dd/mm/yyyy

Bắc Yên: Mong muốn đưa Sâm Ngọc Linh về trồng, giúp đồng bào các dân tộc vùng cao làm giàu

Huyện Bắc Yên (tỉnh Sơn La) mong muốn trồng và phát triển sâm Ngọc Linh ở dưới tán rừng vừa góp phần tạo giá trị gia tăng rất cao, phát triển đời sống, xóa đói giảm nghèo cho người dân; đồng thời giúp bảo vệ môi trường, giữ gìn tán rừng đảm bảo độ che phủ, hướng đến một nền nông lâm nghiệp phát triển bền vững.

Clip: Mong muốn đưa Sâm Ngọc Linh về trồng, giúp đồng bào các dân tộc vùng cao làm giàu

Khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển sâm Ngọc Linh

Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt phối hợp với Công ty TNHH một thành viên đầu tư xây dựng Thành Long tổ chức Gala "Sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La - Từ Quốc bảo trở thành sinh kế". Tại Gala có khoảng 150 đại biểu tham dự, bao gồm: Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT; Sở khoa học và Công nghệ; Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Sơn La; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; đại diện lãnh đạo các huyện, thành phố; Hội Nông dân các cấp trong tỉnh...

Tại Gala các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận đưa ra những khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm trồng sâm và giải pháp phát triển Sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La như: Hành trình đưa cây Sâm Ngọc Linh về với Sơn La; Đồng hành cùng doanh nghiệp, nông dân trong việc trồng thử nghiệm Sâm Ngọc Linh và hướng mở trong phát triển Sâm Ngọc Linh ở Sơn La; chất lượng cây Sâm Ngọc Linh trồng ở Sơn La; những nhận định tích cực khi trực tiếp quan sát, cảm nhận về Sâm Ngọc Linh và sản phẩm Sâm Ngọc Linh trồng ở Sơn La; ích lợi kép khi phát triển cây Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng; tâm sự của người trực tiếp trồng Sâm Ngọc Linh ở Sơn La; Tác dụng của Cao Sâm Ngọc Linh với tình hình bệnh tật, sức khỏe bệnh nhân.

Bắc Yên: Mong muốn đưa Sâm Ngọc Linh về trồng, giúp đồng bào các dân tộc vùng cao làm giàu - Ảnh 2.

Gala "Sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La - Từ Quốc bảo trở thành sinh kế". Ảnh: Văn Ngọc

Phát biểu tại Gala "Sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La - Từ Quốc bảo trở thành sinh kế", bà Trịnh Thị Phượng, Phó Chủ Tịch UBND huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, cho biết: Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng các xã vùng cao của huyện đặc trưng là mát mẻ quanh năm, có sương mù bao phủ, với mùa đông lạnh, diện tích rừng tự nhiên tương đối lớn cùng với nguồn lao động dồi dào là tiềm năng rất lớn cho sự phát triển của nhiều loại cây dược liệu nói chung và nhất là phát triển trồng cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu dưới tán rừng tại các xã vùng cao huyện Bắc Yên.

Thời gian qua thực hiện Công văn số 3433-CV/TU ngày 12/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về việc khảo sát, đánh giá mức độ phù hợp với vùng trồng sâm Ngọc Linh tại một số xã vùng cao của tỉnh Sơn La; công văn số 2546-SNN-CCKL ngày 01/8/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc khảo sát, đánh giá mức độ phù hợp vùng trồng sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu tại một số xã vùng cao của tỉnh Sơn La. Qua khảo sát trên địa bàn huyện Bắc Yên về đề xuất diện tích có khả năng trồng cây Sâm Ngọc Linh, Sâm Lai Châu là 690 ha (trong đó: cây sâm Ngọc Linh là 309 ha và cây Sâm Lai Châu là 381 ha); dự kiến đề xuất triển khai tại các xã: Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng và Hang Chú.

Bắc Yên: Mong muốn đưa Sâm Ngọc Linh về trồng, giúp đồng bào các dân tộc vùng cao làm giàu - Ảnh 3.

Bà Trịnh Thị Phượng, Phó Chủ Tịch UBND huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La phát biểu tại Gala: "Sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La - Từ Quốc bảo trở thành sinh kế". Ảnh: Văn Ngọc

UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đối chiếu về yêu cầu sinh thái của cây sâm Ngọc Linh và cây sâm Lai Châu và khảo sát nhu cầu của người dân đã xác định các xã vùng cao của huyện Bắc Yên có điều kiện phù hợp với việc trồng cây Sâm Ngọc Linh và cây sâm Lai Châu với diện tích đề xuất là 690 ha và diện tích có khả năng mở rộng lên đến hàng nghìn ha.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi việc trồng thử nghiệm, phát triển cây sâm Ngọc Linh và cây Sâm Lai Châu trên địa bàn huyện Bắc Yên còn gặp phải một số khó khăn, cây sâm trồng mới, có thời gian sinh trưởng từ lúc trồng đến khi thu hoạch tương đối dài, đòi hỏi đầu tư lớn, kỹ thuật cao, trong khi đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.

Cây sâm Ngọc Linh yêu cầu phải được trồng ở độ cao từ 1.200 m trở lên và dưới tán rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thì mới bảo đảm được dược tính cũng như sự sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, theo Luật Lâm nghiệp thì rừng phòng hộ, rừng đặc dụng không được tác động. Điều này gây ra rào cản đối với người dân và doanh nghiệp khi triển khai trồng cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn.

Tập quán canh tác của người dân nhìn chung còn lạc hậu, còn có tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.

Bắc Yên: Mong muốn đưa Sâm Ngọc Linh về trồng, giúp đồng bào các dân tộc vùng cao làm giàu - Ảnh 4.

Các đại biểu tham dự Gala"Sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La - Từ Quốc bảo trở thành sinh kế". Ảnh: Văn Ngọc

Mong muốn trồng sâm Ngọc Linh giúp đồng bào vùng cao giảm nghèo

Phó Chủ Tịch UBND huyện Bắc Yên cho biết, với mong muốn trồng và phát triển sâm Ngọc Linh ở dưới tán rừng vừa góp phần tạo giá trị gia tăng rất cao, phát triển đời sống, xóa đói giảm nghèo cho người dân; đồng thời giúp bảo vệ môi trường, giữ gìn tán rừng đảm bảo độ che phủ, hướng đến một nền nông lâm nghiệp phát triển bền vững.

Thời gian tới, huyện tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án thu hút đầu tư thuộc lĩnh vực đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2476/QĐ-UBND của UBND tỉnh Sơn La ngày 22/11/2023.

Bắc Yên: Mong muốn đưa Sâm Ngọc Linh về trồng, giúp đồng bào các dân tộc vùng cao làm giàu - Ảnh 5.

Sâm Ngọc Linh được trồng ở bản Xam Ta, xã Chiềng Chung, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế dưới tán rừng của Trung ương và của tỉnh, huyện sẽ tham mưu, đề xuất với tỉnh xây dựng cơ chế chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư. Tạo điều kiện về đất đai, chính sách… để các công ty, doanh nghiệp có tâm huyết, kinh nghiệm và năng lực đầu tư vào huyện Bắc Yên để khảo sát, thử nghiệm mô hình trồng cây Sâm Ngọc Linh, Sâm Lai Châu, thực hiện liên kết sản xuất, phối hợp chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ người dân trồng, chăm sóc, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là tại các xã vùng cao của huyện Bắc Yên.

Bên cạnh đó, huyện đề xuất với UBND tỉnh, Sở NN & PTNT thử nghiệm mô hình tại huyện, trên cơ sở mô hình thực hiện khảo nghiệm, đánh giá quá trình sinh trưởng, phát triển của cây Sâm Ngọc Linh, Sâm Lai Châu được triển khai trên địa bàn và sự tư vấn của cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, công ty, doanh nghiệp huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các tổ chức chính trị tuyên truyền đến người dân về "Tiềm năng, giá trị trong phát triển cây Sâm Ngọc Linh, Sâm Lai Châu trên đất Bắc Yên".

Bắc Yên: Mong muốn đưa Sâm Ngọc Linh về trồng, giúp đồng bào các dân tộc vùng cao làm giàu - Ảnh 6.

Thời gian tới tỉnh Sơn La sẽ mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh ở các địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Ảnh: Văn Ngọc

Trên cơ sở chuyến thăm quan học tập kinh nghiệm tại tỉnh Lai Châu do UBND tỉnh tổ chức, huyện sẽ Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp với các công ty, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực trồng cây Sâm Ngọc Linh, Sâm Lai Châu xây dựng lộ trình kế hoạch; khảo sát định hướng vùng trồng và đề xuất thử nghiệm mô hình trồng cây Sâm Ngọc Linh, Sâm Lai Châu trên địa bàn.

Huyện Bắc Yên luôn đồng hành cùng các công ty, doanh nghiệp và người dân để giải quyết khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư, người dân tham gia trong sản xuất nông lâm nghiệp nói chung và phát triển cây Sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu nói riêng, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có trên địa bàn giúp đồng bào các dân tộc vùng cao làm giàu từ trồng cây dược liệu nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo bền vững.

PV Tây Bắc