Trong một thời gian ngắn, hai sĩ quan công an nhân dân - đại úy Lê Thị Hiền náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất và thượng úy Nguyễn Xô Việt gây sự, đánh người ở trạm dừng nghỉ tại Thái Nguyên. Toàn bộ hành vi của họ được camera ghi lại, biểu hiện rất rõ tính bất chấp pháp luật, ứng xử với đời sống xã hội hoàn toàn vô đạo đức.
Trong xã hội, những hành vi như vậy - vu vạ người thi hành công vụ, chửi mắng thô tục người khác như đại úy Lê Thị Hiền, hay vô cớ đánh và chửi rủa người khác như thượng úy Nguyễn Xô Việt, không phải là không có. Khi chứng kiến những việc như thế trên đường phố, của dân thường, người ta chỉ coi đó là người ít học, có tính côn đồ. Và thường là không ai muốn dây dưa với, ai dũng cảm lắm thì nói vài lời rồi cũng bỏ đi.
Nhưng những hành vi đó lại xuất phát từ các sĩ quan cảnh sát, thì đã làm toàn xã hội quan tâm, bất bình. Rất nhiều ý kiến xây dựng và nghiêm túc đều thống nhất với nhau rằng, hành vi của hai sĩ quan kia đã làm xấu, rất xấu hình ảnh người cảnh sát nhân dân.
Sự bất bình của nhiều người ấy, nhìn về hướng tích cực, phản ánh rất rõ tâm thế nhân dân muốn đội ngũ cảnh sát, công an của chúng ta phải thật sự là nơi họ nương tựa, tin cậy. Không ai mong muốn người giữ an ninh cho xã hội lại vô văn hóa, ứng xử nơi công cộng đến mức hoàn toàn hỏng về mặt đạo đức con người như vậy. Không ai muốn người đang bảo vệ xã hội lại thiếu hiểu biết tối thiểu về mặt luật pháp, để gây ra những hành vi chà đạp lên luật pháp như hai sĩ quan nói trên.
Hình ảnh Nguyễn Xô Việt có hành vi sai phạm lan tràn trên mạng xã hội.
Sự đòi hỏi của nhân dân như thế là mong ước, là nguyện vọng chính đáng. Nó rất cần cho một xã hội tiến bộ mà đạo đức phải được coi trọng, pháp luật cần nghiêm minh, nhất là trong tình hình Đảng và Nhà nước đang ra sức chỉnh đốn hiện nay. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đang cùng Bộ chính trị làm hết sức mình để chống tham nhũng, loại bỏ không có vùng cấm bất cứ người nào trong bộ máy của Đảng và Nhà nước đã suy thoái về đạo đức, làm tổn hại tới quyền lợi của nhân dân, của đất nước.
Đấy là chưa nói sâu xa rằng, hành động của hai sĩ quan kia đã làm bẩn, hoen ố biết bao tấm gương hy sinh suốt đời cho đất nước đến quên mình trong lịch sử của lực lượng được coi là thanh lá chắn của Đảng và Nhà nước. Những tấm gương như nhà tình báo an ninh Phạm Xuân Ẩn trong chiến tranh, những hình ảnh cảnh sát chữa cháy liều thân cứu tài sản, cứu rừng trong hòa bình; những hình ảnh các chiến sĩ cảnh sát trẻ cười tươi, đưa tay dắt cụ già qua đường, hay đỡ người bị ngã xe còn kia trong đời sống hôm nay... Nhân dân mong đợi ở cảnh sát, công an tận tụy với công việc, nhân ái như thế và hơn như thế, để xã hội dân sự an bình, đất nước có người tử tế giỏi giang bảo vệ.
Tôi đã lắng nghe ý kiến rất nhiều người trong xã hội khi ngành công an dự kiến kỷ luật đại úy Lê Thị Hiền, chỉ giáng hai cấp, cho ở lại trong ngành. Người ta bất bình, thậm chí phẫn nộ với đề xuất kỷ luật ấy và cho rằng, ngành công an chưa thực sự nghiêm khắc. Sự việc ấy vẫn âm ỉ, chưa hết nóng thì lại xảy ra việc thứ hai, khi thượng úy Nguyễn Xô Việt có thái độ côn đồ với nhân viên một trạm dừng nghỉ trên Thái Nguyên, càng làm cho sự bất bình dâng lên.
Phải lắng nghe nhân dân, xem xét nguyện vọng, tâm tư của họ khi đa phần đều mong muốn đội ngũ cảnh sát, công an cần gương mẫu và trong sạch. Nhân dân muốn xử lí thật nghiêm khắc, đưa hai sĩ quan này ra khỏi ngành ngay lập tức, là họ đang còn tin cậy ở Nhà nước, Đảng và lực lượng vũ trang bảo vệ an ninh xã hội, an ninh quốc gia.
Là một nhà văn và một cựu chiến binh thấm nhuần hai từ “nhân dân”, tôi cho rằng, sự mong muốn nói trên của rất nhiều người trong xã hội là một mong muốn rất chính đáng và rất cần thiết để Bộ Công an có một quyết định sáng suốt trong lúc này. Không phải là sự mị dân, chiều lòng công chúng, mà phải nghiêm khắc, làm thật sự nhằm gây dựng một đội ngũ trong sạch, càng ngày càng được nhân dân tin cậy và yêu mến như những năm nào.