Hàng nghìn tỷ đồng thất thoát
Ông Nguyễn Văn Thông (Thanh Hóa) là đối tượng được hưởng trợ cấp nạn nhân chất độc da cam. Mặc dù thời gian ở chiến trường chưa hề đóng quân ở vùng có rải chất độc hóa học nhưng ông Thông khai mình bị nhiễm chất độc hóa học, bị vô sinh dù sau chiến tranh trở về đã sinh thêm một người con. Trong hơn chục năm giả đối tượng nhiễm chất độc hóa học, ông Thông đã trục lợi hơn 192 triệu đồng tiền trợ cấp chất độc da cam.
Hiện cả nước có gần 9 triệu người có công đang hưởng trợ cấp (Ảnh: Chi trả tiền trợ cấp cho người có công ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa. ảnh: Minh Nguyệt
Theo ông Đặng Tiến Tùng – Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH, trường hợp ông Thông chỉ là một trong nhiều trường hợp làm giả hồ sơ được phát hiện. Ông Tùng cho biết, có nhiều cách thức làm hồ sơ giả. Ví dụ giả mạo hồ sơ gốc, không đi kháng chiến chống Mỹ mà khai có đi, thậm chí là mượn huân chương của người khác để khai hồ sơ. Không chỉ cá nhân cố ý khai man, nhiều trường hợp hồ sơ giả còn được cán bộ địa phương tiếp tay.
Ông Nguyễn Duy Kiên – Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) cho rằng chúng ta đang thiếu chế tài nghiêm khắc. Hiện nay, dù phát hiện những trường hợp làm giả hồ sơ, hưởng lợi nhưng việc truy thu tiền bị trục lợi rất khó khăn. “Nhiều trường hợp hưởng sai chính sách cả chục năm, trục lợi hàng trăm triệu đồng, nhưng là hộ nghèo, không thể truy thu được” – ông Kiên nói.
Thời gian qua, Thanh tra Bộ LĐTBXH đã kiến nghị xử lý kỷ luật 134 cán bộ sai phạm trong việc lập, xác lập hồ sơ. Để hạn chế thất thoát, các Sở LĐTBXH địa phương đã đề xuất người có công bị nhiễm chất độc phải được giới hạn nhóm bệnh (ví dụ ung thư, vô sinh, có con dị tật) để giám định, tránh việc trục lợi, hưởng chính sách.
Ông Tùng cho biết, qua rà soát 60.000 hồ sơ của người có công thời gian qua, Thanh tra Bộ LĐTBXH đã phát hiện 12.000 hồ sơ có dấu hiệu không đúng quy định (chiếm 1/5). Trong đó có tới 1.800 hồ sơ buộc phải thu hồi tiền chi sai. Đây là hệ lụy của sự lỏng lẻo, thậm chí là cố ý của cán bộ địa phương.
3.000 hồ sơ tồn đọng
Ngoài việc thanh tra ở các địa phương, Bộ LĐTBXH cũng thanh tra toàn diện về việc thực hiện chính sách người có công ở các quân khu. Dự kiến cuối năm 2017, thanh tra Bộ LĐTBXH sẽ kết thúc tổng thanh tra về chính sách và có báo cáo gửi Bộ LĐTBXH để Bộ báo cáo với Chính phủ cụ thể về vấn đề này”. |
Theo ông Kiên, số liệu gần đây nhất từ các địa phương cho thấy còn hơn 3.000 hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ, Chính sách cho người có công còn tồn đọng. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn thấp hơn nhiều bởi qua làm việc với một số địa phương, thấy nhiều địa phương báo cáo chưa chuẩn.
“Có nơi báo cáo số liệu hồ sơ tồn đọng không chính xác. Hồ sơ hiện chưa giải quyết lẽ ra phải được xem xét, giải quyết kịp thời theo quy định hiện hành nhưng lại xếp vào hồ sơ tồn đọng. Hoặc có đơn thư khiếu nại họ cũng cho vào hồ sơ tồn đọng. Việc xác lập hồ sơ ở các địa phương nói chung vẫn chưa thật chặt chẽ, cơ sở chưa vững chắc, thiếu chuẩn xác” – ông Kiên nói.
Hiện nay Bộ LĐTBXH đã có công văn yêu cầu địa phương báo cáo số liệu theo đúng tiêu chí của Quyết định 408 của Bộ LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công. Do vậy, căn cứ vào số liệu từ địa phương báo cáo sẽ triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng. “Mục tiêu là trong năm 2017 sẽ giải quyết hết hồ sơ tồn đọng về người có công ở cấp tỉnh” – ông Kiên nói.
Năm 2016, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã chỉ đạo các địa phương thí điểm triển khai xem xét, xác nhận người có công với cách mạng theo quy trình chặt chẽ, công khai, dân chủ, phát huy đúng mức trách nhiệm của các cấp, các ngành. Có 5 tỉnh, thành phố được chọn làm điểm, gồm: Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An. Cuối năm 2016, sau một thời gian thí điểm, đã đề nghị xác nhận 86 trường hợp người có công với cách mạng, bao gồm 75 liệt sỹ thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ; 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh thời kỳ chống Mỹ. Đặc biệt, qua làm việc thấy tại Lai Châu và Bắc Kạn không có tồn đọng hồ sơ.