Sóng ngầm chưa dứt, quyền TGĐ tham vọng quay trở về vị thế vốn có của Eximbank

17/07/2020 13:43 GMT+7
Theo ông Nguyễn Cảnh Vinh – quyền Tổng giám đốc Eximbank, Ban Lãnh đạo ngân hàng đồng lòng cùng CBNV tiếp tục chung tay, xây dựng hướng tới tương lai đưa Eximbank trở về vị thế vốn có của mình trên thị trường Tài chính. Tuy nhiên, đây là mục tiêu tham vọng bởi những mâu thuẫn nội bộ tại Eximbank đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.

Ngân hàng Eximbank vừa phát hành báo cáo thường niên năm 2019. Không giống với các ngân hàng khác, tại báo cáo thường niên này "khuyết" tiếng nói của Chủ tịch HĐQT. Thay vào đó, là phát biểu của ông Nguyễn Cảnh Vinh với vai trò là quyền Tổng giám đốc gửi tới khách hàng, cổ đông và nhà đầu tư.

Tham vọng quay trở về vị thế vốn có của Eximbank của quyền Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Vinh

Ông Nguyễn Cảnh Vinh nhìn nhận, năm 2019 đánh dấu năm thứ hai trong quá trình triển khai chiến lược trung hạn của ngân hàng giai đoạn 2018 – 2020, qua đó ngân hàng đã có nhiều bước tiến tích cực ở các sáng kiến lớn và đạt được các chỉ tiêu đáng khích lệ.

Cụ thể, tổng tài sản đạt 167.538 tỷ đồng. Huy động vốn tăng trưởng 16,7% so với năm 2018, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của ngành (12,5%) trong bối cảnh ngân hàng từng bước điều chỉnh chính sách huy động theo xu hướng chung của thị trường. 

Chất lượng tín dụng tiếp tục được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,85% năm 2018 xuống 1,71% vào cuối năm 2019, thuộc nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp trong hệ thống. 

Thu nhập từ các hoạt động dịch vụ cũng tăng lên đáng kể, cụ thể thu phí thẻ tăng trưởng 33% so với năm 2018; thu nhập phí bảo hiểm đạt gấp 3 lần so năm 2018, góp phần đưa mức tăng trưởng thu nhập dịch vụ năm 2019 lên 12%, tăng cao nhất trong 3 năm gần đây.

Cùng với những kết quả tích cực về mặt tài chính, năm 2019, Eximbank đã triển khai dự án chiến lược tái cấu trúc với nhiều cấu phần đã được triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống nhằm chuyên biệt hóa, tập trung đẩy mạnh năng lực bán hàng chuyên sâu theo quy mô đơn vị kinh doanh và phân khúc khách hàng.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đã triển khai thành công các dự án tăng cường năng lực quản trị rủi ro như dự án thông tư 41, dự án thông tư 13 dưới sự tư vấn chuyên nghiệp của đối tác KPMG.

Cũng theo vị quyền Tổng giám đốc này, bước sang năm 2020, bên cạnh những thuận lợi cơ bản từ kết quả hoạt động năm 2019, Eximbank vẫn tiếp tục tập trung các hoạt động tái cơ cấu để minh bạch hóa hoạt động, cụ thể: Hoàn thiện mô hình kinh doanh theo từng phân khúc; Quy hoạch nhân sự theo mô hình bán tổng lực, giảm dần các cấp trung gian tại đơn vị kinh doanh và chuyển dần các công tác vận hành về tập trung tại Hội sở; Đa dạng hoá sản phẩm, gia tăng bán chéo, tối ưu giá thành; Cải tiến ứng dụng công nghệ vào phát triển sản phẩm dịch vụ,…

"Với những kế hoạch đã đề ra, Ban Lãnh đạo ngân hàng đồng lòng cùng toàn thể CBNV tiếp tục chung tay, xây dựng hướng tới tương lai đưa Eximbank trở về vị thế vốn có của mình trên thị trường Tài chính", ông Vinh nhấn mạnh.

Sóng ngầm chưa dứt, quyền TGĐ tham vọng quay trở về vị thế vốn có của Eximbank - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Cảnh Vinh - quyền Tổng giám đốc Eximbank

Việc đưa Eximbank trở về vị thế vốn có của mình trên thị trường Tài chính được nhiều nhà đầu tư nhìn nhận, là một mục tiêu "tham vọng" của quyền Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Vinh. Bởi đặt trong bối cảnh những mâu thuẫn nội bộ và cuộc chiến "quyền lực" đang có phần căng thẳng như hiện nay, nếu không sớm có hồi kết thì mục tiêu này sẽ không hề dễ dàng có đạt được trong một vài năm tới.

"Chỉ khi nào cuộc chiến quyền lực tại Eximbank kết thúc, các cổ đông lớn tìm được tiếng nói chung thì mới hy vọng niềm tin của người dân, nhà đầu tư vào Eximbank mới quay trở về. Tiền đề cải thiện hoạt động kinh doanh, hy vọng sớm tìm lại được ngôi vị Top đầu trong các ngân hàng như vốn có trước đây", một chuyên gia ngân hàng nhận định.

Dù được đánh giá là hoạt động kinh doanh đã tích cực trong năm 2019 nhưng vẫn chưa bằng 30% lợi nhuận tại thời điểm hoàng kim (năm 2011) của nhà băng này. Đây cũng là một phần minh chứng cho thấy, đường về "đỉnh vinh quang" của Eximbank còn rất xa?

"Cuộc chiến vương quyền' ở Eximbank

Xin được nhắc lại rằng, Eximbank từng là 1 ngân hàng hàng đầu trong hệ thống, được xem là ngôi sao với khối tài sản hàng trăm nghìn tỷ và huy động vốn hàng năm cũng hơn 100 nghìn tỷ đồng nhưng thật khó tin khi hiện nay nhà băng này lại "khuyết" Chủ tịch HĐQT.

Đây được xem như hệ lụy của "cuộc chiến vương quyền" xảy ra tại Eximbank trong những năm trở lại đây. Được biết, trước khi "ngôi vương" vắng chủ, ông Cao Xuân Ninh là người điều hành Eximbank trên cương vị Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, ngay trước thềm ĐHCĐ thường niên vừa qua, Eximbank thông báo HĐQT ngân hàng đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Cao Xuân Ninh với

Cũng theo thông báo, HĐQT Eximbank đã bầu chọn ông Yasuhiro Saitoh, Phó chủ tịch HĐQT, đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT thay ông Cao Xuân Ninh.

Thông tin chưa kịp "nguội" thì ngay trong ngày 30/6, nhóm cổ đông lớn Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), hiện nắm 15% vốn tại Eximbank - đã yêu cầu bãi nhiệm ông Yasuhiro Saitoh. Theo SMBC, tổ chức này đã chấm dứt tất cả các mối quan hệ pháp lý với ông Yasuhiro Saitoh kể từ 18/5/2019 nên ông này không đủ tư cách đại diện SMBC tham gia các chức vụ ở Eximbank.

Trên thực tế, mâu thuẫn nội bộ tại Eximbank đã diễn ra từ nhiều năm trước. Bất ổn ở Eximbank bắt đầu lan rộng khi ĐHĐCĐ năm 2016 bất thành khiến cho hoạt động của Eximbank ngày càng khó khăn, với tài sản tụt giảm và lợi nhuận lao dốc.

Tuy nhiên, những mâu thuẫn này lên tới đỉnh điểm kể từ năm 2019 cho tới nay, khi 22/3/2019, 7 thành viên HĐQT Eximbank họp và bầu ra Chủ tịch HĐQT mới là bà Lương Thị Cẩm Tú thay cho ông Lê Minh Quốc dù ông Quốc chưa hết nhiệm kỳ.

Bà Lương Thị Cẩm Tú được biết đến là một gương mặt đại diện của NamABank, từng là TGĐ NamABank. Bà Tú vào HĐQT Eximbank tháng 4/2018 tại ĐHCĐ thường niên 2018 của nhà băng này.

Ông Minh Quốc đã có đơn kiện và Tòa án TP.HCM đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng. Tuy nhiên, ông Lê Minh Quốc sau đó có đơn xin rút yêu cầu khởi kiện và có đơn từ nhiệm khỏi vị trí chủ tịch HĐQT.

Ông Cao Xuân Ninh sau đó được bầu làm chủ tịch Eximbank thay cho 2 nhân vật đối đầu trong một cuộc chiến tranh giành chiếc ghế cao nhất tại Eximbank trong nhiều tháng trước đó.

Trong khi đó, chiếc ghế Tổng giám đốc hiện cũng đang bỏ trống. Hồi tháng 4/2018, Eximbank bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh vào Phó Tổng giám đốc của Eximbank. Tháng 5/2019, ông Vinh được bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc Eximbank.

Sóng ngầm chưa dứt, quyền TGĐ tham vọng quay trở về vị thế vốn có của Eximbank - Ảnh 4.

Đại hội đồng cổ đông của Eximbank nhiều lần "đổ vỡ"

Liên quan đến hoạt động của HĐQT ngân hàng, Ban kiểm soát (BKS) của Eximbank đánh giá trong nhiệm kỳ qua đặc biệt là trong năm 2019, hoạt động của HĐQT thiếu nhịp nhàng, các thành viên HĐQT còn nhiều ý kiến trái chiều gây tranh cãi.

"Các cuộc họp thường xuyên kéo dài mà không đưa ra được quyết định cuối cùng, dẫn đến việc chậm ra quyết định đối với các vấn đề hệ trọng của ngân hàng, điển hình là vấn đề bổ nhiệm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật, tổ chức đại hội cổ đông, yêu cầu của Cơ quan Thanh tra Giám sát,... đã dẫn đến Eximbank bị xử phạt hành chính về vấn đề này và gây ảnh hưởng đến hình ảnh của Eximbank.

Và kịch bản này lại tiếp tục được lặp lại khi ĐHĐCĐ thường niên và bất thường vừa diễn ra vào ngày 30/6 vừa qua của Eximbank lại "đổ vỡ". Nguyên nhân là do số cổ đông tham dự quá thấp.

Nên nhớ các ĐHĐCĐ không chỉ liên quan đến vấn đề nhân sự, mà còn vạch ra đường hướng, kế hoạch kinh doanh, phát triển. Cuộc chiến nội bộ, những toan tính của các nhóm cổ đông lớn có thể kéo lùi sự phát triển của Eximbank. 

Huyền Anh
Cùng chuyên mục