"Vàng xanh" ở Bắc Giang thực ra là loại cây dược liệu gì mà tất cả các bộ phận đều bán ra tiền to?

Thứ năm, ngày 09/01/2025 18:54 PM (GMT+7)
Ẩn mình giữa những ngọn đồi trung du xanh ngát của huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, sâm nam núi Dành đang dần khẳng định vị thế của mình, không chỉ là cây dược liệu quý mà còn là biểu tượng cho sự phát triển bền vững của địa phương.
Bình luận 0

Với giá trị dược liệu quý giá, gắn với lịch sử, văn hóa lâu đời, cùng triển vọng kinh tế vượt bậc, sâm nam núi Dành xứng đáng được gọi là "vàng xanh" của đất Bắc Giang.

Từ cây “vàng xanh” của đất núi Dành…

Hệ núi Dành là dãy núi lớn thứ hai của huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, sau núi Đót ở xã Phúc Sơn. Đỉnh cao nhất là Chung Sơn cao 117m so với mặt nước biển. Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành, trải qua hàng ngàn năm, núi Dành gìn giữ trong mình một loại dược liệu quý hiếm: cây sâm nam.

Trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện cảm động về sâm nam núi Dành giúp chữa bệnh cho Hoàng thái hậu Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức. Để rồi từ đó, “sâm nam núi Dành” trở thành một đặc sản tiến vua nổi danh đất bắc.

img

Vì giá trị kinh tế mang lại rất lớn, sâm nam núi Dành dần trở nên khan hiếm do bị khai thác quá mức trong khi không có sự bảo tồn, nhân trồng, duy trì nguồn giống. Cho đến những năm 70 của thế kỷ trước, sâm nam núi Dành gần như cạn kiệt. Thậm chí, hình ảnh của loại dược liệu quý này cũng dần mờ nhạt trong tiềm thức người dân nơi đây. Những giai thoại của đặc sản này chỉ còn được biết đến trong các câu chuyện truyền miệng, hoặc từ những thư tịch cổ còn sót lại.

Tưởng chừng sâm nam núi Dành sẽ mãi chỉ còn trong truyền thuyết, cho đến những năm 2010, huyền thoại về cây sâm nam núi Dành lại được nhắc đến. May mắn thay, cây sâm nam vẫn tồn tại nhờ một ông lang địa phương giàu kinh nghiệm, biết trân quý mà giữ lại duy trì nguồn giống cây sản vật từ hơn nửa thế kỷ qua. Và từ đó, cây sâm nam đã được trồng và phát triển trở thành một trong những giống cây đặc trưng, tiêu biểu của của địa phương, giúp người dân nơi đây có nguồn thu nhập bền vững.

Sâm nam núi Dành, hay còn gọi là nam sâm. Theo ghi chép trong sách "Đại Nam nhất thống chí", sâm nam núi Dành đã được biết đến từ thời nhà Nguyễn với tên gọi cát sâm, và được xem như một loại dược liệu quý của vùng núi Chung Sơn (nay là núi Dành, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang).

img

Sâm nam núi Dành có lớp vỏ bên ngoài hơi cứng, lõi bên trong màu vàng nhạt, mùi thơm dịu và có vị hơi ngọt..., đã được khoa học nghiên cứu và chứng minh rằng “Sâm nam núi Dành” chứa nhóm chất chính là saponin, flavonoid (hoạt chất quý chống lão hóa) và các acid hữu cơ, acid amin... có tác dụng đặc biệt tốt đối với sức khỏe con người.

Theo kết quả phân tích của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), saponin - hoạt chất quý giá trong sâm nam núi Dành, đạt tới 8,11%, gần bằng sâm Ngọc Linh (10%) và gấp gần 3 lần sâm Hàn Quốc (3,5%). Chính nhờ hàm lượng saponin cao, sâm núi Dành được đánh giá là có giá trị dược lý đặc biệt, hỗ trợ tốt trong việc ổn định đường huyết, tăng cường sức khỏe, chống oxy hóa.

Đến năm 2020, loại dược liệu này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý dưới tên “sâm nam núi Dành Tân Yên” như một lời khẳng định về ý nghĩa, tầm quan trọng của giống sâm này trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

img

Sâm nam núi Dành được ví như món quà quý giá từ thiên nhiên, kết tinh những tri thức y học truyền thống và giá trị văn hóa.

Không chỉ có giá trị lịch sử, sâm nam núi Dành còn là biểu tượng văn hóa của vùng đất Tân Yên. Loại sâm này là niềm tự hào của người dân địa phương, vừa mang giá trị y học, vừa là di sản văn hóa cần được bảo tồn và phát huy.

Xác định tầm quan trọng của loại cây này trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương, huyện Tân Yên đã xây dựng Đề án “Phát triển sâm nam núi Dành giai đoạn 2022-2027”. Nhờ đó, đến nay toàn huyện có khoảng 150ha, tập trung ở các xã Liên Chung, Việt Lập và thị trấn Cao Thượng. Năm 2024, gần 20ha sâm nam núi Dành cho thu hoạch củ với sản lượng 30 tấn và hơn 100 ha cho thu hoạch hoa, sản lượng bình quân khoảng 1 tấn hoa tươi/ha.

Năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã công nhận Điểm du lịch tâm linh sinh thái núi Dành thuộc thôn Hậu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên. Khu du lịch tâm linh sinh thái Núi Dành đã được định hình và ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng và người dân.

… Đến những người tâm huyết gìn giữ cây dược liệu quý

Để sâm nam núi Dành được biết đến như ngày hôm nay, không thể không nhắc đến những con người tâm huyết gắn bó với cây dược liệu quý của vùng đất Tây Yên. Một trong số đó là các thành viên của Hợp tác xã Sâm núi Dành Đức Hạnh. Họ là những người đã dày công nghiên cứu, trồng và phát triển sản phẩm từ sâm nam, với nỗ lực không ngừng nghỉ để bảo tồn và phát huy, để sâm nam núi Dành mãi mãi là "niềm tự hào của quê hương Bắc Giang". 

Ra đời năm 2021 tới nay, Hợp tác xã Sâm núi Dành Đức Hạnh đã có 7 thành viên và liên kết với hàng chục hộ trong vùng trồng sâm. Cơ sở tập trung vào trồng và chế biến sâm núi chất lượng cao để tạo ra những sản phẩm có giá trị tốt nhất cho sức khỏe người dùng. 

Hợp tác xã Sâm núi Dành Đức Hạnh sở hữu các vườn cây sâm núi được trồng và chăm sóc bằng phương pháp tự nhiên và bền vững. Đội ngũ thành viên trong Hợp tác xã là những người có kinh nghiệm và kiến thức sâu về trồng cây sâm núi, bảo đảm quy trình sản xuất được tiến hành theo các tiêu chuẩn chất lượng cao.


img

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang thăm Hợp tác xã sâm núi Dành Đức Hạnh.

Ông Trần Văn Khiển - Giám đốc Hợp tác xã Sâm núi Dành Đức Hạnh, cho biết, việc sản xuất, trồng và chế biến sâm nam núi Dành tại Hợp tác xã canh tác theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhờ sự hợp tác chặt chẽ với Viện nghiên cứu, đào tạo và tư vấn khoa học công nghệ (ITC) Hà Nội. 

Trong đó, có hơn 3ha sản xuất sâm nam núi Dành theo hướng hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học, không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Sâm nam được trồng tại Hợp tác xã từ đầu năm 2022 có tỷ lệ cây giống sống, sinh trưởng phát triển đạt hơn 90%; vụ hoa cho thu hoạch vào tháng 9, 10 hằng năm. Sau 3 năm, kiểm tra mỗi gốc sâm đã đạt hơn 1kg củ, màu vàng, có mùi thơm đặc trưng. Năm 2024, Hợp tác xã Đức Hạnh thu hoạch gần 5 tấn hoa tươi.

Bên cạnh việc bán các sản phẩm từ sâm nam núi Dành, Hợp tác xã cũng tích cực mở rộng theo hướng kết hợp phát triển du lịch trải nghiệm mùa hoa sâm và mùa Lễ hội đền Dành vào tháng Giêng âm lịch.

img

Khách du lịch trải nghiệm hái hoa sâm.

Qua quá trình thu hoạch, sâm nam núi Dành được các thành viên của Hợp tác xã Đức Hạnh lựa chọn các giai đoạn thích hợp để bảo đảm rễ, thân, và lá cây đạt chất lượng tối ưu. Sau đó, sâm núi được chế biến kỹ lưỡng để tạo ra các sản phẩm sâm núi chất lượng cao như: viên nang, bột sâm, chiết xuất, hay các sản phẩm chế biến khác.

Những thành viên của Hợp tác xã Sâm núi Dành Đức Hạnh không chỉ nỗ lực bảo tồn giống sâm quý của địa phương mà còn áp dụng khoa học kỹ thuật để cải thiện năng suất và chất lượng.

Trong thực tế, việc chăm sóc cây sâm quý này đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và tình yêu đối với đất đai, thiên nhiên. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, tới nay, Hợp tác xã đã trồng thành công hơn 3ha sâm, đồng thời cho ra đời nhiều sản phẩm độc đáo như: Trà hoa sâm, rượu sâm, mật ong vải thiều - sâm nam núi Dành, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Các sản phẩm chính của Hợp tác xã Đức Hạnh hiện nay đã khá đa đạng như: Sâm nam núi Dành hòa tan, sâm củ sấy khô, trà hoa sâm, nước tăng lực, cao sâm, trà là sâm, rượu sâm các loại, mật ong vải thiều - sâm nam núi Dành... cung ứng trên thị trường cả nước.

img

Với công dụng hàng đầu là sản phẩm tốt cho sức khỏe, đi cùng chất lượng vượt trội, mẫu mã đẹp, những sản phẩm thảo dược từ sâm nam núi Dành của Hợp tác xã Đức Hạnh ngày càng được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Bà Nguyễn Phương Loan, cán bộ Hợp tác xã Đức Hạnh, chia sẻ, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm nay, số lượng tiêu thụ của các sản phẩm sâm nam núi Dành tăng mạnh so với các năm trước. Sản phẩm từ sâm nam núi Dành Đức Hạnh đã trở thành lựa chọn hàng đầu trong danh mục quà biếu cao cấp với nhiều cá nhân. Đây chính là minh chứng cho lòng tin tưởng và sự yêu mến của khách hàng dành cho một thương hiệu đặc trưng của vùng đất Bắc Giang. Mỗi sản phẩm từ sâm nam núi Dành không chỉ tốt cho sức khỏe của người sử dụng, mà còn truyền đi thông điệp sống xanh, khỏe mạnh và hòa mình vào thiên nhiên từ mảnh đất núi Dành.

Có thể thấy, sau bao năm kiên trì, bền bỉ theo đuổi mục tiêu "Chất lượng sản phẩm vì sức khỏe người tiêu dùng là hàng đầu", những nỗ lực của các thành viên của Hợp tác xã Sâm núi Dành Đức Hạnh đã dần được ghi nhận.

Tháng 4/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục các mô hình thí điểm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025 (đợt 2). Trong danh mục 18 mô được phê duyệt, có mô hình phát triển các sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ, du lịch tâm linh sinh thái Núi Dành và du lịch sinh thái ven sông Thương tại xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

img

Vào tháng 8/2024, Ủy ban nhân dân huyện Tân Yên đã công nhận 2 sản phẩm rượu sâm nam núi Dành và trà hoa sâm của Hợp tác xã Đức Hạnh đạt hạng OCOP 3 sao. Một sản phẩm đặc biệt khác là mật ong vải thiều - sâm núi Dành cũng đang trong giai đoạn làm hồ sơ để được cấp chứng nhận OCOP trong thời gian tới.

Mới đây, thương hiệu du lịch Danh Trek & Chill cũng mở tour du lịch trải nghiệm tại Núi Dành. Vườn sâm nam của Hợp tác xã Đức Hạnh cũng được chọn là một trong những điểm đến thú vị check-in trong tuyến du lịch trải nghiệm này. Qua đó, hứa hẹn đem đến cho du khách những trải nghiệm khó quên với các đặc sản địa phương nổi tiếng như: nem nướng, gà đồi, thưởng thức rượu sâm nam núi Dành…

Sâm nam núi Dành trên hành trình vươn xa

Hợp tác xã Sâm núi Dành Đức Hạnh là mô hình tiêu biểu cho sự kết hợp giữa bảo tồn và phát triển kinh tế. Với hơn 3 năm trồng sâm trên núi Dành, hợp tác xã không chỉ bảo tồn được nguồn gien quý, mà còn khai thác tối ưu giá trị kinh tế của loại dược liệu này.

img

Nhờ tiềm năng này, sâm nam núi Dành đã giúp người dân địa phương có thêm thu nhập đáng kể. Giá bán của sản phẩm từ sâm nam như củ tươi, trà hoa sâm, rượu sâm không chỉ cao hơn các loại cây trồng thông thường mà còn có sức tiêu thụ ổn định, mang lại lợi nhuận bền vững cho người dân trồng sâm.

Triển vọng phát triển của sâm nam núi Dành không chỉ dừng lại ở giá trị kinh tế. Đây còn là cơ hội để Bắc Giang khẳng định thương hiệu trên bản đồ dược liệu Việt Nam và quốc tế.

Những nghiên cứu mới nhất đã mở ra cánh cửa để sâm nam núi Dành được ứng dụng trong sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và dược phẩm. Không dừng lại ở đó, tỉnh Bắc Giang còn đẩy mạnh xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp, kết hợp việc tham quan vùng trồng sâm với khám phá văn hóa, tâm linh tại núi Dành.

Hướng đi này không chỉ giúp gia tăng giá trị kinh tế, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Bắc Giang như một điểm đến thân thiện, giàu bản sắc. Với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và sự nỗ lực của các hợp tác xã và cộng đồng, sâm nam núi Dành hoàn toàn có thể trở thành thương hiệu quốc gia, sánh vai với các loại dược liệu hàng đầu thế giới.

img

Sâm nam núi Dành, cây "vàng xanh" của vùng đất Tân Yên, không chỉ là biểu tượng của sự giàu có từ thiên nhiên, mà còn là minh chứng cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của người dân Bắc Giang.

Sâm nam núi Dành, cây "vàng xanh" của vùng đất Tân Yên, không chỉ là biểu tượng của sự giàu có từ thiên nhiên, mà còn là minh chứng cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của người dân Bắc Giang. Từ giá trị dược liệu quý hiếm, cùng với giá trị lịch sử, văn hóa, đến hiệu quả kinh tế và triển vọng phát triển, sâm nam núi Dành đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên hành trình vươn xa hơn, tới các thị trường trong nước và quốc tế.

Bởi vậy, giữ gìn và phát triển loại dược liệu quý này không chỉ có trách nhiệm của người dân Bắc Giang, mà còn cần sự chung sức và quan tâm của cả cộng đồng, để cây sâm nam núi Dành luôn tỏa sáng như một báu vật “vàng xanh” của đất nước.

Xuân Bách - Ngân Anh (Báo Nhân Dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem