“Khi phụ huynh giơ tay tát giáo viên đó không phải là sự bênh vực mà đó là sự trả thù theo kiểu: cô đánh con tôi thì tôi đánh cô. Điều đó không mang lại gì cho đứa trẻ cả, ngược lại nó làm cho đứa trẻ không còn tôn trọng thầy cô. Khi không tôn trọng thầy cô, con trẻ sẽ khó mà học được điều gì từ trường lớp”
Đó là ý kiến của TS Vũ Thu Hương – Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội về sự việc phụ huynh xông vào lớp học tát giáo viên đang gây bức xúc dư luận.
Hình ảnh cô giáo H. ở Hải Phòng bị phụ huynh đánh phải nhập viện. Ảnh I.T
Con trẻ sẽ là người thiệt thòi nhất
“Khi môi trường giáo dục chỉ còn là dịch vụ tình – tiền thì mọi cư xử đều trở lên rất sòng phẳng. Sự sòng phẳng trong giáo dục rất là dã man, nó đẩy mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường trở lên tồi tệ mà người chịu thiệt thòi không phải ai khác chính là con trẻ”. (TS Vũ Thu Hương) |
“Trong câu chuyện này, đứa trẻ là người chịu thiệt thòi nhất. Trong mắt trẻ con, cha mẹ và thầy cô là hai thế giới rất lung linh và trân quý. Họ cũng là những chiếc “phao cứu sinh” của chúng.
Ở nhà trẻ gặp vấn đề gì đều sẽ gọi bố mẹ, ở trường thì sẽ cầu cứu thầy cô, vậy mà, hai thế giới tươi đẹp ấy lại đang gây chiến. Đứa trẻ sẽ có cảm giác sụp đổ, đơn độc, thất vọng. Không kể bị những ánh nhìn thiếu thiện cảm từ những người xung quanh về hành động của bố mẹ mình” – bà Hương nói.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến việc các bậc cha mẹ thiếu kiềm chế, dễ “manh động” và sẵn sàng động thủ với thầy cô khi có bức xúc, bà Hương cho rằng điều này là do những thay đổi không đáng có trong mối quan hệ này.
Theo bà Hương, trước đây, cha mẹ quá bận rộn và cũng có quá nhiều con, họ không thể để ý hết được và thường tin tưởng giao phó việc dạy dỗ con cho thầy cô.
Ngoài ra, truyền thống tôn sự trọng đạo luôn khiến các bậc cha mẹ phải tâm niệm “muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”… sự tôn trọng, trân quý của phụ huynh có tác dụng tạo thành động lực rất lớn khiến cho thầy cô luôn luôn phải nghĩ đến việc giữ hình ảnh.
Bây giờ thì khác, cuộc sống khá giả và thoải mái hơn, con cái cũng ít (chỉ có 1 – 2 con) khiến các bậc cha mẹ có nhiều thời gian quan tâm đến con và bắt đầu có tư tưởng coi con cái mình là vàng, là ngọc.
“Tôi đã nghe rất nhiều lần câu này: “Mình đã đóng rất nhiều tiền cho con ở trường thì con mình phải được chăm sóc tốt nhất”.
Tức là người ta đã coi giáo dục là một lĩnh vực dịch vụ chứ không phải coi nó thuần túy là một ngành cống hiến cho xã hội như trước nữa. Chính vì vậy họ bắt đầu cư xử theo hướng mua – bán, đặc biệt là ở trường tư. Họ bắt đầu đòi hỏi giáo viên phải thế này, thế kia.
Tuy nhiên, phụ huynh không hiểu được rằng, tiền chỉ có thể khiến cho thầy cô giáo làm hết trách nhiệm của mình chứ không thể làm cho họ yêu thương con mình. Muốn con mình được yêu thương, bên cạnh đứa trẻ phải đáng được yêu thì chính cha mẹ cũng cần phải tỏ thái độ tôn trọng và yêu quý thầy cô giáo” – bà Hương nói.
Ngược lại nếu giáo viên đã có sự yêu thương trẻ lại được tín nhiệm của phụ huynh, họ sẽ phải có những hành động đáp trả và cũng có động lực để đứng trên bục giảng chuẩn chỉnh không để những người xung quanh phải thất vọng.
Phụ huynh nên xử lý thế nào khi con bị đánh?
Nói về việc phụ huynh cần xử lý như thế nào trong tình huống con mình bị giáo viên đánh, bà Hương khuyên, phụ huynh không nên sử dụng bất kỳ một biện pháp gì để “xử lý” giáo viên.
“Cách tốt nhất là nên nói chuyện nhẹ nhàng và thẳng thắn với cô giáo. Nên cho cô biết rằng mình biết việc cô đánh con mình và cho rằng điều đó là không được và vi phạm pháp luật. Cũng là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng họ sẽ nể mình hơn và sẽ rút được kinh nghiệm nhiều” – bà Hương nói.
Bà Hương cho biết, có quy định về việc xử phạt tiền thầy cô khi đánh trẻ, cũng có người khuyên là phụ huynh nên nói với con là nếu cô đánh con thì con không phải làm gì, thầy cô sẽ phải nộp phạt bằng tiền. Dùng hình phạt, kiện cáo để hủy hoại danh dự sự nghiệp của thầy cô giáo rất không nên và đứa trẻ cũng không nhận được điều gì cả.
“Thầy cô cũng như bố mẹ là những người có trách nhiệm răn dạy để trẻ lên người. Sẽ có những lúc trẻ làm sai, bị phạt, bị ức chế với thầy cô, nhưng lúc ức chế đấy trẻ biết cả bố mẹ và thầy cô đều đồng lòng thì trẻ sẽ ngoan hơn. Ngược lại, nếu dạy con sẽ “trả đũa” thầy cô thì trẻ sẽ không bao giờ nghe thầy cô nữa mà chỉ chăm chăm bắt lỗi thầy cô để thầy cô bị xử phạt mà thôi. Một đứa trẻ như thế thì sao thành người tốt được?”
>>> XEM THÊM: 3 bạn nhỏ góp 44.000 đồng tiền lẻ tặng trung thu cho trẻ tự kỷ