Dân Việt

Nuôi con "nhân sâm nước" to bự ở bể đặt trên cạn, ông nông dân Bà Rịa-Vũng Tàu bán 400.000 đồng/kg

Xuân Thanh 11/01/2025 05:23 GMT+7
Mô hình nuôi cá chình (một loài cá đặc sản bổ dưỡng ví như nhân sâm nước) trong bể xi măng của anh Đoàn Xuân Khiêm, ở thôn Sông Cầu, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ làm chủ công nghệ ương giống.

Qua thời gian tham quan, học hỏi mô hình nuôi cá chình tại các tỉnh miền Tây, cũng như tìm hiểu thêm trên sách báo, internet, anh Đoàn Xuân Khiêm, nông dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận thấy mô hình nuôi cá chình nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong khi nguồn thức ăn lại dễ kiếm. 

Sau khi nuôi cá chình đặc sản thử nghiệm thành công, làm chủ được công nghệ ương giống, năm 2020 anh Khiêm đầu tư hệ thống lọc nước, xây bể, mở rộng quy mô nuôi cá chình thương phẩm.

Khu vực nuôi chình giống và thương phẩm trong bể xi măng, bể lót bạt của anh Khiêm được xây dựng trên diện tích khoảng 7.000m2 với 15 bể nuôi. 

Để cá đặc sản phát triển tốt, môi trường nước phải sạch, đây là yếu tố quan trọng nhất. Nước thải từ các bể nuôi cá chình được đưa qua hệ thống lắng, lọc tuần hoàn bằng vi sinh để tái sử dụng nuôi cá lăng, cá rô phi. 

Đây là giải pháp tối ưu giúp giảm ô nhiễm nước, bảo vệ môi trường trong nuôi cá chình. Thức ăn thừa, cặn bã cũng phải thường xuyên được hút sạch để tránh gây bệnh cho cá chình.

img

Anh Đoàn Xuân Khiêm, nông dân nuôi cá chình ví như "nhân sâm nước" ở xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, với con giống 100g, nuôi từ 8 - 10 tháng, cá chình đạt trọng lượng hơn 1kg/con là có thể xuất bán.

“Mỗi lần nên thay khoảng 30% lượng nước trong bể nuôi. Khi thay nước phải sử dụng biện pháp phối hợp vừa cấp vừa thoát nước, thao tác phải nhẹ nhàng cẩn thận, tránh làm cá bị sốc, không thay nước lúc mới cho cá ăn xong vì sẽ ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa thức ăn của cá. 

Thức ăn cá chình phải tươi, trộn thêm vitamin, men tiêu hóa giúp tỷ lệ sống cao có thể lên tới 95%”, anh Khiêm cho biết thêm.

Mỗi năm, gia đình anh Khiêm cung cấp cho thương lái các tỉnh hơn 30 tấn cá chình thương phẩm; hơn 200 ngàn con giống. 

Cá chình đạt trọng lượng 1kg trở lên, có giá bán từ 400 ngàn đồng/kg; chình giống có trọng lượng 10 con/kg, giá bán từ 120-140 ngàn đồng/con. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu về đạt khoảng 50% tổng doanh thu.

Ông Phạm Văn Hinh, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu thì cá chình được các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước châu Âu rất ưa chuộng và sử dụng nhiều. 

Để tạo đầu ra ổn định, hướng đến thị trường xuất khẩu, Hội Làm vườn đã hỗ trợ, vận động 22 hộ nuôi cá chình trên địa bàn huyện thành lập HTX Vườn Xanh Châu Đức, nuôi cá chình thương phẩm và cung cấp cá chình giống.

“Chúng tôi sẽ tham mưu, đề xuất các sở, ngành của tỉnh, UBND huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) dành nguồn lực để nhân rộng mô hình, xây dựng thương hiệu, từ đó giúp nâng cao chất lượng cá chình, tạo sản phẩm giá trị kinh tế cao, phát triển nông nghiệp bền vững”, ông Phạm Văn Hinh cho hay.