Ông Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam đánh giá như vậy khi trao đổi với PV Dân Việt về thị trường phân bón và sự đổi mới mạnh mẽ của các doanh nghiệp, trong đó có Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Supe Lâm Thao) - doanh nghiệp phân bón hàng đầu cả nước.
Thưa ông, năm 2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn 2050, theo ông Đề án này tác động như thế nào tới thị trường phân bón nước ta?
- Về những chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành phân bón, Bộ NNPTNT đã phê duyệt 02 Đề án quan trọng.
Một là Đề án Phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 tại Quyết định số 5190/QĐ-BNN-BVTV, ngày 07/12/2023. Đề án này đặt ra mục tiêu cụ thể đến 2030: Nâng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ được phép lưu hành lên trên 30% so với tổng số sản phẩm phân bón; Nâng công suất sản xuất phân bón hữu cơ của các cơ sở sản xuất đủ điều kiện lên 5 triệu tấn/năm; Lượng phân bón hữu cơ công nghiệp sử dụng chiếm tối thiểu 30% so với tổng lượng phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Hai là Đề án "Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", tại Quyết định số 3458/QĐ-BNN-BVTV ngày 11/10/2024.
Trong đó, đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2030 liên quan đến phân bón: Xây dựng, hoàn thiện được quy trình canh tác hợp lý gắn với sử dụng phân bón hiệu quả, giảm thất thoát chất dinh dưỡng trên các loại đất chính trồng các cây trồng chủ lực; Phát triển công nghệ sản xuất phân bón mới (vô cơ, hữu cơ, sinh học) trong nước và nhập khẩu có hiệu quả sử dụng cao; Xây dựng và hoàn thiện các quy trình sử dụng phân bón phù hợp và hiệu quả đáp ứng nguyên tắc "đúng loại đất, đúng loại cây, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách", góp phần giảm thất thoát phân bón đa lượng đến năm 2030 ít nhất 0,5 đơn vị phần trăm/năm trên các loại đất chính trồng các cây trồng chủ lực.
Hai đề án trên nếu triển khai đồng bộ, đúng kế hoạch, các đơn vị chức năng của Bộ NNPTNT, các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng thực hiện các giải pháp về cơ chế chính sách, về khoa học công nghệ, khuyến nông, về đào tạo, tập huấn, về thông tin, tuyên truyền, về chuyển đổi số, về hợp tác quốc tế, về thanh tra, kiểm tra, về giám sát và đánh giá sẽ có tác động mạnh mẽ tới cơ chế sử dụng phân bón, đến sự phát triển của phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, giảm sự sử dụng quá mức phân bón vô cơ.
Thực tế triển khai cho thấy, những năm gần đây đã có hơn 20 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón như Tập đoàn Quế Lâm, Tổng Công ty Sông Gianh, Công ty CP Thiên Sinh, Công ty Sài Gòn Mê Kông, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau,… đã cam kết đồng hành với Bộ NNPTNT trong việc tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình mẫu; hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả; hướng dẫn đại lý buôn bán phân bón, đúng quy định,…
Nhiều nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ được đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, quy mô lớn, cho phép tạo ra các loại phân bón hữu cơ chất lượng tốt, ổn định, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn nguyên liệu sẵn có như chất thải hữu cơ từ chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, công nghiệp chế biến, rác thải sinh hoạt và các chất hữu cơ trong tự nhiên.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển các loại phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh?
- Về tiềm năng tại chỗ, các đề án chính sách sẽ góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất phân bón hữu cơ ở quy mô gia đình: Có gần 20 triệu tấn phân bón hữu cơ sản xuất quy mô nông hộ từ các phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản,.. được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Phát triển sản xuất phân bón hữu cơ dựa trên nền chất thải chăn nuôi: Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có gần 3 triệu hộ và trang trại chăn nuôi lợn. Trong đó, trong đó chăn nuôi quy mô lớn (trên 300 con) chỉ chiếm 0,17%, số hộ chăn nuôi nhỏ ( dưới 9 con) chiếm tới 83,16%.
Phát triển sản xuất phân bón hữu cơ dựa trên nền phụ phẩm trồng trọt: Phụ phẩm trồng trọt có thể sử dụng làm vật liệu ủ gốc cho cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày, trồng rau; sản xuất thành các thanh nhiên liệu và than sinh học…
Tăng cường nguồn phân hữu cơ thông qua trồng xen và luân canh với cây phân xanh, cây bộ đậu; sản xuất phân bón hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình; Sản xuất phân bắc.
Những năm gần đây, một số doanh nghiệp trong đó có Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã liên tục ra mắt các sản phẩm phân bón thế hệ mới, cung cấp các giải pháp "canh tác xanh" cho sản xuất nông nghiệp như supe lân vi sinh, hữu cơ vi sinh, phân bón nông nghiệp đô thị... Ông có đánh giá như thế nào về sự đầu tư này của Supe Lâm Thao?
- Những năm gần đây, đặc biệt là năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật khẳng định vai trò trụ cột trong kinh tế và nâng cao chất lượng sống người dân nông thôn. Riêng với ngành trồng trọt, dù phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là bị ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3 Yagi, song kết thúc năm 2024 vẫn ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật, nhất là trong xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như trái cây, gạo, cà phê và hạt điều.
Cụ thể, với mặt hàng gạo, xuất khẩu đạt kỷ lục 9 triệu tấn, kim ngạch 5,8 tỷ USD; xuất khẩu trái cây lập mốc kỷ lục 7 tỷ USD, trong đó sầu riêng đạt 3,2 tỷ USD. Phân bón đóng một vai trò quan trọng vào sự phát triển của ngành trồng trọt, vì phân bón là một trong các vật tư đầu vào quan trọng nhất của nông nghiệp (theo FAO: phân bón chịu trách nhiệm khoảng 40-60% sản xuất lương thực thế giới, tùy theo loại cây trồng, thời tiết và thời vụ mà phân bón chiếm tới 40-70% giá trị vật tư đầu vào).
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về sản lượng, chất lượng của cây trồng, các doanh nghiệp đã nghiên cứu, sản xuất một số loại phân bón thế hệ mới, phân bón có hàm lượng khoa học công nghệ cao, điển hình là phân bón hiệu quả cao (Enhanced Effciency Fertilizer - EEF). Theo đó, EEF là công thức phân bón mới hơn giúp kiểm soát việc giải phóng phân bón nhằm giảm thất thoát chất dinh dưỡng cho môi trường và tăng khả năng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng. Ngoài ra, còn có các loại phân bón đa tác dụng, phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh.
5 năm liên tiếp từ 2021 đến năm 2025, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao liên tục cho ra đời những sản phẩm mới. Cụ thể, năm 2021 là bộ 5 sản phẩm NPK-S hàm lượng cao thế hệ mới; năm 2022 là nhóm Supe Lân vi sinh; năm 2023 là NPK-S vi sinh và Hữu cơ khoáng vi sinh; năm 2024 là phân bón chuyên dùng cho cây cà phê, cây lâm nghiệp và nông nghiệp đô thị.
Trong năm nay, công ty tiếp tục ra mắt dòng sản phẩm NPK-S sử dụng 100% kali sulphat và Supe Lân trung tính, đáp ứng nhu cầu canh tác bền vững và nông nghiệp xanh.
Nói một chút về sản phẩm mới năm 2025 của Công ty Supe Lâm Thao, thay vì dùng MOP (KCl), công ty đã bước đầu dùng SOP (K2SO4). SOP có ưu điểm là vừa có thành phần dinh dưỡng đa lượng (K), vừa có thành phần dinh dưỡng trung lượng (S) và đồng thời giảm lượng ion Cl- đưa vào đất.
Việc này chứng tỏ Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã có sự đổi mới không ngừng, áp dụng khoa học công nghệ để cho ra đời các loại sản phẩm mới gắn với với xu thế phát triển của nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững và giảm thiểu khí phát thải nhà kính.
Nông nghiệp Việt Nam sau một thời gian dài chạy theo sản lượng đã gần như "vắt kiệt" tài nguyên đất, nước, dẫn đến nhiều nơi đất đai bị bạc màu, sa mạc hóa... Theo ông, các giải pháp phân bón mới như của Supe Lâm Thao có ý nghĩa như thế nào đối với việc bảo vệ tài nguyên đất, giảm lượng phân bón sử dụng mà vẫn đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho cây trồng?
- Việc sử dụng phân bón hóa học một cách tràn lan, nhiều quá mức trong thời gian dài đã khiến nguồn đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bạc màu, thoái hóa nghiêm trọng.
Thống kê của FAO cho thấy, trung bình trên thế giới người ta sử dụng khoảng 135kg phân bón hóa học/ha, trong khi đó ở nước ta lên tới trên 400 kg/ha (số liệu năm 2020). Việc tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, phân bón hiệu quả cao sẽ khắc phục được một phần tình trạng trên.
Các loại phân bón mà Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đưa ra thị trường trong các năm gần đây sẽ góp phần vào việc giảm lượng phân bón, nâng cao sức khỏe của đất và giảm thiểu khí phát thải nhà kính.
Sở dĩ có thể nói như vậy là do: Cây trồng dễ dàng hấp thụ các chất dinh dưỡng đa lượng, trung lượng và vi lượng trong phân bón hữu cơ vì quá trình phân giải và hấp thụ xẩy ra trong thời gian dài, không gặp phải tình trạng bị dư thừa; Phân bón hữu cơ có khả năng tăng cường các vi sinh vật hữu ích cho cây trồng; Phân bón hữu cơ có khả năng phân hủy ra nhiều axit hữu cơ để kích thích cho rễ cây phát triển, khi dùng bón lá sẽ nâng cao khả năng quang hợp cho cây.
Bên cạnh đó, phân bón hữu cơ còn có vai trò quan trọng trong việc cải tạo và hạn chế xói mòn đất; Tăng cường chất lượng nông sản. Ưu điểm lớn nhất của phân bón hữu cơ là thân thiện với môi trường do có khả năng phân hủy được hoàn toàn trong môi trường tự nhiên.
Ngành nông nghiệp nước ta đang chuyển dịch mạnh mẽ sang sản xuất xanh, giảm phát thải, nhằm hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050, theo ông, các doanh nghiệp ngành phân bón cần có nhận thức, hành động như thế nào trước xu hướng này để góp phần phát triển nông nghiệp bền vững?
- Biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động tiêu cực đến nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là ngành trồng trọt, làm giảm diện tích đất canh tác, gây ra tình trạng hạn hán và sâu bệnh.
Nông nghiệp bị ảnh hưởng bới BĐKH nhưng nông nghiệp là ngành phát sinh các khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai sau ngành năng lượng, ảnh hưởng tiêu cực đến BĐKH, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực trồng lúa nước, chăn nuôi, quản lý đất và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Sản lượng nông nghiệp toàn cầu sẽ giảm 50% nếu không sử dụng phân bón, trong khi đó khoảng 2,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến phân bón. Khí phát thải nhà kính có thể phát sinh cả ở 2 khâu sản xuất và sử dụng.
Nhằm hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ, các doanh nghiệp ngành phân bón trước tiên cần có biện pháp giảm đáng kể lượng khí thải carbon trong sản xuất và liên tục nỗ lực để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng. Thứ hai là nghiên cứu áp dụng các loại phân bón EEF và phân bón phát thải thấp (low emission).
Khi sử dụng phân bón cần áp dụng sáng kiến 4Rs trong quản lý phân bón: Đúng loại, đúng tỷ lệ, đúng lúc và đúng cách (right source, right rate, right time, right place); Quản lý dinh dưỡng cây trồng, thúc đẩy sự kết hợp tốt hơn giữa các nguồn phân bón hữu cơ có sẵn tại địa phương như phân chuồng và phân ủ (compost) với phân khoáng;
Áp dụng phương thức sử dụng liều lượng tối thiểu, hoặc tăng cường sử dụng các loại phân bón EEF nhằm đạt được mục đích tăng sự hấp thu phân bón của cây trồng, đồng thời giảm tác hại đến môi trường;
Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh; Sử dụng phụ gia phân bón để ứng phó với BĐKH như calcium (Ca) làm vững chắc vách tế bào, giúp cây cứng cáp, khử mặn, ức chế sự phát triển của nấm bệnh trong đất, silic rất cần thiết cho cây khi bị nhiễm mặn, ngăn cản thoát hơi nước trong cây, cải thiện nhiều cơ chế sinh lý, sinh hóa của cây, giúp cây sinh sản khỏe mạnh trong điều kiện đất bị nhiễm mặn; Sử dụng chất ổn định nitơ (Nitrogen Stabilizer), chất ức chế urease (Urease Inhibitor), chất ức chế nitrat hóa (Nitrification Inhibitor), chất ức chế enzym urease (UI).
Xin trân trọng cảm ơn ông!