bởi vì mỗi khi có việc gì bực tức, mọi người có thể vào đây đập phá đồ đạc mà không ảnh hưởng đến ai”, anh An tiếp lời.
Đều đặn 2 tuần 1 lần, chị T.M.T (23 tuổi, Thanh Xuân) lại quay lại phòng “xả stress” để trải nghiệm cảm giác đập phá đồ đạc, giải tỏa căng thẳng. Chị T. cho biết, chị đặc biệt yêu thích cảm giác mạnh mẽ khi cầm gậy thép, những cú đập mạnh vào chai thủy tinh, nghe tiếng vỡ giòn tan và nhìn các mảnh vỡ bay tứ tung. Với chị, cảm giác ấy như xóa sạch mọi muộn phiền, áp lực trong công việc và cuộc sống.
Chị T. chia sẻ: “Trước đây, mỗi khi gặp áp lực, tôi thường chọn phương án là lên "pub" (địa điểm chuyên phục vụ các loại thức uống có cồn cùng một số món ăn nhẹ) để giải tỏa căng thẳng. Mỗi lần đến, tôi thường "mượn rượu giải sầu" và tiêu tốn cả triệu đồng. Tuy nhiên, tôi nhận thấy việc uống rượu ảnh hưởng tới sức khoẻ rất nhiều mà chi phí cũng tốn kém. Do đó, khi có dịch vụ đập phá đồ đạc tại Hà Nội, tôi đã thử đến trải nghiệm”.
Tuy nhiên, chị T. phải giấu bố mẹ về việc tham gia dịch vụ đập phá đồ đạc, vì khi chị chia sẻ với họ một clip trên mạng xã hội về dịch vụ này, họ đã phản đối gay gắt. “Bố mẹ tôi cho rằng việc đập phá đồ đạc để giải tỏa căng thẳng là một hành động không lành mạnh, không đúng với cách giải quyết vấn đề của người trưởng thành. Họ lo lắng rằng đây có thể là một dấu hiệu của sự bế tắc về mặt tâm lý và khuyên tôi tìm những phương pháp khác để đối mặt với áp lực.
Vì vậy, tôi chọn giấu kín sở thích này, mỗi lần đi trải nghiệm dịch vụ này để xả stress, tôi luôn cố gắng không để bố mẹ biết. Tôi cảm thấy rằng đây là cách duy nhất để giữ sự cân bằng cho tâm lý mà không bị áp lực thêm từ gia đình”, chị T. giãi bày tâm sự.
Trào lưu đập phá đồ đạc trong “căn phòng trút giận”, nên hay không?
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, anh Nguyễn Hồng Thanh (26 tuổi) - quản lý một cơ sở có dịch vụ "căn phòng trút giận" tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, anh đã mở dịch vụ này được hơn hai tháng nay, cơ sở chỉ nhận khách trên 18 tuổi có nhận thức đầy đủ, biết đảm bảo an toàn.
“Tôi được biết, mô hình "căn phòng trút giận" đã xuất hiện tại Nhật Bản từ những năm 2008 và tự nhận thấy rằng đây là dịch vụ cần thiết cho những người có áp lực trong cuộc sống nên đã quyết định mở dịch vụ. Khách hàng đến trải nghiệm sẽ được trang bị mũ bảo hiểm có kính chống va đập, đồ bảo hộ toàn thân, găng tay và ủng bảo hộ để đảm bảo an toàn”, anh Thanh nói thêm.
Theo anh Thanh, mỗi ngày cơ sở của anh đón từ 3 - 4 lượt khách, số lượng khách sẽ đông hơn vào cuối tuần, mức giá cho một lần trải nghiệm dịch vụ dao động từ 300.000 - 400.000 đồng. “Đến thời điểm hiện tại, 100% khách hàng từng trải nghiệm dịch vụ bên tôi đều cho biết quá trình đập phá đồ đạc đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, cơ sở của tôi cũng trang bị đầy đủ hộp y tế gồm băng gạc, thuốc sát trùng... để sơ cứu kịp thời cho khách khi không may gặp sự cố.
Về các loại rác thải sau quá trình bị đập vỡ tại “căn phòng trút giận”, chúng tôi sẽ dọn dẹp thường xuyên với tần suất 1 lần/tuần. Rác sẽ được phân loại thành đồ điện tử, mảnh thuỷ tinh, đồ nhựa, linh kiện dây dẫn điện tử… và bàn giao cẩn thận cho các công nhân vệ sinh môi trường”, anh Thanh cho hay.
Theo ông Mai Việt Đức - chuyên gia tâm lý, “căn phòng trút giận”, hay còn gọi là “căn phòng phá huỷ”, là một nơi mà người tham gia có thể phá huỷ các đồ vật vô giá trị để xả stress. “Một số ưu điểm của phòng trút giận có thể kể tới như: giải toả căng thẳng tức thì; phòng trút giận cung cấp môi trường an toàn và kiểm soát, hạn chế nguy cơ gây hại cho bản thân hoặc người khác.
Người tham gia có thể thăm dò và hiểu rõ hơn về cảm xúc của mình, từ đó tìm ra cách quản lý stress hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc phá huỷ đồ vật cũng là một hình thức tập luyện, giúp cơ thể tiêu hao năng lượng và cảm thấy thoải mái hơn”, ông Đức cho biết.
Tuy nhiên, ông Đức cũng nhấn mạnh, phòng trút giận có những nhược điểm đáng lưu ý. “Mặc dù giúp giảm căng thẳng tức thì, nhưng nó không giải quyết được nguyên nhân gốc dễ của vấn đề. Việc trút giận bằng cách phá huỷ đồ vật có thể khiến người tham gia hình thành thói quen xả giận bằng bạo lực, điều này không được khuyến khích”.
Ông Đức đưa ra lời khuyên, mọi người và đặc biệt là các bạn trẻ không nên coi phòng trút giận là giải pháp duy nhất để xả stress, cần kết hợp với các phương pháp khác như tập thể dục, thiền, hoặc tham gia tư vấn tâm lý sẽ giúp quản lý stress hiệu quả hơn và bền vững hơn.
Khi xã hội có quá nhiều áp lực, nhiều bạn trẻ quyết định lấy lại sự cân bằng tâm lý bằng cách “đập phá” đồ đạc. "Căn phòng trút giận",nơi mà người tham gia có thể phá huỷ các đồ vật vô giá trị để xả stress đang trở thành địa điểm được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Họ cho rằng: “đập phá trong không gian an toàn với mình và người xung quanh là một cách xả stress hay, một trải nghiệm đặc biệt”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.