Những ngày đầu năm Ất Tỵ 2025, trên cánh đồng làng Thạch Lỗi (xã Khánh Dương, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) trở nên nhộn nhịp, những người nông dân đang khẩn trương thu hoạch củ khoai tây để chuẩn bị trồng lúa.
Nông dân Ninh Bình nhàn tênh khi áp dụng cơ giới hóa vào khâu thu hoạch củ khoai tây. Ảnh: NL
Quan sát, những chiếc máy thu hoạch khoai tây được điều khiển bởi người lái máy, di chuyển chậm rãi trên cánh đồng, lớp đất mỏng được xới lên, những củ khoai to tròn, vàng hiện hữu. Đi sau, những người nông dân chỉ việc nhặt, phân loại củ khoai rồi đóng vào bao lưới.
Trao đổi với Dân Việt, bà Đinh Thị Liên-Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Dương cho biết: "Việc sản xuất cây khoai tây trên địa bàn chủ yếu áp dụng cơ giới hóa như: Làm đất, vun xới, tưới tiêu, thu hoạch củ,…nên đã giảm nhiều công lao động cho người nông dân. Cũng như thuận lợi trong quá trình chế biến và hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng truyền thống".
Cơ giới hóa là xu thế tất yếu để thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn ở Ninh Bình. Ảnh: NL
Người dân xã Khánh Dương, huyện Yên Mô chỉ việc nhặt, phân loại củ khoai rồi đóng vào bao lưới. Ảnh: NL
Củ khoai tây sinh trưởng, phát triển đồng đều trên cánh đồng làng Thạch Lỗi. Ảnh: NL
Được biết, ngoài việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất giảm công lao động, còn rút ngắn thời gian trồng, cây khoai tây sinh trưởng, phát triển đồng đều thuận lợi cho việc thu hoạch.
Qua tìm hiểu, sau thu hoạch, các củ khoai tây đạt kích cỡ sẽ được công ty Pepsico thu mua toàn bộ tại ruộng, khoai cỡ nhỏ được bán cho các đơn vị làm thức ăn gia súc.
Trừ hết các khoản chi phí đầu tư, bình quân mỗi ha khoai tây thu được hơn 40 triệu đồng lợi nhuận (khoảng 1,5 triệu đồng/sào 360m2).
Bà Đinh Thị Bày (xã Khánh Dương) chia sẻ: "Thay vì đào từng khóm khoai tây như trước, giờ có máy móc có thể thực hiện các công việc với độ chính xác cao, giúp cải thiện chất lượng và độ đồng đều của củ khoai tây.
Người nông dân chúng tôi tự tin hơn vào sản xuất vụ Đông tiếp theo và không còn lo trên địa bàn tình trạng để đất bỏ không.
Đây chính là chìa khóa để giải phóng sức lao động của người nông dân. Ảnh: NL
Niềm vui của nông dân Ninh Bình khi được mùa khoai tây. Ảnh: NL
Điều làm cho người dân xã Khánh Dương (huyện Yên Mô) vui mừng trong vụ Đồng năm nay là thành công đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Trồng cây khoai tây gắn với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đã kích thích nông dân dồn đổi ruộng và tích tụ đất canh tác.
Bên cạnh đó, việc cơ giới hóa cũng sẽ tạo điều kiện cho xây dựng cánh đồng sản xuất lớn, tăng hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập,…Đặc biệt, tránh được tình trạng nhà nông bỏ ruộng vì canh tác không hiệu quả, rút bớt được lao động nông nghiệp chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ thương mại.
Đưa máy móc vào sản xuất giúp nông dân Ninh Bình tự tin trồng cây khoai tây các vụ tiếp theo. Ảnh: NL
"Chúng tôi có hơn 10 ha cây khoai tây, vụ vừa qua canh tác gặp nhiều bất lợi, 3 tháng liền hầu như không có mưa khiến thân, lá cây phát triển không được như mong đợi. Bất ngờ lúc thu hoạch mọi người thấy rất vui năng suất vượt ngoài dự kiến, đạt hơn 5 tạ/sào.
Hợp tác xã chúng tôi đã trực tiếp đứng ra mượn tích tụ, mượn đất của bà con, điều hành sản xuất, thuê mướn lao động. Đồng thời, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Bình còn hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh; đưa cơ giới hóa đồng bộ vào các khâu sản xuất", ông Bùi Văn Lương-Giám đốc Hợp tác xã Khánh Dương cho biết.