Dân Việt

Ông Trần Bắc Hà đang ở đâu, dù đã cáo ốm có phải đến tòa?

PV 14/01/2018 13:30 GMT+7
HĐXX vụ án Phạm Công Danh – Trầm Bê cho biết sẽ tiếp tục triệu tập ông Trần Bắc Hà, dù ông đã có đơn xin vắng mặt.

Tại phiên tòa, HĐXX và các luật sư xét hỏi các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về hành vi Phạm Công Danh cùng đồng phạm lập các hồ sơ vay của BIDV khoảng 4.700 tỷ đồng.

img

Theo công bố tại tòa, ông Trần Bắc Hà đã sang Singapore điều trị bệnh. Ảnh IT.

Trong số những người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về hành vi của Phạm Công Danh và đồng phạm, ông Trần Bắc Hà tiếp tục vắng mặt.

Đại diện VKS yêu cầu HĐXX tiếp tục triệu tập ông Trần Bắc Hà và những người liên quan có mặt tại tòa vào ngày mai (15.1) và được HĐXX đồng ý. Trong trường hợp ông Trần Bắc Hà và những người liên quan không có mặt tại tòa, HĐXX sẽ cho phép VKS sử dụng những lời khai trong cáo trạng để xem xét các hành vi liên quan.

Đại diện VKS cũng đề nghị tòa kiểm tra bệnh án của ông Trần Bắc Hà, đồng thời kiểm tra cơ quan xuất nhập cảnh xem thật sự ông Hà có đi chữa bệnh ở nước ngoài hay không.

Trong trường hợp ông Trần Bắc Hà hay những người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác tiếp tục cáo ốm, không đến tòa, liệu có biện pháp xác minh hay dẫn giải đến tòa để làm rõ các tình tiết liên quan?

Điểm khác biệt

Trả lời Dân Việt, đại diện Công ty luật TNHH Lê Nguyễn cho biết quy định tại Điều 55 Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 xác định người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là những người tham gia Tố tụng. Vì vậy, họ có những quyền lợi và nghĩa vụ nhất định trong quá trình điều tra và giải quyết vụ án.

Cụ thể, người làm chứng là những người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.

img

HĐXX vụ án Phạm Công Danh sẽ tiếp tục triệu tập ông Trần Bắc Hà. Ảnh IT.

Khoản 4 Điều 66 Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 xác định nghĩa vụ của người làm chứng gồm: “Có mặt theo giấy triệu tập của của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét thì có thể bị dẫn giải;

Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó”.

Như vậy, việc tham dự phiên Tòa hoặc tham dự vào các buổi làm việc của cơ quan điều tra theo yêu cầu của các cơ quan này là nghĩa vụ của người làm chứng.

Vì trong nhiều trường hợp, người làm chứng có vai trò quyết định đến việc xác định một cá nhân có phạm tội hay không và phạm tội ở hoàn cảnh nào. Nếu trường hợp người làm chứng biết rõ trách nhiệm của bản thân trong việc giải quyết vụ án mà vẫn cố tình vắng mặt, không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan, gây ra những khó khăn nhất định cho toàn bộ quá trình giải quyết vụ án thì có thể bị xem xét dẫn giải.

Sự kiện bất khả kháng là những sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Đó là những sự kiện xảy ra bất ngờ, hoàn toàn không thể dự đoán chính xác được hoặc cũng khó có thể ngăn chặn được nếu áp dụng những biện pháp ngăn chặn thông thường.

Vì vậy nếu người làm chứng gặp phải những trường hợp như vậy thì mới xem là lý do chính đáng để có thể miễn trách nhiệm trong trường hợp không thể có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án, cơ quan điều tra.

Còn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.

Khác với người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là những người ít nhiều có quyền lợi hoặc nghĩa vụ nhất định trong vụ án hình sự. Vì vậy, trách nhiệm của họ hoàn toàn khác so với người làm chứng.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan lại là người có thể có tài sản hoặc có mối quan hệ nhất định với những người tham gia tố tụng như cha mẹ, chồng con, bạn bè... và việc có mặt của họ trong phiên Tòa cũng như trong quá trình điều tra để làm rõ được một số nội dung, xác định họ có phải là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không; họ có quyền lợi và nghĩa vụ gì trong vụ án.

Vì vậy, họ có nghĩa vụ phải có mặt theo giấy triệu tập; trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình; chấp hành theo quyết định, yêu cầu của người có thẩm quyền tố tụng.

Nếu trường hợp họ biết rõ trách nhiệm của mình nhưng vẫn cố tình không tham gia các buổi làm việc với cơ quan điều tra hoặc Tòa án với một số lý do nhất định hoặc không có lý do chính đáng thì đương nhiên họ đã từ bỏ quyền lợi của mình trong vụ án, đó là quyền được phát biểu ý kiến, quyền được tự bảo vệ, quyền được tiếp cận các tài liệu chứng cứ,...

Trong nhiều vụ án, đó là những điều bất lợi cho họ, nếu họ tự bỏ quyền này của mình thi Tòa án hoàn toàn có quyền tự đưa ra bản án, quyết định dựa trên những tài liệu, chứng cứ thu thập được và lời khai của các nhân chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan khác.

Xác định lý do không dự tòa thế nào?

Đại diện Công ty TNHH luật Lê Nguyễn cũng cho rằng hiện nay, có nhiều HĐXX thường không thực hiện xác minh các lý do không tham dự phiên tòa được của các nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. 

img

Trong số lãnh đạo của BIDV triệu tập đến tòa mới có ông Đoàn Ánh Sáng có mặt. Ảnh Hữu Ký. 

Sở dĩ Tòa án không làm điều này vì thực tế việc xác định nguyên nhân dẫn tới việc một cá nhân không tham dự phiên Tòa là rất khó khăn, khó chứng minh được có yếu tố bất khả kháng hay trở ngại khách quan thực tế hay không?

Ngoài ra, thông thường các vụ án hình sự có tính chất phức tạp, nhiều cá nhân do tâm lý e ngại khi phải ra Tòa đối chất hoặc sợ bị dị nghị ảnh hưởng đến cuộc sống nên thường không đến các buổi làm việc của cơ quan điều tra, Tòa án theo giấy triệu tập.

Đối với người làm chứng, nếu trường hợp sự vắng mặt của người làm chứng mà không có lý do chính đáng (do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan) mà việc vắng mặt đó ảnh hưởng đến quá trình điều tra thì có thể bị cơ quan điều tra, Tòa án cho áp dụng biện pháp dẫn giải.

Những người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp dẫn giải đối với nhân chứng bao gồm: Điều tra viên, cấp trưởng của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử.

Cơ quan Công an nhân dân, quân đội nhân dân có thẩm quyền có trách nhiệm thi hành biện pháp dẫn giải theo đúng quy định. Không được bắt đầu việc dẫn giải người vào ban đêm, không được dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế. Việc áp dụng biện pháp dẫn giải đối với người làm chứng buộc phải có quyết định dẫn giải và có biên bản làm việc về việc dẫn giải theo đúng quy định.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nếu không tham gia vào một phần hoặc toàn bộ quá trình giải quyết vụ án thì sẽ không bị Tòa án hoặc cơ quan điều tra áp dụng biện pháp dẫn giải như người làm chứng mà mặc nhiên những người này đã tự từ bỏ quyền tự bảo vệ của bản thân.

Trường hợp Tòa án có ra bản án, quyết định bất lợi đến những người này thì lỗi hoàn toàn thuộc về họ, Tòa án sẽ không chịu trách nhiệm đối với những tình tiết không thể làm rõ do lỗi từ sự vắng mặt của  người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.