Ngày 30/12/2024, tại giao lộ Mỹ Phước Tân Vạn – NE8, phường Thới Hòa, TP Bến Cát, một vụ va chạm giao thông nhỏ giữa hai xe máy đã nhanh chóng leo thang thành một cuộc tấn công tàn bạo.
Người bị hại, anh N.T.B (37 tuổi), sau khi lời qua tiếng lại với đối tượng L.V.H, đã bị quật ngã xuống đường và hứng chịu hàng loạt cú đánh liên tiếp bằng tay, chân, và mũ bảo hiểm. Đoạn video ghi lại cảnh tượng kinh hoàng này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, gây rúng động cộng đồng.
Anh B được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch với chẩn đoán dập não trán hai bên, huyết áp tụt, và tiên lượng rất xấu. Đối tượng hành hung đã bỏ trốn ngay sau vụ việc nhưng đã bị cơ quan chức năng bắt giữ khẩn cấp sau đó để điều tra và xử lý theo pháp luật.
Tối cuối cùng của năm 2024, nữ nhân viên Hoàng Thị Bình (SN 1976, ngụ tỉnh Thanh Hóa) khi đang thực hiện nhiệm vụ chắn barie gác tàu hỏa đóng cần chắn đường có một đôi nam nữ bị vướng lại bên trong nên.
Chị Bình kêu lỡ vượt qua rồi thì ở đây khi tàu qua sẽ mở thanh chắn. Ngay lúc này, đối tượng Trang đậu xe cạnh gác chắn tàu nói với chị Bình "cho người ta qua, làm gì mà ghê vậy". Thấy vậy, chị Bình trả lời "bà biết gì mà nói...".
Lập tức, đối tượng Trang bực tức tiến lại gần chị Bình, đấm vào mặt chị rồi túm tóc và dùng chân phải lên gối vào mặt chị 3 cái. Dù được mọi người can ngăn nhưng Trang vẫn tiếp tục hành hung chị Bình ngay giữa đường...
Ngay tối cùng ngày, một cặp nam nữ hành hung tài xế công nghệ trên đường Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM cũng chỉ vì những lý do không đâu.
Cả nam và nữ đối tượng cùng đấm, đá vào người, vào mặt người tài xế, lấy chân đè lên đầu tài xế. Không những thế, khi có người phụ nữ đến can ngăn, người đàn ông quay ra hành hung luôn. Cơ quan cảnh sát đã triệu tập đôi nam nữ này và họ có thể đối diện với án tù với hành vi hành hung, gây rối, làm nhục người khác.
Không chỉ riêng vụ việc tại Bình Dương, TP.HCM, các hành vi bạo lực sau va chạm giao thông đã và đang xảy ra trên khắp cả nước. Thực trạng này phản ánh một vấn đề nhức nhối trong xã hội: Sự thiếu kiềm chế cảm xúc, thiếu hiểu biết pháp luật và thiếu ý thức tôn trọng lẫn nhau khi tham gia giao thông.
Theo thống kê, nhiều vụ va chạm giao thông không gây thương tích nghiêm trọng, nhưng hậu quả của những hành vi ẩu đả sau đó lại dẫn đến thương tích nặng nề cho cả hai phía, một phía thì mất mạng, một phía thì mất tự do khi vướng vòng lao lý chỉ từ những va chạm nhỏ trên đường.
Những hành vi này không chỉ đẩy nạn nhân vào tình trạng nguy kịch mà còn làm mất an toàn giao thông, gây hoang mang và bất an cho cộng đồng.
Sự hung hãn và thái độ coi thường pháp luật của kẻ hành hung không chỉ khiến dư luận phẫn nộ mà còn làm dấy lên những câu hỏi cấp thiết về nguyên nhân và cách giải quyết thực trạng bạo lực đang ngày càng leo thang trên đường phố.
Quan sát diễn biến của những vụ hành hung sau khi va chạm giao thông, thậm chí còn chưa kịp và chạm như vụ nữ nhân viên gác tàu ở thành phố Thủ Đức bị đánh gãy mũi cho thấy, bây giờ tâm lý và ý thức về “cái tôi” kiểu “mày biết tao là ai không?” của người tham gia giao thông quá lớn.
Sự cạnh tranh và áp lực quá lớn trong cuộc sống dễ dàng đẩy con người vào trạng thái căng thẳng. Chỉ một va chạm nhỏ cũng có thể trở thành "giọt nước tràn ly," kích hoạt hành vi bạo lực để khẳng định cái tôi.
Bạo lực còn đến từ việc một bộ phận người dân đang thiếu giáo dục về pháp luật. Nhiều người không nhận thức được rằng hành vi hành hung, dù là trong lúc nóng giận, đều có thể bị xử lý hình sự với các tội danh như cố ý gây thương tích hoặc thậm chí là giết người. Sự thiếu hiểu biết này khiến họ dễ dàng thực hiện những hành vi trái pháp luật.
Về khách quan, bạo lực còn đến từ việc hạn chế trong cưỡng chế giao thông. Hệ thống giám sát và xử phạt giao thông ở một số nơi, trong một số thời điểm còn chưa nghiêm minh, tạo ra tâm lý coi thường luật pháp.
Để ngăn chặn hiệu quả, các vụ bạo lực giao thông cần được điều tra và xét xử nhanh chóng, công khai để răn đe. Đối tượng hành hung dã man khiến nạn nhân rơi vào tình trạng nghiêm trọng, như trong vụ việc tại Bình Dương, cần phải chịu những hình phạt thích đáng, từ phạt tù đến bồi thường cho nạn nhân.
Cần tổ chức các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ để nâng cao nhận thức về hậu quả của hành vi bạo lực giao thông. Giáo dục luật giao thông và kỹ năng kiểm soát cảm xúc cần được lồng ghép vào chương trình học ở trường và các chương trình đào tạo lái xe.
Việc lắp đặt camera tại các giao lộ lớn để giám sát và xử lý vi phạm giao thông nhanh chóng cũng là điều hết sức cấp thiết. Việc sử dụng công nghệ này không chỉ giúp răn đe các hành vi vi phạm mà còn hỗ trợ điều tra khi có các vụ việc xảy ra.
Quan trọng hơn, các địa phương cần tổ chức các khóa học hoặc hội thảo về văn hóa giao thông, khuyến khích sự nhẫn nại và ứng xử hòa nhã khi tham gia giao thông. Thậm chí thành lập các trung tâm tư vấn tâm lý hoặc các đường dây nóng hỗ trợ xử lý các vấn đề căng thẳng trong cuộc sống, từ đó giảm nguy cơ xung đột dẫn đến bạo lực.
Những vụ việc hành hung xuất phát từ va chạm giao thông tại Bình Dương, TP.HCM vừa xảy ra mới đây là hồi chuông cảnh tỉnh về sự leo thang của bạo lực giao thông. Đó không chỉ là một vấn đề cá nhân mà còn là một biểu hiện của sự xuống cấp trong ý thức cộng đồng.
Để chấm dứt tình trạng này, không chỉ cần sự can thiệp mạnh mẽ của pháp luật mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội trong việc xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh và nhân ái.