Mô hình nuôi chim công xanh-chim quý hiếm được anh Mã Đức Tín triển khai thực hiện từ năm 2019.
Từ vài cặp chim công bố mẹ ban đầu, đến nay trại nuôi của anh Tín đã phát triển được 50 con, trong đó có đến 20 chim công mái.
Vì là động vật hoang dã nên chim công có sức đề kháng cao, có thể tận dụng nhiều nguồn thức ăn khác nhau có sẵn ngoài tự nhiên, giúp hộ nuôi vừa tiết giảm chi phí, vừa đỡ công chăm sóc.
Anh Tín cho biết, trung bình mỗi con chim công mái đẻ được khoảng 20 trứng/năm với tỷ lệ nở đạt từ 80 - 90%.
Khi nuôi đạt đến 45 ngày tuổi, chim công giống lúc này được bán với giá 1,2 triệu đồng/con. Giá bán chim công giống sẽ tăng cao tùy vào trọng lượng.
Anh Tín chia sẻ: “Lúc đầu đi tham quan, thấy người ta nuôi chim công đẹp nên mình mua một cặp về nuôi chim cảnh thôi. Sau đó chim đẻ trứng, nở chim con. Đăng chơi trên mạng người ta hỏi mua nhiều nên mình mở rộng dần và phát triển thành trang trại nuôi chim công như hiện nay.
Loài chim này vốn có bản tính hoang dã nên chăm sóc không khó. Thức ăn cho chim công thì có thể tận dụng lúa, rau xanh, lục bình, các loại trái cây như xoài, ổi, mận hay phụ phế phẩm khác...
Nói chung, địa phương có cái gì có thể tận dụng được cho chim công ăn thì tận dụng. Chuồng nuôi chim công thì chỉ cần vệ sinh 1 tuần/lần, chủ yếu là quét lông, dọn phân”.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng tham quan mô hình nuôi chim công-động vật hoang dã, loài chim quý hiếm của gia đình anh Tín ở ấp Trường Thọ A, xã Trường Khánh, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng). Chim công là động vật rừng có tên trong sách Đỏ Việt Nam.
Là vật nuôi có giá trị kinh tế cao nên chi phí đầu tư ban đầu cũng không nhỏ, đặc biệt là về con chim giống.
Do vậy, trong quá trình nuôi chim quý hiếm, anh Tín rất chú trọng trong vấn đề thiết kế chuồng trại nhằm đảm bảo đàn vật nuôi có môi trường sinh trưởng và sinh sản tốt, hạn chế thấp nhất rủi ro dịch bệnh.
Theo đó, 50 chim công được anh phân bố đều tại 9 chuồng, mỗi chuồng nuôi đều có 1 con chim trống.
Để thuận tiện hơn trong chăm sóc và quản lý, mỗi chuồng nuôi còn được anh lắp đặt hệ thống camera để có thể theo dõi và xử lý kịp thời khi vật nuôi có biểu hiện bất thường.
Anh Tín cho biết thêm: “Chuồng nuôi chim công thiết kế theo quy cách 3 x 5m, mỗi chuồng có thể nuôi 1 chim công trống và 3 chim công mái. Đó là chuồng sinh sản, còn với chuồng nuôi chim công con thì diện tích càng rộng càng tốt.
Vì nuôi số lượng nhiều chim công nên khó có thể quản lý được hết, do đó ở mỗi chuồng có gắn camera để quan sát con nào ăn ít, con nào ăn nhiều, có dấu hiệu bệnh gì không để xử lý”.
Hiện nay, chim công giống được anh Tín phân phối chủ yếu tại các tỉnh ngoài thông qua việc quảng bá từ kênh cá nhân trên mạng xã hội.
Ngoài nuôi và bán trực tiếp, anh còn hỗ trợ chim công bố mẹ để người dân nuôi khi có nhu cầu và bao tiêu đầu ra cho họ khi chim công bố mẹ sản sinh ra chim con.
Vì chim công là loại đặc thù có tên trong Sách đỏ Việt Nam nên khi có nhu cầu tiếp cận mô hình, ngành chuyên môn khuyến cáo người nuôi cần tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước liên quan việc gây nuôi động vật rừng, động vật hoang dã.
Đồng chí Nguyễn Thanh Quang - Phó Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, lưu ý: “Theo quy định, trước khi gây nuôi chim công, cơ sở phải làm đề nghị cấp mã số và xây dựng phương án gây nuôi.
Khi đã có đủ điều kiện về chuồng trại thì phải đảm bảo được giấy tờ chứng mình nguồn gốc khi nhập con vật về nuôi theo Nghị định 84/NĐ-CP, ngày 22/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/NĐ-CP, ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã, nguy cấp.
Về nguồn gốc, phải đảm bảo động vật được mua từ các cơ sở gây nuôi hợp pháp. Khi đã được cấp mã số gây nuôi, các cơ sở cũng phải mở sổ theo dõi. Hằng tháng, hằng quý phải kê vào sổ theo dõi về tình hình diễn biến đàn vật nuôi”.
Trong nhịp sống hiện đại, nhu cầu chơi chim cảnh trở thành thú vui tao nhã của nhiều hộ gia đình, đặc biệt là ở khu vực thành thị và các mô hình gây nuôi chim cảnh, chim công từ đó cũng phát triển khá mạnh.
Ngoài hiệu quả kinh tế đã được khẳng định, nếu kết hợp tốt giữa gây nuôi động vật hoang dã mang tính thương mại với bảo tồn các mô hình gây nuôi động vật rừng, động vật hoang dã, trong đó có chim công, còn tạo điều kiện cho vật nuôi phát triển, sinh sôi để phục hồi số lượng giống loài ngoài tự nhiên.