Trên thế giới, chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh của USD so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) hiện ở mức 107,93.
Diễn biến chỉ số USD Index tuần qua. Nguồn: investing.com.
Mặc dù mở phiên đầu tuần (3/2), chỉ số USD Index tăng hơn 1% lên 109,24, nhưng đã nhanh chóng đảo chiều giảm về mức 108,3 vào ngày tiếp theo (4/2), khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hoãn lại các chính sách áp thuế quan 25% đối với Mexico, Canada trong một tháng.
Sang phiên 5/2, đồng bạc xanh giảm gần 1% so với cập nhật đầu giờ sáng ngày 4/2 về mức 107,84, sau khi báo cáo việc làm mở của Jolts tại Hoa Kỳ trong tháng 12 được công bố với kết quả thấp hơn nhiều so với dự kiến là 7,6 triệu (dự kiến là 8 triệu).
Đến ngày 6/2, chỉ số giảm thêm 0,34% xuống 107,46. Các nhà phân tích đã diễn giải kịch bản liên quan quan đến chính sách thuế quan của chính quyền Trump như một chiến thuật đàm phán của Tổng thống Trump để đạt được những thỏa thuận tốt hơn với các đối tác thương mại lớn của mình.
Ông Trump đã kêu gọi đình chỉ ngay lập tức các lệnh áp thuế 25% đối với các đối tác Bắc Mỹ của mình sau khi họ đồng ý hợp tác thực thi hình sự.
Ở phiên 7/2, chỉ số dù có thời điểm tăng vượt mốc 108, nhưng sau đó vẫn lao dốc về 107,66. Sự phục hồi "chớp nhoáng" khiến đồng USD vẫn dao động gần mức thấp nhất kể từ đầu tuần trước.
Thị trường hiện định giá 100% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 7, với tổng mức cắt giảm dự kiến 46 điểm cơ bản trước cuộc họp tháng 12, theo dữ liệu của LSEG.
Trong phiên hôm qua (8/2), chỉ số phục hồi 0,39% lên 107,97, sau những bình luận từ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tiết lộ ý định tiếp quản Gaza và đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Các chiến lược gia từ một cuộc khảo sát từ ngày của Reuters bao gồm 47 chuyên gia ngoại hối, tin tưởng rằng sức mạnh của đồng đô la sẽ tiếp tục được củng cố.
85% trong số chuyên gia đó tin rằng vị thế tăng giá hiện tại sẽ vẫn ổn định hoặc tăng hơn nữa vào cuối tháng 2/2025.
Meera Chandan, người đứng đầu bộ phận ngoại hối tại J.P. Morgan, cho rằng triển vọng tăng giá có thể đến từ các yếu tố như xung đột thương mại leo thang, lợi suất trái phiếu Mỹ cao hơn, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và thị trường chứng khoán mạnh mẽ.
Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.462 VND/USD, tăng 137 đồng so với phiên đầu tuần. Theo biên độ +/-5% tỷ giá trần và sàn mà các ngân hàng thương mại được phép giao dịch từ 23.381 – 25.842 VND/USD.
Diễn biến tỷ giá trung tâm từ đầu năm 2024 đến nay.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra hiện ở mức: 23.400 đồng - 25.450 đồng.
Tại ngân hàng thương mại như Vietcombank đang niêm yết giá USD ở 25.080 - 25.470 VND/USD. Cùng thời điểm, tại VietinBank ghi nhận chiều mua vào - bán ra USD đang ở mức 24.970 - 25.550 VND/USD.
Khảo sát thêm tại ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, tại Techcombank giá USD mua/bán lần lượt ở mức 25.046 - 25.574 VND/USD. Tại Eximbank, tỷ giá USD hiện ở mức 25.090 - 25.480 VND/USD.
Trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND sáng nay hiện ở mức 25.580 - 25.680 VND/USD, đi ngang so với sáng qua.
Như vậy, giá USD mua vào tại các thị trường tự do đang cao hơn nhiều nhất khoảng 610 đồng so với kênh ngân hàng. Trong khi đó, chênh lệch giá bán ra tại các ngân hàng thương mại với thị trường tự do ít nhất là 200 đồng.
Tại báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra góc nhìn thận trọng hơn khi nhận định tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong biên độ +/-5% tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có dự trữ ngoại hối, cung - cầu ngoại tệ trong nước và chính sách thuế quan của Mỹ đối với Việt Nam.
VDSC nêu kịch bản cơ sở, trong đó tỷ giá cuối năm 2025 có thể ở mức 26.200 đồng/USD, nếu các yếu tố vĩ mô diễn biến theo kỳ vọng.