Dân Việt

Câu hỏi trên đỉnh Mã Pí Lèng

Nguyễn Quý 06/10/2019 10:06 GMT+7
Panorama xây dựng được ở đỉnh Mã Pí Lèng, liệu có là tiền lệ cho Panorama khác ở một di sản khác, trong hoặc ngoài Hà Giang?

Cuối tháng 9, Hà Giang vào thu đẹp đến nao lòng. Chúng tôi lướt xe chậm qua những thửa ruộng bậc thang vàng óng dưới chân đồi, những mái nhà gianh lợp lá cọ đã ngả màu xám bạc, tịch liêu giữa lưng chừng núi, Quốc lộ 4C dài hun hút, uốn lượn, chênh vênh bên những vách núi đá tai mèo.

img

Đường Hạnh phúc nối từ TP.Hà Giang tới Mã Pí Lèng. Ảnh Nguyễn Quý.

Anh bạn đồng nghiệp tên Dương tỏ sự am tường, như một người bản địa thực thụ: “Đoạn khó khăn nhất của tuyến đường chỉ có 21km từ Đồng Văn sang Mèo Vạc, chính là con đèo hiểm trở Mã Pí Lèng. Chuyện kể rằng, con đèo nổi tiếng với dốc cao dựng đứng này đã khiến những con ngựa cái leo chưa đến đỉnh đã trụy thai mà chết, những con ngựa đực chưa vượt qua đèo đã phải tắt thở. Vì vậy, dân địa phương đã dùng cụm từ “Mã Pí Lèng” trong tiếng Quan Hỏa, dịch là “sống mũi con ngựa”, đặt tên cho con đèo”.

img

Con đường hiểm trở bám theo vách núi, dẫn tới Mã Pí Lèng. Ảnh: Nguyễn Quý.

Câu chuyện về những con ngựa đã mô tả đầy đủ nhất về sự hiểm trở của Mã Pí Lèng. Nhưng bên cạnh đó còn có một câu chuyện thực tế khác. Trong 11 tháng trời vào những năm 60 của thế kỷ trước, hàng trăm thanh niên xung phong đã thay nhau treo mình trên vách núi để hoàn thành con đường mang tên Hạnh phúc qua đèo Mã Pí Lèng. Cũng như ở chiến trường, nhiều người đã được truy điệu sống trước khi cầm choòng, cầm búa leo lên vách đá, treo mình giữa lưng chừng trời để đục từng thớ đá, nổ từng lỗ mìn, mở từng centimet đường qua dốc cao hiểm trở.

img

Cảnh thiên nhiên hùng vĩ nhìn từ hẻm vực Tu Sản xuống dòng Nho Quế. Ảnh: Nguyễn Quý.

Chúng tôi lặng im, gai người khi đi qua con đường lịch sử. Nhưng vừa tới đỉnh đèo, Dương đột nhiên nhổm dậy, giọng hốt hoảng: “Cái của nợ gì thế kia, anh em?”.

Trước mắt chúng tôi là một tòa nhà giật cấp thành 7 tầng men sườn đồi, ngay hẻm vực Tu Sản, trên đỉnh Mã Pí Lèng. Nhìn từ xa, tòa nhà là một khối bê tông lớn, choán giữa một khoảng rộng xanh rợp giữa đỉnh đèo. Lại gần, đó là nhà nghỉ, nhà hàng treo biển hiệu Panorama.

img

Công trình trái phép Panorama tọa lạc tại điểm nhìn toàn cảnh trên đỉnh Mã Pí Lèng. Ảnh: Nguyễn Quý.

Cả 4 thành viên trên xe dường như á khẩu. Tôi là người lần đầu bước chân đến Mã Pí Lèng. 3 thành viên còn lại đều đã đến với Di sản Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và di tích danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pí Lèng không dưới 3 lần, nhưng đây là lần đầu tiên họ thấy xuất hiện cái “gai” bê tông kia. “Năm ngoái em đi lên đây đã thấy đâu! Sao lại có cái của nợ này án ngữ một vùng di sản, thiên nhiên hùng vĩ như vậy”, Dương sững sờ, nói giọng bực bội.

Mang thắc mắc kia đi hỏi người dân sở tại, những người Mông nghèo, quý củi hơn quý tiền (củi là chất đốt hiếm hoi ở đây) ở xã Pải Lủng (huyện Mèo Vạc), Sình Mí Cho (thôn Páo Sả) nói giọng bâng quơ: “Người ta làm cái nhà đó từ đầu năm (2019 –PV) rồi, hình như mua lại đất rừng của dân rồi dựng nhà, thấy cũng đông khách lắm”.

img

Công trình phá vỡ cảnh đẹp tự nhiên, hùng vĩ ở nơi di tích, danh thắng quốc gia. Ảnh: Nguyễn Quý.

Tìm hiểu từ phía lãnh đạo huyện Mèo Vạc, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang, một sự thật mà chúng tôi không ngờ tới: Đây là công trình trái phép, vi phạm vào di sản và di tích danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pí Lèng.

Không ngờ là bởi lẽ, chúng tôi đã nghĩ rằng, một công trình đồ sộ thế kia, ở một vị trí nhạy cảm thế kia, ắt hẳn phải có sự đồng ý bằng các văn bản chính thức được phê duyệt bởi các cơ quan hữu trách. Nhưng đến thời điểm hiện tại, trong cả mớ tài liệu mà tỉnh Hà Giang cung cấp, chưa có một văn bản nào ghi dấu sự cho phép công trình Panorama được xây dựng và tồn tại trên đỉnh Mã Pí Lèng.

Thậm chí, nói như ông Lâm Tiến Mạnh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, kiêm trưởng Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn: “Ngay từ cuối năm 2017, khi công trình này mới manh nha xây dựng, chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra, có kết luận và báo cáo tỉnh, nhưng chẳng hiểu thế nào họ vẫn cứ làm thế thôi”.

img

Tất nhiên, chủ đầu tư công trình Panorama không phải là kẻ liều lĩnh đến mức “cứ làm thế thôi”. Tỉnh Hà Giang cũng không phải có một đội ngũ công quyền yếu kém đến mức cả năm trời không phát hiện ra 1 công trình vi phạm ở khu vực cấm xâm phạm.

Vậy tại sao vẫn có một Panorama tồn tại trên đỉnh Mã Pí Lèng lịch sử? Liệu sẽ có những “Panorama” tiếp theo không, khi mà dọc đoạn đường đèo chúng tôi đi qua đã phát hiện thêm vài cơ sở nhỏ lẻ đang hoạt động hoặc manh nha xây dựng? Panorama xây dựng được ở đỉnh Mã Pí Lèng, liệu có là tiền lệ cho Panorama khác ở một di sản khác, trong hoặc ngoài Hà Giang?

Câu hỏi về Panorama ấy nếu cứ treo trên đỉnh Mã Pí Lèng, không có được một lời giải đáp, một cách xử lý thỏa đáng, thì rất có thể những câu hỏi nối tiếp sau đó cũng cứ lơ lửng trên những triền núi đá cao ngất lưng trời của cao nguyên đá.

Những câu hỏi ấy, chúng tôi không thể trả lời một cách tròn vẹn được. Người Mông ở Mã Pí Lèng cũng không, chỉ lắc đầu nguầy nguậy.

Báo Dân Việt đã đăng loạt bài viết "Hà Giang: Ai cho phép cắm "gai bê tông" trên đỉnh Mã Pí Lèng?" từ ngày 1/10/2019 của phóng viên Nguyễn Quý - cũng là tác giả bài viết này, phản ánh việc tòa nhà 7 tầng Mã Pí Lèng Panorama Hostel - Restaurant - Coffee xây dựng trái phép kiên cố ngay hẻm vực Tu Sản Mã Pí Lèng, làm  cảnh quan thiên nhiên bị biến dạng. 

Loạt bài đã gây được hiệu ứng xã hội rất lớn, được chia sẻ rộng rãi và nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ, đồng tình, trong đó có nhiều chuyên gia, nhà báo, nhà nhiếp ảnh... nổi tiếng như nhà báo Trần Đăng Tuấn, nhiếp ảnh gia Na Sơn, nhà văn Đỗ Bích Thúy... Các cơ quan quản lý như Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), Sở VHTTDL Hà Giang... cũng đã lên tiếng về vụ việc này.