Vì sao vua Lê Anh Tông chỉ cho phép một làng ở Bắc Giang được thờ Công chúa Thiều Dương?

Thứ tư, ngày 23/08/2023 14:26 PM (GMT+7)
Ngọc phả ghi như sau: “Xưa kia làng Hoàng Mai có một ngôi chùa nhỏ tên Linh Quang tự. Thời vua Lê Thánh Tông, công chúa Thiều Dương, con gái thứ 8 của nhà vua đã hưng công, tu tạo, xây dựng lại khiến cảnh chùa thêm huy hoàng, rực rỡ, linh thiêng. Chùa Hoàng Mai, thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang)...
Bình luận 0

Chùa Hoàng Mai, thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) có tên chữ là Minh Linh tự và Linh Quang tự. 

Tên chùa được ghi chép trong ngọc phả làng Hoàng Mai do sử thần Nguyễn Bính soạn mùa xuân niên hiệu Hồng Phúc thứ nhất dưới triều vua Lê Anh Tông (1572).

Ngọc phả ghi như sau: “Xưa kia làng Hoàng Mai có một ngôi chùa nhỏ tên Linh Quang tự. Thời vua Lê Thánh Tông, công chúa Thiều Dương, con gái thứ 8 của nhà vua đã hưng công, tu tạo, xây dựng lại khiến cảnh chùa thêm huy hoàng, rực rỡ, linh thiêng. 

Đến khi công chúa Thiều Dương mất, vua Lê Anh Tông lệnh chỉ cho phép dân làng Hoàng Mai được phụng thờ công chúa. Trong lệnh chỉ ghi rõ mỹ hiệu của Thiều Dương công chúa là “Minh Linh”. 

Vì thế nhân dân Hoàng Mai đã đổi tên chùa từ Linh Quang tự sang Minh Linh tự và tên này được sử sách ghi chép chính thức từ năm 1572.

Theo sự tích, xưa kia nơi đây là phường Hoàng Ma (sau này là Hoàng Mai) cư dân thưa thớt, vùng đất này chưa có chùa miếu thờ phụng. 

Đến thời vua Lê Thái Tông niên hiệu Thiệu Bình (1434-1439), ở phường Yên Phú có một người hào trưởng là Đỗ Danh Cần cùng người con gái họ Nguyễn kết duyên nên vợ chồng. Họ lấy nghề chài lưới làm kế sinh nhai. Một hôm họ đến Hoàng Ma, thấy đất đai màu mỡ, thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống.

Vì sao vua Lê Anh Tông chỉ cho phép một làng ở Bắc Giang được thờ Công chúa Thiều Dương? - Ảnh 1.

Chùa Hoàng Mai-Minh Linh tự thờ Phật, phối thờ Công chúa Thiều Dương-con gái thứ vua Lê Thánh Tông. Chùa Hoàng Mai ở thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Ông bà quyết định ở lại nơi này sinh cơ lập nghiệp. Vợ chồng ông bà dựng một căn nhà nhỏ ở, đồng thời làm nơi cứu vật, dung nạp, trợ giúp những người khốn khó. 

Thường ngày, ông bà vẫn luôn làm những điều nhân đức để tròn đầy quả phúc, rồi hưng công khuyến thiện, tự tay dựng nên một ngôi chùa nhỏ làm nơi thờ Phật. Đất lành chim đậu, nhân dân các nơi tụ về đây đều được ông bà cưu mang và từ đó phường Hoàng Ma ngày càng đông đúc. 

Khi ông bà mất, nhân dân địa phương ghi nhớ công lao đã tôn thờ để tỏ lòng biết ơn người đã có công lập làng, dựng chùa. Đến thời Lê (thế kỷ XV), công chúa Thiều Dương tiếp tục tu sửa, mở mang xây dựng ngôi chùa thêm phần khang trang tố hảo.

Trong ngọc phả có đoạn chép như sau: “…Một ngày, Thiều Dương đến địa phận Hoàng Ma, từ trưa cho đến tối nàng đến ở bản phường, lúc ấy, nhân dân ở đây đến báo với Đỗ Công (Đỗ Danh Cần). 

Đỗ Công thấy diện mạo Thiều Dương khác hẳn người thường, bèn thỉnh với nàng đến ở trong chùa. Thiều Dương thấy dân ở đây phong tục thuần hậu. Đỗ Công là người lương thiện có ngôi chùa nhỏ Linh Quang ngày đêm hương khói thờ Phật. Thiều Dương rất yêu mến ngôi chùa này bèn bỏ tiền tu tạo, xây dựng to đẹp hơn. 

Từ đó cảnh chùa thêm linh thiêng, huy hoàng rực rỡ. Tới khi công chúa Thiều Dương mất, vua Lê Anh Tông cấp sắc cho dân Hoàng Mai thờ Thiều Dương".

Theo sử sách chép lại: Thiều Dương công chúa là con gái thứ 8 của vua Lê Thánh Tông, trong gia phả họ Phạm ở Xuân Hương (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) cũng ghi: “… Lê triều Thánh Tông Thuần Hoàng đế có con gái thứ 8 là Thiều Dương thiên cực, thái trưởng công chúa Lê Thị Ngọc Khanh dự đánh giặc Liễu Thăng về đến đất Xuân Mãn (Xuân Hương) mất vào giờ Tý ngày 22 tháng 2 được cấp ruộng thế nghiệp để trông nom giữ gìn mộ tổ, từ đường, lăng miếu. 

Trước đây con gái thứ 8 của vua thu binh đánh giặc Liễu Thăng, vâng mệnh vua cha sai đến sứ Nghệ An và các trấn, lộ cùng các tuỳ tòng và các tướng, uy danh lừng lẫy, binh giáp tinh nhuệ, tiến đánh giặc thù, chém tướng giặc, vang danh hiển hách huân công, thu được binh phù của giặc, cùng voi, ngựa, khí giới nhiều vô kể, giành thế thắng, khôi phục lại cương vực nước cũ… Vì thế được hưởng việc thờ phụng theo nghi thức nhà nước”. 

Đến triều Lê Hiến Tông năm thứ nhất (1498) sắc tặng ban thêm cho công chúa Lê Thị Ngọc Khanh là tối linh đại vương.

Như vậy, chùa Hoàng Mai không chỉ là nơi thờ Phật mà còn phối thờ ông Đỗ Danh Cần đã có công xây dựng chùa, thành lập làng và công chúa Thiều Dương, con gái thứ 8 của vua Lê Thánh Tông là Lê Thị Ngọc Khanh, bà đã có nhiều công lao với dân, với nước ở thế kỷ XV.

Chùa Hoàng Mai hiện nay đã được tu sửa lại bao gồm các hạng mục: Tiền đường nối Thượng điện, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, nhà khách. Trong chùa còn lưu giữ hệ thống tượng Phật đầy đủ, các tài liệu, hiện vật gắn liền với ngôi chùa.

Chùa Hoàng Mai (thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) không chỉ là nơi thờ Phật mà còn phối thờ ông Đỗ Danh Cần đã có công xây dựng chùa, thành lập làng và công chúa Thiều Dương, con gái thứ 8 của vua Lê Thánh Tông tên là Lê Thị Ngọc Khanh, bà đã có nhiều công lao với dân, với nước ở thế kỷ XV.

Đồng Ngọc Dưỡng (Báo Bắc Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem