Tối qua, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 đã kết thúc và chủ nhân của vương miện mới là Trần Tiểu Vy - cô gái 18 tuổi đến từ Quảng Nam. Và như thường lệ, phần thi ứng xử - để kiểm tra “vẻ đẹp” trí tuệ, vốn luôn gây điều tiếng trong các cuộc thi sắc đẹp lâu nay - lại một lần nữa gây tranh cãi trái chiều, khi có tới 3/5 câu hỏi liên quan đến cuộc cách mạng 4.0 và xã hội tương lai, chứ không còn xoay quanh các chủ đề về “công dung ngôn hạnh” truyền thống như thường thấy.
Người đẹp nhân ái Nguyễn Thúc Thùy Tiên thi ứng xử đầu tiên và gặp câu hỏi khá hóc búa liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0.
Đây là những câu hỏi lồng ghép thời sự, nhất là trong bối cảnh cách đây mấy tháng, “nàng” Sophia - robot có quyền con người đầu tiên trên thế giới đến Việt Nam trong tà áo dài trắng nuốt ở một diễn đàn kinh tế cấp cao. Không chỉ nói câu “xin chào” bằng tiếng Việt, Sophia còn khuyến nghị cả chính sách cho Chính phủ Việt Nam.
"Tôi là người đại diện cho kỷ nguyên 4.0" - Sophia nói và cho biết Việt Nam cần có sáng tạo về công nghiệp để phát triển nhanh hơn. Theo cô, Chính phủ Việt Nam đã đi đúng hướng. Tuy nhiên, công nghệ sáng tạo ở các quốc gia như Việt Nam cần khuôn khổ chính sách. Chính phủ cần chú trọng khu vực tư nhân, các tổ chức như UNDP, các tổ chức cộng đồng… đảm bảo cho công nghệ như thế này mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Và cũng như thường lệ, các “vẻ đẹp” trí tuệ của các thí sinh trong cuộc thi hoa hậu năm nay cũng không được đẹp lắm. Ví như câu hỏi: Bạn có nghĩ có chỗ cho Hoa hậu Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay không? Câu trả lời rất lạc đề và “non” rằng: “Em học ngành ngôn ngữ nên cách mạng 4.0 có thể hơi xa lạ với em. Nhưng em nghĩ, bất cứ thời đại nào và xã hội nào, nếu mình cố gắng làm tốt vai trò của mình đều là đóng góp to lớn cho xã hội đó. Ngành công nghiệp 4.0 cũng không ngoại lệ”.
Câu trả lời cho thấy hiểu biết về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của một bộ phận người dân đến thời điểm này vẫn là bằng 0. Có người vẫn hiểu đó là một chuyên ngành học chứ không phải là một nền kinh tế của tương lai “với sự kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học”, theo như định nghĩa phổ thông và dễ hiểu nhất của Klaus Schwab - người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Với câu hỏi “Hãy tưởng tượng bay bổng một chút, bạn bỗng nhiên vượt thời gian xã hội loài người 100 năm sau. Trước khi trở về, bạn sẽ nói gì với các bạn trẻ thời tương lai ấy?”.
Câu hỏi có phần vĩ mô, xa rời thực tế vốn không lạ tại các cuộc thi sắc đẹp và cũng chứng tỏ cả sự rất mù mờ về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dù rằng chúng ta đã và đang sống trong nó dù muốn hay không.
Tân hoa hậu Trần Tiểu Vy khá lúng túng trước câu hỏi về xã hội tương lai 100 năm sau.
Bởi nối tiếp từ định nghĩa của Klaus Schwab, cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý với những yếu tố cốt lõi là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).
Chúng ta đang ở giai đoạn bản lề của hơn 20 năm trước, khi thế giới bắt đầu có máy tính được kết nối Internet và điện thoại thông minh. Nhưng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra với tốc độ khủng khiếp nên việc gợi ý về tầm nhìn đến 100 năm sau cho những gì sắp diễn ra là quá xa.
Hãy gợi ý gần hơn, trong vòng 5 - 10 năm tiếp theo. Khi các robot sẽ chăm sóc chúng ta khi chúng ta già đi. Các cuộc tấn công mạng sẽ có mặt trong chính những ngôi nhà thông minh mà chúng ta sẽ sống. Động vật tuyệt chủng có “nguy cơ” hồi sinh. Cảm biến có mặt ở khắp nơi, loại bỏ sự riêng tư như chúng ta đã thấy…
Tương lai rất gần tiếp theo đây, chúng ta sẽ được chứng kiến những người máy gần như có mặt ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống con người. Kể cả những chuyện tưởng như… trong phim, như trợ giúp những người bại liệt để họ có thể đi lại được, hay chúng đi bộ trên đường phố với chúng ta, làm việc ở phòng bên cạnh hoặc đưa bố mẹ già của chúng ta đi dạo rồi giúp họ ăn tối…
Những thay đổi này đang khiến chúng ta giành được nhiều lợi thế và đi kèm đó cũng là sự mất phương hướng, thậm chí hoảng loạn. Bởi không chỉ “cướp” mất công việc của con người, máy móc cũng đã có cảm xúc như người thật khi mới đây, một người Mỹ tên Brick Dollbanger vừa trở thành người đầu tiên trên thế giới sở hữu một con búp bê thế hệ mới Harmony, có thể đạt… cực khoái khi quan hệ tình dục, được ông này chấm điểm 8/10 so với người thực.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc từng nói đại ý rằng Việt Nam là nước nói về cách mạng 4.0 nhiều nhất thế giới nhưng nói mà không làm hoặc làm rất ít; có tình trạng nói "đã mồm" xong thì bộ này, ngành kia chả biết mình phải làm gì, bắt đầu từ đâu...
Vì thế, thay vì đặt vấn đề Hoa hậu Việt Nam có chỗ hay không trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hãy gợi ý cho những cô cậu 18 tuổi về những thứ cần được trang bị để sống sót, ví như “những kỹ năng cần thiết để hòa nhập” như gợi ý của “nàng” Sophia mới đây tại Hà Nội.
“Những kỹ năng cần thiết” có thể là việc thông thạo nhiều ngoại ngữ và đa văn hóa, cũng như ngôn ngữ kỹ thuật, lập trình hoặc khoa học để phù hợp với thị trường “vốn con người” đang thay đổi từng ngày.
Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới đã và đang thay đổi, đi xa một cách đáng sợ. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta sẽ đi đến đâu với những câu hỏi kiểu chỗ đứng của hoa hậu trong cuộc cách mạng này và những hình dung xa tận… 100 năm nữa?