Tôi điện đến anh bạn người Mông Cổ - bác sỹ Davkharbayar hỏi: “Chuẩn bị Tết thế nào rồi?”.
Davkharbayar nói: “Lát nữa nhà em mới bày bàn Tết. “Ba mươi chưa phải là Tết” mà anh”.
Trong khi đó mấy ngày vừa qua, từ Việt Nam, nhiều bạn bè của tôi nhắn tin kêu mệt, ốm vì lo Tết.
Tôi đã trải qua mấy chục cái Tết Việt Nam (lại còn là trưởng nam nên “gánh trọn”), không ai có thể phủ nhận Tết Việt vui và đầm ấm, nhưng đúng là lo xong cái Tết không mệt mới là lạ.
23 tháng chạp cúng ông Công, ông Táo xong là ập đến Tất niên, hết liên quan Tất niên ở cơ quan lại cúng ở nhà. Tất niên “chưa kịp rửa bát đũa” lại đến cúng Giao thừa.
Cúng Giao thừa tàn tuần nhang đã phải lo cỗ cúng mồng Một; cỗ bàn hai ngày liền lại đến làm cỗ cúng Hóa vàng.
Để làm được bằng ấy nghi lễ, hàng trăm thứ phải lo, nào là đi mua sắm quất, đào, thực phẩm, quà bánh chúc Tết đến mổ gà, gói bánh, lau dọn nhà cửa, …không khác gì “quay như chong chóng”.
Dù Rất coi trọng Tết âm lịch, nhưng người Mông Cổ không phải tất tả ngược xuôi vì Tết. Chiều 30 Tết, gia đình Davkharbayar mới bắt tay vào chuẩn bị mâm cỗ Tết. Trong ảnh: chị B.Bolor-Erdene, vợ của bác sỹ Davkharbayar chuẩn bị mâm cỗ Tết. Ảnh Lê Chiên.
Mấy ngày liền vật lộn với bếp núc cỗ bàn, cúng lễ, rồi đi lại thăm hỏi chúc Tết bên nội, bên ngoại… ấy là chưa kể đến đâu cũng chạm chén chúc sức khỏe. Một núi công việc dồn dập như thế hỏi sao không mệt, không ốm!?
Giống như người Việt Nam, người Mông Cổ cũng rất coi trọng Tết âm lịch. Năm nay, Tết Mông Cổ trùng với Tết Việt Nam.
Người Mông Cổ cũng coi Tết âm lịch là ngày gia đình đoàn viên, xum họp; Tết để mọi người thăm hỏi và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong năm mới.
Mặc dù coi trọng như thế, nhưng Tết của người Mông Cổ rất đơn giản, không nhiều thủ tục, nghi lễ như Tết Việt. Đường phố cũng không đèn hoa, trống dong, cờ mở.
Cỗ ngày Tết của người Mông Cổ không giò, chả nem mọc, … và không phải nấu nướng cầu kỳ như Việt Nam.
Chợ Bayanzürkh ở Ulan Bator chiều 30 Tết chỉ đông hơn ngày thường một chút. Ảnh Lê Chiên.
Gần Tết mọi người trong gia đình tập trung làm bánh buuz, đây là loại bánh giống như bánh bao, vỏ bằng bột mỳ, nhân là thịt cừu băm nhuyễn sau đó hấp lên (việc làm bánh buuz cũng giống như phong tục gói bánh chưng của Việt Nam). Trong những ngày Tết chỉ ăn bánh buuz, thịt cừu luộc và uống sữa. Bên cạnh đó, mỗi gia đình còn có một mâm bánh ul boov (bánh mỳ, xếp theo tầng, trên cùng mâm bánh có các loại sữa khô).
Về nghi lễ, các bạn Mông Cổ cũng rất gọn, Giao thừa, tất cả con cái tập trung tại nhà bố mẹ, ăn uống (ăn bánh buuz, thịt cừu, uống sữa). Sau đó ngày mùng 1 đến mồng 3 đi chúc Tết bố mẹ, anh em người thân, bạn bè…
Ngày Tết, người Mông Cổ cũng thực hiện nghi lễ tâm linh, tuy nhiên nghi lễ này cũng không quá cầu kỳ.
Đêm giao thừa, đặt viên đá lạnh hay cốc nước ngay trên cửa nhà (để mới thần uống). Rạng sáng mùng 1 các con trai lên núi cúng thần núi, nghi lễ cúng này cũng chỉ đơn giản là đốt đống lửa, đi quanh 3 vòng, vừa đi vừa bỏ sữa khô và mẩu xương ức cừu vào đống lửa và cầu nguyện.
Quà chúc Tết chỉ mang tính tượng trưng. Người được chúc Tết sẽ mừng tuổi cho người đến chúc Tết một khoản tiền rất nhỏ để lấy may.
Để chuẩn bị cho Tết, người Mông Cổ cũng đi sắm Tết, chủ yếu là mua thịt cừu, một chút bánh kẹo… Tuy nhiên do ngày Tết chợ và siêu thị nghỉ nên mọi người phải mua để chuẩn bị cho sinh hoạt bình thường hàng ngày chứ không phải là chủ yếu mua sắm cho Tết. Đặc biệt ngày Tết người Mông Cổ không uống rượu, trường hợp đặc biệt cũng chỉ uống một chút mang tính ngoại giao.
Tết người Mông Cổ chỉ được nghỉ 3 ngày, nếu trùng vào ngày nghỉ cũng không được nghỉ bù.
Theo Davkharbayar thì dù Tết của Mông Cổ đơn giản về thủ tục, nghi lễ nhưng trong lòng mọi người ai cũng thấy rất thiêng liêng.
Tuy thời gian nghỉ ngắn nhưng vì không tốn nhiều công sức vào các thủ tục nghi lễ, chuẩn bị, cỗ bàn nên gia đình vẫn có những ngày vui vẻ ấm áp bên nhau; đồng thời cũng là dịp nghỉ ngơi.
“Bánh buuz đã làm từ mấy hôn trước, chiều nay chỉ luộc thịt cừu, bày bàn cỗ, mấy tiếng là xong. Em ở Việt Nam hơn 10 năm, cũng dự nhiều Tết ở nhà bạn bè người Việt. Tết Việt Nam rất vui nhưng mọi người vất vả quá. Nào giết lợn, bó giò, gói bánh, mấy ngày liền. Bữa nào cũng ăn cỗ, uống rượu, đi lại liên tục như thế thì … mệt lắm”- Davkharbayar chốt lại với tôi.