dd/mm/yyyy

Quan tâm, chăm lo cho học sinh bán trú nơi xã nghèo Huổi Só

Trường PTDTBT Tiểu Học và THCS Huổi Só (Tủa Chùa, Điện Biên) luôn chú trọng thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý học sinh bán trú…

Chăm lo tốt cho học sinh bán trú Huổi Só

Vượt qua gần 50km từ trung tâm huyện Tủa Chùa, băng qua những con đường đất quanh co, vất vẻo, đầy sỏi đá và nhiều ổ gà, chúng tôi đã có mặt tại xã Huổi Só – Một trong những xã vùng cao thuộc diện khó khăn nhất của huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.

Đến với trường Trường PTDTBT Tiểu Học và THCS Huổi Só chúng tôi cảm nhận được bầu không khí học tập và giảng dạy hăng say của thầy trò nơi mảnh đất nghèo nơi đây.

Quan tâm, chăm lo cho học sinh bán trú nơi xã nghèo Huổi Só - Ảnh 1.

Năm học 2022-2023, trường có tổng số 18 lớp học và 534 học sinh, trong đó, có 276 em học sinh bán trú. (Ảnh: Phạm Hoài)

Tiếp chúng tôi tại căn phòng nhỏ của trường, thầy Phạm Thế Long, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu Học và THCS Huổi Só, cho biết: Năm học 2022-2023, trường có tổng số 18 lớp học và 534 học sinh, trong đó, có 276 em học sinh bán trú. Đa số các em học sinh là người dân tộc thiểu số, chủ yếu dân tộc Dạo (Dao) và dân tộc Mông. Trong đó, các em ở bán trú đều thuộc hộ nghèo hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa gửi con ở nhà cho ông bà, chú bác hoặc anh chị, thiếu sự quan tâm cả vật chất lẫn tinh thần từ phía gia đình nên học sinh còn gặp khó khăn trong học tập.

Hiện nay, nhà trường có 3 dãy nhà ở học sinh với 17 phòng bán trú cho các em học sinh; cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ cho các hoạt động của học sinh ở bán trú về sân chơi, bãi tập, nước sinh hoạt..., tuy vậy, nhà trường đã luôn cố gắng chăm lo cho các em từ bữa ăn, giấc ngủ, đảm bảo cho các em học sinh bán trú được học tập và sinh hoạt trong môi trường tốt nhất.

Quan tâm, chăm lo cho học sinh bán trú nơi xã nghèo Huổi Só - Ảnh 2.

Quan tâm, chăm lo cho học sinh bán trú nơi xã nghèo Huổi Só - Ảnh 3.

Những khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng của các em học sinh bán trú Trường PTDTBT Tiểu Học và THCS Huổi Só. (Ảnh: Phạm Hoài)

Để chăm lo tốt cho học sinh bán trú, hàng tháng, nhà trường đã chỉ đạo các bộ phận có liên quan như tài chính, ban quản lý bán trú xây dựng cụ thể chi tiết kế hoạch ăn của tháng; xây dựng chi tiết cụ thể số ngày ăn, số bữa ăn, thực đơn ăn hàng ngày đảm bảo đủ dinh dưỡng cho học sinh. Các giáo viên chủ nhiệm các lớp hàng ngày có nhiệm vụ kiểm tra báo cáo số học sinh ăn của lớp mình về ban quản lý nội trú, thường xuyên lấy ý kiến từ phía học sinh về công tác sắp xếp, bố trí, thực đơn chế biến các món để điều chỉnh cho hợp lí. Đồng thời, tổ chức lựa chọn nhà cung ứng thực phẩm trách nhiệm, uy tín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các căn cứ pháp lý để cung cấp cho bếp ăn tập thể nhà trường.

Bên cạnh đó, để nâng cao khẩu phần ăn cho các em học sinh, nhà trường đã xây dựng kế hoạch bố trí chỉ đạo động viên các lớp, các phòng học sinh bán trú tổ chức chăm sóc trồng rau, trồng bí lấy quả trong diện tích đất khuôn viên hiện có của nhà trường để tăng gia sản xuất, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn cho các em, giúp các em học sinh thêm yêu trường, mến lớp, chất lượng dạy và học của nhà trường ngày một nâng lên.

Nơi "ươm mầm" những học sinh nghèo Huổi Só

Từ Hưng Yên lên Huổi Só để dạy học, có gần 20 năm giảng dạy và công tác tại trường thầy Trần Xuân Phúc, Phó Hiệu Trưởng Trường PTDTBT Tiểu Học và THCS Huổi Só, chia sẻ: Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của các em học sinh vùng cao nơi đây, để giúp các em học sinh bán trú có hoàn cảnh khó khăn, tôi và các giáo viên đã thường xuyên thăm hỏi động viên, thường xuyên trò chuyện, chia sẻ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đồng thời dạy các em những kỹ năng mềm…, qua đó, giúp các em thêm mạnh dạn, tự tin, vượt khó vươn lên trong cuộc sống và học tập.

Quan tâm, chăm lo cho học sinh bán trú nơi xã nghèo Huổi Só - Ảnh 4.

Dãy nhà bán trú của các em học sinh. (Ảnh: Phạm Hoài)

Khi chúng tôi hỏi, sau nhiều năm công tác như vậy, sao thầy không chuyển công tác? Thầy Phúc mỉm cười nói: "Mong muốn của tôi và các giáo viên ở đây là gieo chữ cho các thế hệ trẻ ở đây, tương lai, các em sẽ góp phần giúp vùng quê nghèo này đổi thay. Miễn là các em học sinh còn cần thầy, cần cô, cần con chữ để thay đổi cuộc sống của chính mình, quê hương thì mình ở lại thôi". Qua câu nói của thầy, mới biết thầy cô ở đây tận tâm với các em học sinh như thế nào !

Nhà ở thôn Hồng Ngài, cách xa trường 20km, gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Được sự quan tâm giúp đỡ của nhà trường, em Vừa Thị Nông, học sinh lớp 8, một trong những em học sinh ở bán trú tại Trường PTDTBT Tiểu Học và THCS Huổi Só đã vững tin hơn trên con đường chinh phục con chữ của mình.

Chia sẻ với chúng tôi (PV), em Vừ Thị Nông, cho biết: Ở trường, em được thầy, cô giáo giảng dạy, chăm sóc rất tận tình. Em và các bạn còn được ăn những bữa cơm rất ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng, nếu như ở nhà em sẽ không được ăn những bữa ăn như thế này. Ở bán trú, em và các bạn được thầy, cô giáo quan tâm, chăm sóc.

Quan tâm, chăm lo cho học sinh bán trú nơi xã nghèo Huổi Só - Ảnh 5.

Các thầy cô Trường PTDTBT Tiểu Học và THCS Huổi Só đang giúp các em học sinh vững tin trên con đường chinh phục con chữ. (Ảnh: Phạm Hoài)

"Thầy cô hướng dẫn chúng em dọn dẹp phòng ở sạch sẽ, cách gấp chăn màn gọn gàng, vệ sinh cá nhân, dạy chúng em rất nhiều điều hay lẽ phải. Em sẽ cố gắng chăm chỉ học tập, thực hiện tốt các nội quy của nhà trường, khu bán trú để trở thành con ngoan, trò giỏi"- em Nông nói.

Chú trọng chăm lo cho học sinh bán trú từ bữa ăn, giấc ngủ đã giúp các em học sinh ở xã vùng cao Huổi Só thêm yêu trường, mến lớp, tích cực học tập và rèn luyện, từ đó nhà trường duy trì tỷ lệ chuyên cần, chất lượng dạy và học ngày một nâng lên. Tin rằng, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả và sự tận tâm của thầy, cô nơi đây, Trường PTDTBT Tiểu Học và THCS Huổi Só sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong năm học mới.

Phạm Hoài