Dân Việt

Lăng mộ cổ đồ sộ bằng đá xanh ở Bắc Giang có từ thời nhà Lê Trung Hưng, người nằm dưới mộ là ai?

Lăng Dinh Hương tọa lạc tại làng Dinh Hương, thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) xây dựng từ năm 1727 (xuất hiện trước tất cả các lăng mộ vua nhà Nguyễn ở Cố đô Huế). Trong lăng lưu giữ thi hài Quận công La Quý Hầu. Ông sinh năm 1688 ở tại địa phương.

Năm 1730 triều đại Lê Duy Phường thời nhà Lê Trung hưng, ông được cử làm dịch quân thị hầu, thị đội, rồi làm thái giám. 

Dưới triều đại Lê Y Tông nhà Lê Trung Hưng, ông được cử hai lần đi sứ phương Bắc vào năm 1735 và 1739.

Sang năm 1740 triều đại Lê Hiển Tông nhà Lê Trung hưng, Quận công La Quý Hầu cầm quân đi dẹp loạn ở các vùng thuộc đạo Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Dương.

Ông mất mùng 9 tháng 6 năm Kỷ Tỵ (1749), thọ 61 tuổi. Năm 1754 vua nhà Lê phong ông là Phúc thần trung cẩn đại vương. Lăng được chính Quận công xây dựng tại quê nhà khi còn sống.

Lăng mộ Dinh Hương nằm trên một quả đồi hình tròn, rộng khoảng một ha, có tường gạch bao quanh (ngày xưa là tường đá ong bao quanh) thuộc địa bàn làng Dinh Hương, thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Bố cục mặt bằng kiến trúc khu lăng mộ cổ gồm hai phần chính: phần mộ táng và phần thờ tự.

Lăng mộ cổ đồ sộ bằng đá xanh ở Bắc Giang có từ thời nhà Lê Trung Hưng, người nằm dưới mộ là ai? - Ảnh 1.

Toàn cảnh lăng mộ Quận công La Quý Hầu, một đại quan thời nhà Lê Trung hưng, tọa lạc tại làng Dinh Hương, thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang).

Phần mộ cổ rộng khoảng 100 mét vuông xây đá ong hình vuông, phía trước khu mộ có hai quan hầu dắt ngựa đứng chầu đối diện nhau qua đường thần đạo.

Cặp tượng quan hầu dắt ngựa được xem là những kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc đá, tượng chú trọng vào cách tạo khối trên thân, khiến con vật trở nên đậm chất hiện thực.

Một số mảng chạm tỷ mỷ và mang tính cách điệu cao như phần yên cương, bờm con ngựa.

Võ quan đeo gươm dắt ngựa phía bên phải có mặt to, hàm rộng. Võ quan đeo gươm dắt ngựa phía bên trái có râu dài, mặt nhỏ.

Phía trước cổng của khu lăng mộ cổ, xưa kia là một hồ nước rất lớn, nhưng nay diện tích hồ bị thu nhỏ lại.

Lăng mộ cổ đồ sộ bằng đá xanh ở Bắc Giang có từ thời nhà Lê Trung Hưng, người nằm dưới mộ là ai? - Ảnh 2.

Tượng một võ quan dắt ngựa bên trái trong quần thể lăng mộ cổ bằng đá xanh mang tên Dinh Hương, làng Dinh Hương, thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang).

Khu thờ tự trong lăng mộ cổ cũng được xây vuông như phần mộ táng, tường vây bằng đá ong, phía trước xây bậc tam cấp, trên đặt sập đá, ngai thờ, hai bên có tượng hầu bê tráp và đôi nghê nằm phủ phục.

Bên dưới ngai thờ là nhang án, bàn đá, đôi nghê ngồi châu đầu vào nhau qua đường thần đạo. Xa xa là đôi voi quỳ phủ phục chầu về.

Phía bên phải khu mộ là nhà bia chổ 4 cửa quấn vòm, trong đặt bia đá ghi công trạng người được thờ. Dòng lạc khoản khắc ghi cho biết bia được tạo vào năm 1729.

Nhìn tổng quan, chất liệu tạo dựng công trình kiến trúc nghệ thuật lăng Dinh Hương chủ yếu bằng đá xanh, được đục đẽo, tỉa tót tinh xảo với các hoạ tiết mây lửa, cụm xoắn ốc nổi cao, các dải hoa văn kỷ hà lồng móc vào nhau đăng đối.

Độc đáo hơn cả ở công trình kiến trúc này là nghệ thuật chạm khắc tượng tròn theo lối tả thực với khuynh hướng tự nhiên hoá. Tượng người và thú vật tại lăng làm bằng đá xanh, được chạm khắc rất sống động.

Tượng có kích thước lớn, hình khối mập, chắc và được tỉa công phu. Có thể nói đây là một công trình kiến trúc đồ sộ, được chạm khắc đá công phu với tài nghệ điêu luyện.

Quần thể lăng mộ cổ bằng đá xanh là công trình điêu khắc nghệ thuật đá tiêu biểu hạng nhất ở tỉnh Bắc Giang. Các cổ vật trong lăng được giữ gìn tương đối nguyên vẹn.

Điểm nổi bật, độc đáo của lăng Dinh Hương là các bức tượng đồ sộ, to hơn hẳn ở các lăng mộ khác, được chạm khắc tinh tế.

Theo thống kê, ở Bắc Giang đã phát hiện và công nhận 46 công trình kiến trúc đá cổ, chủ yếu là lăng đá. Hệ thống lăng đá là minh chứng của một nền nghệ thuật điêu khắc lăng mộ phát triển đến đỉnh cao và giữ vị trí quan trọng trong nền kiến trúc, điêu khắc đá cổ trong các lăng tẩm Việt Nam.

Lăng mộ cổ đồ sộ bằng đá xanh ở Bắc Giang có từ thời nhà Lê Trung Hưng, người nằm dưới mộ là ai? - Ảnh 3.

Tượng điêu khắc một võ quan dắt ngựa bên phải trong khu lăng mộ cổ bằng đá xanh, nơi yên nghỉ của Quận công La Quý Hầu, một đại quan thời nhà Lê Trung hưng, tọa lạc tại làng Dinh Hương, thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang).

Nét độc đáo nhất trong hệ thống các lăng đá ở Bắc Giang là nghệ thuật điêu khắc được thể hiện qua các bức tượng, các hiện vật đá… được các nghệ nhân dân gian xưa chế tác, mà lăng Dinh Hương là một điển hình. 

Đây thực sự là những tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc cổ, với những nét tinh xảo được thể hiện trong từng đường nét trên các bức tượng. Những hiện vật, tượng đá cũng góp phần tăng thêm giá trị lịch sử, giá trị văn hoá nghệ thuật của các lăng đá cổ.

Lăng đá Dinh Hương là nơi tôn vinh truyền thống kiến trúc điêu khắc đá của dân tộc, thể hiện rõ ở nghệ thuật điêu khắc tượng người hay linh thú cùng đồ thờ, cũng như trang trí kiến trúc phong phú với nhiều môtíp, đồ án hoa văn sinh động thực sự điển hình cho nghệ thuật điêu khắc đá cổ Việt Nam. 

Với những giá trị về lịch sử văn hoá và nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu, lăng Dinh Hương, làng Dinh Hương, thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) đã và đang hấp dẫn du khách tới tham quan.