Bắc Giang có bao nhiêu làng tiến sỹ, có mấy Trạng nguyên, bao người đỗ Bảng nhãn, Thám hoa?
Bắc Giang có bao nhiêu làng tiến sỹ Nho học, có mấy Trạng nguyên, có bao người đỗ Bảng nhãn, Thám hoa?
Thứ sáu, ngày 02/06/2023 14:32 PM (GMT+7)
Tính từ năm 1088 đến 1901, Bắc Giang có 58 vị nho sinh ưu tú đỗ Đại khoa. Trong đó có 4 vị thi đỗ Đình nguyên, 2 vị Trạng nguyên, 1 Bảng nhãn, 3 Thám hoa còn lại đều đỗ Đệ nhị giáp, Đệ tam giáp Tiến sĩ.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, Nho học để lại cho hậu thế một kho tàng tri thức phong phú cùng nhiều di sản quý báu. Tỉnh Bắc Giang đã có sự quan tâm, đầu tư cho công tác bảo tồn nghiên cứu, sưu tầm tài liệu cũng như di tích Nho học. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống khoa bảng, đồng thời khích lệ tinh thần vươn lên học tập của thế hệ trẻ.
Bắc Giang là vùng đất có truyền thống khoa bảng. Người khai khoa đầu tiên cho nền khoa cử Bắc Giang là Nguyễn Viết Chất - đỗ hàng Đệ nhất giáp ở khoa thi Mậu Thìn năm 1088. Người đăng khoa cuối cùng của nền Nho học phong kiến là Nguyễn Đình Tuân - đỗ Đình nguyên ở khoa thi Tân Sửu năm 1901.
Tính từ năm 1088 đến 1901, Bắc Giang có 58 vị nho sinh ưu tú đỗ Đại khoa. Trong đó có 4 vị thi đỗ Đình nguyên, 2 vị Trạng nguyên, 1 Bảng nhãn, 3 Thám hoa còn lại đều đỗ Đệ nhị giáp, Đệ tam giáp Tiến sĩ.
Trong 27 làng Tiến sĩ ở Bắc Giang, có những làng với nhiều thế hệ nối tiếp ghi danh bảng vàng ở nhiều triều đại khác nhau. Tiêu biểu nhất là làng Yên Ninh, thuộc thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên) có tới 10 vị kế tiếp đỗ đạt dưới hai triều Lê- Mạc.
Sau đó là làng Song Khê với 5 vị, làng Phương Độ 4 vị (TP Bắc Giang). Có thể thấy, từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn dưới triều đại nào Bắc Giang cũng có các vị nho sinh ưu tú đỗ đại khoa. Vì vậy, hệ thống di tích phản ánh về truyền thống khoa bảng ở Bắc Giang cũng phong phú, đa dạng.
Văn chỉ Vân Cốc, xã Vân Trung (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang)-nơi lưu giữ những thông tin bổ ích về Nho học và các vị đỗ đại khoa....
Nhiều làng quê Bắc Giang còn bảo lưu được các văn chỉ, hàng huyện, hàng tổng, hàng xã, từ vũ, từ chỉ, đền thờ và nhiều từ đường gia tộc.
Đó là những công trình tín ngưỡng thờ Khổng Tử, các nhà khoa bảng, các bậc tiên hiền, hiền triết, các vị đại khoa thời phong kiến và là hệ thống di sản văn hóa vật thể tiêu biểu phản ánh truyền thống hiếu học, khoa bảng vẻ vang của quê hương Bắc Giang.
Các di tích Nho học tiêu biểu phản ánh về truyền thống hiếu học khoa bảng ở Bắc Giang như: Đền thờ Tiến sĩ, thị trấn Nếnh; văn chỉ Thổ Hà, văn chỉ Yên Viên, xã Vân Hà; văn chỉ Mật Ninh, xã Quảng Minh; văn chỉ Chu Xá, xã Quang Biểu; văn chỉ Cầu Rãnh, xã Tự Lạn; văn chỉ Vân Cốc, xã Vân Trung (Việt Yên). Huyện Lạng Giang có văn chỉ Bằng, xã Nghĩa Hoà; văn chỉ Dương Đức, xã Dương Đức; văn chỉ Phi Mô, xã Phi Mô; văn chỉ Tiên Lục, xã Tiên Lục; văn chỉ Trung Phụ, xã Tân Hưng; văn chỉ Yên Thịnh, xã Tân Thịnh… Huyện Yên Dũng có văn chỉ Cảnh Thuỵ, xã Cảnh Thuỵ; từ chỉ Phùng Đức Nhuận, xã Nội Hoàng; từ vũ Bùi Bến, xã Yên Lư…
Huyện Hiệp Hoà có từ vũ Thái Sơn, xã Thái Sơn; từ đường, đền thờ Trịnh Ngô Dụng ở xã Hoàng Vân…TP Bắc Giang có văn chỉ Dĩnh Kế; văn chỉ Song Khê, xã Song Khê; văn chỉ Bình An, xã Tân Tiến…
Về địa điểm di tích Nho học thường được xây dựng ở các địa phương có truyền thống khoa bảng, có nhiều người đỗ đạt.
Các di tích chủ yếu được xây dựng từ thời Lê và Nguyễn. Nhiều nơi còn lưu giữ được bia đá lưu danh các nhà khoa bảng, góp phần giáo dục truyền thống khoa bảng vẻ vang cho các thế hệ như từ vũ xã Thái Sơn (phế tích) còn bia đá ghi về Thám hoa Hoàng Sầm, tiến sĩ Nguyễn Lễ Kính, Đĩnh quốc công Ngô Công Mỹ, Phương quận công Ngọ Công Quế…
Từ chỉ Thổ Hà có bia đá ghi về 70 vị nho sinh, tiên hiền của quê hương, văn chỉ Dĩnh Kế còn bia đá ghi danh 8 nhà khoa bảng của huyện Bảo Lộc và Phượng Nhãn...
Bảo tồn và phát huy hệ thống di tích Nho học là gìn giữ truyền thống của cha ông để lại, hun đúc thêm tinh thần hiếu học cho các thế hệ trẻ trên quê hương Bắc Giang.
Những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều sự quan tâm, đầu tư cho công tác bảo tồn nghiên cứu, sưu tầm tài liệu cũng như di tích Nho học, trong đó một số di tích được lập hồ sơ xếp hạng cấp tỉnh và Quốc gia, được hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ và phục hồi bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và xã hội hoá.
Qua đó góp phần giáo dục truyền thống khoa bảng, đồng thời khích lệ tinh thần vươn lên học tập của thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để các di tích Nho học tiếp tục khẳng định vai trò trong xã hội đương đại, thiết nghĩ cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, hoạt động của các di tích Nho học đến đa dạng đối tượng, nhất là học sinh, sinh viên nhằm tiếp tục thắp sáng ngọn lửa truyền thống hiếu học trong thế hệ trẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.