Dân bản ở thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đỏ lửa suốt ngày đêm làm món thịt trâu gác bếp, thịt bò giàng, lạp sườn đặc sản, khách thành phố thi nhau mua
Thời điểm này, các xưởng sản xuất đặc sản ở miền Tây của tỉnh Nghệ đang chạy hết công suất để có phục vụ thị trường Tết.
Những món đặc sản của dân bản như thịt trâu, bò gác bếp, lạp sườn… nay trở thành món ngon mà dân thành phố rất ưa chuộng.
Đặc biệt, vào dịp Tết âm lịch- tết Nguyên đán, những món đặc sản này của dân bản thường cháy hàng.
Trước đây, thịt trâu gác bếp hay lạp sườn được bảo quản bằng cách treo trên bếp củi. Khói và hơi nóng từ bếp sẽ bảo quản thịt khỏi sự xâm nhập của nấm mốc, vi khuẩn mà vẫn giữ được hương vị đặc trưng.
Với dân bản vùng cao miền Tây tỉnh Nghệ An, đây là món ăn truyền thống hàng ngày và dùng để đãi khách tới chơi.
Clip: Tận mắt xem quy trình chế biến món bò giàng, thịt trâu gác bếp-đặc sản Nghệ An do người dân thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong. Thực hiện: Cảnh Thắng - Nguyễn Tình
Khi người miền xuôi khi lên vùng cao tình cờ được thưởng thức những món truyền thống này, thấy hương vị ngon nên mua về để mọi người cùng thưởng thức.
Thời điểm này, các cơ sở chế biến bò giàng, thịt trâu gác bếp, lạp sườn ở thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đang đỏ lửa suốt ngày đêm để kịp phục vụ thị trường Tết. Ảnh: Ng.T.
Những món đặc sản của dân bản đã chinh phục được vị giác của thực khách thành phố, họ truyền tai nhau rồi đặt hàng để thưởng thức hay làm quà hoặc thực phẩm dịp tết Nguyên đán.
Cứ thế, đặc sản thịt gác bếp của người dân vùng cao dần vượt ra khỏi phạm vi các huyện vùng cao để xuôi về đồng bằng, thành phố, trở thành món ăn được nhiều người ưa thích.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (SN 1983, trú thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) cho biết, lạp sườn và bò giàng, thịt trâu gác bếp đã được khách đặt đơn từ hơn nửa tháng trước.
Thịt trâu, bò, lợn được gác trên bếp xưa là món truyền thống để đãi khách của dân bản nay thành đặc sản khiến dân thành phố mê mẩn, Tết đến là chốt đơn liên tục. Ảnh: Ng.T.
Vì thế để kịp trả đơn hàng cho khách, thời gian gần đây, chị Hiền phải thuê thêm 3 nhân công để sản xuất lạp sườn và các loại thịt gác bếp như bò giàng, thịt trâu, thịt lợn gác bếp.
So với các năm trước, lượng khách đặt hàng thịt gác bếp tăng nhưng giá cả "nhích" lên không đáng kể.
Hiện giá thịt trâu, bò gác bếp được chị Hiền bán với giá 1.000.000 đến 1.100.000 đồng/kg, thịt lợn gác bếp có giá 450.000 đến 500.000 đồng/kg, lạp sườn 300.000 đến 350.000 đồng/kg.
Chị Hiền chia sẻ: "Từ 20 tháng 12 âm lịch, tôi sẽ bắt đầu trả các đơn hàng cho khách ở những tỉnh xa. Vì thế toàn bộ nhân công đang tập trung làm các mẻ thịt gác bếp, lạp xưởng cho khách. Dịp Tết, chúng tôi thường làm đến tận ngày nghỉ cuối cùng để gửi cho khách hàng trong tỉnh".
Thịt gác bếp hun khói được chọn từ những con bò, con trâu và đàn lợn dân nuôi trên rẫy nên chất lượng thơm ngon. Ảnh: Ng.T
Các loại gia vị chính mà dân bản thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) dùng để ướp thịt chế biến ra món bò giàng, thịt trâu gác bếp. Ảnh: Ng.T.
Đầu tư máy móc, dân bản nâng chất lượng đặc sản, khách thành phố trầm trồ khen
Tại cơ sở sản xuất của chị Phan Thị Quý ở thị trấn Kim Sơn cũng đang đỏ lửa xuyên đêm để sấy hàng cho mùa vụ quan trọng nhất năm.
Đặc sản núi rừng miền Tây Nghệ An nay không chỉ có mặt ở trong tỉnh mà còn vươn ra Bắc, vào Nam.
Để bảo quản thịt được lâu hơn, các cơ sở cũng phải đầu tư túi zip, máy hút chân không. Trong các đơn hàng, họ cũng cho sẵn muối chấm để khách hàng có thể thưởng thức được đúng vị của thịt gác bếp. Khách hàng cũng không ngớt lời khen ngợi.
Để bò giàng, thịt trâu gác bếp, lạp sườn ngon phải rất tỷ mỉ từng công đoạn. Thịt được chọn từ những con bò, trâu và lợn dân nuôi trên rẫy.
Nay các cơ sở chế biến lạp sườn ở thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đầu tư thêm máy móc nên sản phẩm đẹp, chất lượng hơn. Ảnh: Ng.T.
Thịt được cắt miếng to hơn bàn tay, lược bỏ mỡ, gân trước khi ướp với gia vị như ớt, gừng… và không thể thiếu hạt dổi, hạt mắc khén.
Hạt dổi và mắc khén là linh hồn của món ăn miền núi cao. Sau đó, từng miếng thịt được xiên vào một thanh sắt, đặt lên trên gác bếp để khói hong thịt một cách tự nhiên.
Sau 2 đến 3 ngày, dưới sự tác động của nhiệt độ tỏa ra từ bếp than, củi... thịt se dần, khô lại. Trung bình cứ 10 kg thịt bò tươi cho ra 3 kg bò giàng. Luôn có nhân công túc trực ở bếp để trở thịt liên tục để làm sao bên ngoài khô nhưng trong vẫn mềm, không bị ám khói.
Thời điểm này, nhiều cơ sở chế biến đặc sản thịt trâu gác bếp, bò giàng phải thuê thêm nhân công để kịp trả đơn hàng Tết. Ảnh: Ng.T.
Chị Phan Thị Nga (trú thị trấn Kim Sơn) đã có hơn 10 năm làm các món bò giàng, thịt trâu gác bếp. Những ngày bình thường thì đây chỉ là nghề phụ.
Chỉ đến vụ Tết mới tập trung nhân lực để sản xuất. Những món đặc sản này được ưa chuộng nhất vào dịp Tết vì nó tiện lợi để đãi khách.
"Bình thường mỗi tháng tôi chỉ làm 50kg thịt các loại, nhưng dịp này trung bình một ngày tôi chế biến từ 80 đến 100kg thịt" chị Nga cho biết. Mỗi vụ Tết, chị Nga thu về hơn 100 triệu đồng.
Quy trình chế biến thịt trâu gác bếp, bò giàng-đặc sản Nghệ An được các cơ sở thực hiện rất tỉ mỉ đảm bảo chất lượng từng sản phẩm. Ảnh: Ng.T