Dân Việt

Nữ kỹ sư Quảng Ninh biến con hai vỏ ở Vân Đồn thành ruốc, bán ra nước ngoài thu triệu đô

Quang Sơn 04/01/2025 19:03 GMT+7
Từ một kỹ sư công nghệ thực phẩm, sau 9 năm làm việc nhà nước, bà Phạm Thị Thu Hiền đã quyết định mở nhà máy chế biến hàu, ngao ở Vân Đồn (Quảng Ninh), tạo ra các sản phẩm xuất khẩu có giá trị triệu đô.

Hành trình khởi nghiệp

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Vân Đồn, tốt nghiệp Đại học Bách khoa chuyên ngành Chế biến thực phẩm, bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh (BAVABI) từng có 9 năm công tác tại Sở Thủy sản Quảng Ninh rồi Sở Khoa học công nghệ Hà Nội. Trong suốt quãng thời gian ấy, bà dành phần lớn thời gian nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chế biến thực phẩm với rất nhiều loại sản phẩm chế biến từ thuỷ, hải sản.

Đi nhiều, tiếp cận nhiều với công nghệ chế biến thực phẩm tiên tiến, bà Hiền nhận ra và không khỏi tiếc nuối, xót xa khi nguồn lợi thuỷ sản của vùng đất Vân Đồn đang bị bỏ phí.

Quảng Ninh: Nữ kỹ sư chế biến con hai vỏ ở Vân Đồn thành sản phẩm Ocop 5 sao, hàng xuất khẩu triệu đô - Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh (BAVABI).

"Tôi vẫn luôn tự hỏi, tại sao Vân Đồn giàu nguồn lợi thuỷ sản như vậy mà ngư dân vẫn nghèo. Tại sao hải sản Vân Đồn ngon, bổ như vậy mà không được nhiều người biết đến. Điều ấy thôi thúc tôi phải làm điều gì đó cho quê hương để cả thế giới biết đến Vân Đồn, vùng đất có sá sùng, có mực, tôm sắt, có hàu...", Giám đốc BAVABI chia sẻ.

Qua khảo sát thực tế, bà Hiền cũng nhận ra rằng, công nghệ chế biến thực phẩm nói chung và hải sản nói riêng ở miền Bắc cũng như Quảng Ninh vẫn rất mới mẻ. Hầu hết các loại hải sản của ngư dân Quảng Ninh đánh bắt được đều mới chỉ được bán dưới dạng thô; thậm chí, một số nhà máy còn nhập nguyên liệu từ Vân Đồn và các vùng khác của Quảng Ninh về để chế biến rồi đóng nhãn mác của địa phương khác.

Tới cuối năm 2014, bà Hiền quyết định nghỉ việc và thành lập doanh nghiệp riêng để bắt tay vào dự án nghiên cứu quy trình công nghệ chế biến hàu Thái Bình Dương thành sản phẩm hàu sấy khô, hàu tẩm ướt gia vị tại Quảng Ninh. 

Vào thời điểm này, Bavabi cũng là doanh nghiệp đầu tiên làm các sản phẩm chế biến từ hàu. Ban đầu công ty chỉ có một dãy nhà xưởng lợp tôn với khoảng 10 công nhân. Vốn là dân kỹ thuật, nên thời gian đầu khởi nghiệp kinh doanh, sờ vào đâu bà cũng thấy bỡ ngỡ, thiếu từ kỹ năng đến kinh nghiệm.

Quảng Ninh: Nữ kỹ sư chế biến con hai vỏ ở Vân Đồn thành sản phẩm Ocop 5 sao, hàng xuất khẩu triệu đô - Ảnh 2.

Khu xưởng chế biến của Công ty BAVABI tại huyện Vân Đồn, Quảng Ninh

Sản phẩm hải sản và hải sản chế biến thương hiệu BAVABI thật sự là câu chuyện của sự kiên trì, bài bản trong xây dựng, phát triển sản phẩm. Khởi nghiệp từ năm 2012, nhưng phải đến năm 2015, các sản phẩm thương hiệu BAVABI mới bước ra thị trường.

"Rất may mắn khi BAVABI vừa thành lập thì cũng là thời điểm tỉnh Quảng Ninh đang triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). 

Công ty chúng tôi đã xin được gói tài trợ 700 triệu đồng xây dựng thương hiệu, nhãn mác, bao bì cho sản phẩm ruốc hàu Vân Đồn và các gói vay lãi suất thấp để đầu tư bao bì từ Bộ Công Thương. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh luôn tạo điều kiện để công ty tham gia rất nhiều hội chợ xúc tiến thương mại, từ Bắc vào Nam, thậm chí ra cả nước ngoài", giám đốc BAVABI nói.

Vươn ra các thị trường khó tính

Là doanh nghiệp trẻ, đi vào hoạt động chưa đầy 10 năm, nhưng đến nay, BAVABI đã sở hữu dây chuyền máy móc hiện đại và năng lực chế biến sâu nhiều loại hải sản. Công ty đã chủ động đầu tư dây chuyền rửa, vệ sinh, đóng lọ tự động, khép kín, đảm bảo VSATTP; tối ưu hóa tiện ích cho người tiêu dùng. Những hệ thống quản lý VSATTP như HACCP, ISO 22000 và công cụ "5S" được doanh nghiệp ứng dụng tối đa, để nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, các sản phẩm của BAVABI ngày càng được cải tiến, nâng cao chất lượng, đa dạng kiểu dáng, mẫu mã.

Quảng Ninh: Nữ kỹ sư chế biến con hai vỏ ở Vân Đồn thành sản phẩm Ocop 5 sao, hàng xuất khẩu triệu đô - Ảnh 3.

Công nhân Công ty BAVABI sơ chế hàu tươi sống tại xưởng sản xuất.

Hiện nay, BAVABI là doanh nghiệp chế biến hải sản duy nhất của Quảng Ninh sở hữu 2 sản phẩm là: Ruốc hàu Thái Bình Dương và ruốc cơ trai, được chứng nhận xếp hạng OCOP 5 sao.

Với những nỗ lực trong hoạt động ứng dụng KH&CN nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản, BAVABI đã được Sở KH&CN Quảng Ninh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.
Có 7 sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN, gồm: Hàu ruột tươi xuất khẩu, bánh phồng hàu, ruốc bề bề, ruốc tép, ruốc cá thu, ruốc trai, ruốc ngao hai cùi.

Trước mắt, Công ty đang tiếp tục nghiên cứu và cho ra mắt nhiều sản phẩm khác như ruốc cơ trai, hàu xào, hàu sốt, hàu ăn liền. 

Ngoài các sản phẩm trên, hiện Bavabi cũng đang quan tâm sản xuất sản phẩm giá trị kinh tế và yêu cầu công nghệ cao là tinh chất hàu làm nguyên liệu cho ngành dược liệu. Đây là sản phẩm có giá trị kinh tế lớn, đòi hỏi có sự đầu tư lớn về dây chuyền công nghệ.

Quảng Ninh: Nữ kỹ sư chế biến con hai vỏ ở Vân Đồn thành sản phẩm Ocop 5 sao, hàng xuất khẩu triệu đô - Ảnh 4.

Công nhân Công ty BAVABI chế biến ruốc hàu.

Công ty cũng thường xuyên thay đổi bao bì, đa dạng hóa sản phẩm, tối ưu hóa tiện ích cho người tiêu dùng. 

Nhờ đó, các sản phẩm của Công ty đã được thị trường đón nhận và đánh giá cao. Nhiều sản phẩm phân phối vào hệ thống các siêu thị lớn trong nước. Một số sản phẩm cũng đang được ký hợp đồng với các đối tác cung cấp, tiêu thụ ra thị trường nước ngoài.

Sau cơn bão Yagi, hiện nay sản lượng hàu ở Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên bị suy giảm mạnh người dân chưa thể khôi phục sản xuất sau bão. Chính vì vậy nguồn nguyên liệu cho sản xuất của nhà máy cũng bị giảm đi 1/3.

Nữ Giám đốc BAVABI rất mong muốn Quảng Ninh xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định để có thể đề phòng được rủi ro từ thiên nhiên; đồng thời nâng cao chất lượng đầu vào của sản phẩm. "Tôi rất mong chính quyền quan tâm quy hoạch vùng nuôi ổn định, xây dựng được chuỗi liên kết từ con giống đến hạ tầng vùng nuôi để đảm bảo chất lượng và sản lượng nguyên liệu đầu vào".