Quảng Trị đấu giá mỏ khoáng sản, liệu còn tình trạng trúng đấu giá cao chót vót rồi “buông tay”

28/12/2023 06:35 GMT+7
Một số mỏ đất trúng đấu giá với giá cao ngất ngưởng vào năm 2022 đã phải đưa ra đấu giá lại vào năm 2023.

Ngày 27/12, lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Quảng Trị cho biết, vừa thông báo việc lựa chọn tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản gồm 9 mỏ đất làm vật liệu san lấp và 1 mỏ cát sỏi SH4.

9 mỏ đất làm vật liệu san lấp gồm mỏ đất Xa Vi Km34 +500 quốc lộ 9, diện tích 40,8ha, ở thôn Xa Vi, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông dự báo có 3 triệu m3, giá khởi điểm hơn 2,5 tỷ đồng.

Mỏ đất Vĩnh Chấp, có diện tích 14,5 ha, ở xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, dự báo có 290.000 m3, giá khởi điểm 259,1 triệu đồng.

Quảng Trị đấu giá mỏ khoáng sản, liệu còn tình trạng trúng đấu giá cao chót vót rồi “buông tay” - Ảnh 1.

Quảng Trị đấu giá mỏ khoáng sản gồm 9 mỏ đất và 1 mỏ cát sỏi. Ảnh: Ngọc Vũ.

Mỏ Vĩnh Chấp 3, diện tích 3,25 ha, ở xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, dự báo có 230.000m3, giá khởi điểm 205,5 triệu đồng.

Mỏ đất Trung Sơn 1, diện tích 9,3ha, ở thôn Bến Hải, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, dự báo có 470.000 m3, giá khởi điểm 419,9 triệu đồng.

Mỏ đất Linh Trường 2, diện tích 6,5ha, ở xã Linh Trường, huyện Gio Linh, dự báo có 320.000 m3, giá khởi điểm 285,9 triệu đồng.

Mỏ đất Linh Trường 4, diện tích 17,8, ở xã Linh Trường, dự báo 890.000 m3, giá khởi điểm 795,1 triệu đồng.

Mỏ đất Tràng Sỏi, diện tích 17,2ha, ở xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, dự báo có 680.000 m3, giá khởi điểm 607,5 triệu đồng.

Mỏ đất xã Hải Chánh, diện tích 25,2ha, ở xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, dự báo có 3 triệu m3, giá khởi điểm gần 2,7 tỷ đồng.

Mỏ đất Hải Sơn, diện tích 11,02ha, ở xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, dự báo có 826.000 m3, giá khởi điểm 738,3 triệu đồng.

9 mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được đấu giá với giá khởi điểm lấy hệ số R = 3%. Người tham gia đấu giá phải nộp 7% tiền đặt trước so với giá khởi điểm. Hệ số R và tiền đặt trước đợt đấu giá này bằng với đợt đấu giá lần 1 năm 2022.

Đợt đấu giá quyền quyền khai thác khoáng sản lần 1 năm 2022 có 16 mỏ đất được đem ra đấu giá. Trong đó, có 10 mỏ trúng đấu giá với hệ số R = 3,6%, nghĩa là cao hơn 0,6%, tương đương gấp 1,1-1,2 lần, (tăng 11%) so với giá khởi điểm.

Tuy nhiên, có một số mỏ đất trúng đấu giá với hệ số R cao ngất ngưởng.

Quảng Trị đấu giá mỏ khoáng sản, liệu còn tình trạng trúng đấu giá cao chót vót rồi “buông tay” - Ảnh 2.

Nhu cầu đất san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ở mức cao. Ảnh: Ngọc Vũ.

Đơn cử, mỏ đất làm vật liệu san lấp Trung Sơn 1 (thôn Bến Hải, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh) có diện tích 9,3ha, dự báo trữ lượng 470.000 m3, giá khởi điểm 393,9 triệu đồng, đặt trước 27,6 triệu đồng (tương đương 7% giá khởi điểm).

Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Á Đông HPP (trụ sở ở TP.Hà Nội) trúng đấu giá với R = 15,6%, tương đương hơn 2 tỷ đồng, cao gấp 5 lần (tăng 500%) giá khởi điểm.

Mỏ đất làm vật liệu san lấp Hải Chánh (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) có diện tích 25,2ha, dự báo trữ lượng 3 triệu m3, giá khởi điểm hơn 2,5 tỷ đồng, đặt trước 176 triệu đồng.

Công ty TNHH Lê Thanh DKT trúng đấu giá với hệ số R = 24,4%, tương đương hơn 20,4 tỷ đồng, cao gấp 8 lần giá khởi điểm, bằng 800%.

Những mỏ đất trúng đấu giá với giá cao chót vót này sau đó bị UBND tỉnh Quảng Trị huỷ kết quả trúng đấu giá. Lý do là các tổ chức trúng đấu giá không nộp hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò khoáng sản theo yêu cầu thời gian. Vì vậy, một số mỏ đất phải đấu giá lại vào lần này.

Dư luận tỉnh Quảng Trị đặt câu hỏi, liệu lần đấu giá mỏ khoáng sản này có xảy ra tình trạng trúng đấu giá cao chót vót rồi "buông tay" như trước hay không?

Mỏ cát, sỏi SH4 được đấu giá đợt này có diện tích 2,43ha, ở thôn Tân Lâm, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, dự báo có hơn 41.300 m3, giá khởi điểm 235 triệu đồng. Người tham gia đấu giá mỏ cát, sỏi phải đặt trước 10% số tiền so với giá khởi điểm.

Ngọc Vũ
Cùng chuyên mục