Nuôi gà trên đệm lót sinh học ở Ninh Bình, nông dân nhàn, con vật khỏe, hễ nói bán là hết sạch
Nuôi gà trên đệm lót sinh học ở Ninh Bình, nông dân nhàn, con vật khỏe, bán quả trứng đáng đồng tiền
Vũ Thượng
Thứ tư, ngày 11/12/2024 09:38 AM (GMT+7)
Sau 2 năm áp dụng phương pháp chăn nuôi con gà trên đệm lót sinh học, ông Nguyễn Hữu Thập (xã Gia Phú, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) nhận thấy đàn gà của gia đình lớn nhanh, trong chuồng không còn mùi hôi, tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Được sự giới thiệu từ Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đã tìm về xã Gia Phú (huyện Gia Viễn) để thăm quan mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học của hộ ông Nguyễn Hữu Thập, được đánh giá chăn nuôi rất hiệu quả.
Clip: Ông Nguyễn Hữu Thập (xã Gia Phú, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) chia sẻ hiệu quả từ việc áp dụng đệm lót sinh học trong nuôi gà
Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Thập cho biết: "Gia đình tôi luôn duy trì đàn gà thương phẩm, gà đẻ trứng trong chuồng trên dưới 100 con, dù nuôi số lượng lớn lại cách nhà chính tầm 30 mét nhưng không hề có mùi hôi thối".
Kể từ khi áp dụng chăn nuôi trên đệm lót sinh học đàn gà hộ ông Nguyễn Hữu Thập ở Ninh Bình lớn nhanh, bán được giá. Ảnh: Vũ Thượng.
"Việc áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà là giải pháp chăn nuôi hiệu quả giúp xử lý mùi hôi chuồng trại, tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao hiệu quả kinh tế. Ngoài ra còn tận dụng được nguồn phân hữu cơ làm phân bón, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh từ động vật sang người", ông Thập cho biết.
Theo ông Thập, trước kia gia đình chăn nuôi chưa áp dụng đệm lót sinh học ngày nào cũng phải vào chuồng gà để quét dọn mới giảm được mùi hồi. Tuy nhiên, qua theo dõi đàn gà vẫn bị mắc bệnh rồi chết, đặc biệt là bệnh khô chân.
Sau khi tham gia lớp tập huấn chăn nuôi đệm lót sinh học do Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình tổ chức, ông Thập đã về áp dụng trực tiếp trên mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm của gia đình.
Đến giờ ông Thập không phải dọn chuồng định kỳ, giảm thiểu bệnh dịch trên đàn gà từ đó, gà khỏe mạnh, lớn nhanh, tăng năng suất, chất lượng thịt tốt. Qua ghi chép của gia đình ông Thập, riêng nguồn tiền bán gà thương phẩm, trứng gà gia đình thu 60.000.000 đồng/năm.
Đàn gà hộ ông Nguyễn Hữu Thập (xã Gia Phú, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) nuôi trên đệm lót sinh học, gà lông đẹp, mắt sáng. Ảnh: Vũ Thượng
Nuôi gà trên đệm lót sinh học không lo đàn gà mắc bệnh khô chân. Ảnh: Vũ Thượng
Góp phần bảo vệ môi trường
Qua tìm hiểu, chăn nuôi đệm lót sinh học là một phương pháp nuôi nhốt gia súc, gia cầm trên một lớp đệm lót.
Phương pháp này đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong ngành chăn nuôi vì mang lại nhiều lợi ích cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Ông Nguyễn Hữu Thập chia sẻ: "Quy trình làm đệm lót sinh học chăn nuôi gà tương đối đơn giản, hiệu quả, đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và tăng cường sức khỏe cho vật nuôi".
Cụ thể, nguyên liệu như: Rơm rạ, vỏ trấu, mùn cưa,...thêm vi sinh vật có ích. Tiếp đến trộn đều các nguyên liệu đã chuẩn bị với tỉ lệ phù hợp, thường là 70% chất hữu cơ và 30% phân và vi sinh vật. Đặt hỗn hợp vào một khu vực có bóng râm, che phủ bằng nilon hoặc vật liệu khác để giữ ẩm và nhiệt độ cần thiết cho quá trình ủ.
Đồng thời, kiểm tra định kỳ và khuấy đảo hỗn hợp để đảm bảo việc ủ đều và hiệu quả, quá trình này thường mất từ 2 đến 4 tuần. Sau khi ủ, đệm lót sinh học có thể được sử dụng ngay trong chuồng trại, giúp giảm mùi hôi và tạo môi trường sống khỏe mạnh cho vật nuôi.
Đệm lót sinh học là giải pháp hữu hiệu để xử lý mùi hôi chuồng trại trong chăn nuôi. Ảnh: Vũ Thượng
Độ dày đệm lót sinh học được hộ ông Nguyễn Hữu Thập ở Ninh Bình đang nuôi gà dày 15-20cm. Ảnh: Vũ Thượng.
Đệm lót sinh học hoạt động dựa trên cơ chế phân hủy sinh học. Các vi sinh vật có lợi trong chế phẩm sẽ phân hủy phân và nước tiểu của vật nuôi thành các chất hữu cơ đơn giản, giảm thiểu mùi hôi và lượng khí độc hại.
Theo ông Thập cần thường xuyên bổ sung chất độn và chế phẩm để đảm bảo đệm lót luôn ẩm và có đủ vi sinh vật, cũng như định kỳ cào bỏ lớp đệm lót bẩn và thay thế bằng lớp đệm lót mới.
Chăn nuôi đệm lót sinh học như hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Thập ở xã Gia Phú, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình là một hướng đi bền vững và hiệu quả.
Hiện diện khu vực nuôi gà thương phẩm, gà lấy trứng của hộ ông Nguyễn Hữu Thập ở Ninh Bình rộng gần 100 m2. Ảnh: Vũ Thượng
Máy thái rau chuối, bèo...trộn cùng cám gạo làm thức ăn cho đàn gà. Ảnh: Vũ Thượng
Ngoài nuôi gà, hộ ông Thập còn nuôi thêm chim bồ câu, ba ba, lợn...gia đình thu hơn 100 triệu đồng/năm. Ảnh: Vũ Thượng
Trao đổi với Dân Việt, ông Hoàng Văn Mạnh-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Phú cho biết: "Sau khi đi tập huấn về, chúng tôi đã tuyên truyền cho hội viên nông dân nắm được cách phân loại rác thải hữu cơ, kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật làm đệm lót sinh học dày trong chăn nuôi gà.
Bên cạnh đó, còn kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng, tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ; giúp hội viên nông dân, người chăn nuôi hiểu những ưu điểm, lợi ích của kỹ thuật nuôi sâu canxi, trùn quế. Hiện hộ Nguyễn Hữu Thập đang áp dụng mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày rất thành công".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.