Họp cổ đông bất thường có dẹp yên cuộc chiến quyền lực tại Eximbank?

Huyền Anh Thứ hai, ngày 22/06/2020 16:29 PM (GMT+7)
Nhiều năm sau khi ông Lê Hùng Dũng rời Eximbank, ngân hàng này vẫn ở trong tình trạng kinh doanh trồi sụt và chìm trong mâu thuẫn nội bộ. Câu hỏi đặt ra, cuộc họp cổ đông bất thường diễn ra vào 30/6 tới đây, Eximbank có dẹp yên cuộc chiến quyền lực đã tồn tại nhiều năm nay hay lại ‘ngổn ngang’ hơn nữa?
Bình luận 0

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) bất ngờ phát đi thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường 2019 vào chiều ngày 30/6 tới đây, ngay sau khi tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 vào sáng cùng ngày.

ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 của Eximbank được triệu tập theo yêu cầu của cổ đông nước ngoài SMBC (Sumitomo Mitsui Banking Corporation) nắm 15% vốn tại Eximbank và và nhóm cổ đông Ngô Thị Thúy (nắm giữ 10,36% cổ phần phổ thông của Eximbank (vào thời điểm tháng 9/2019).

Cuộc chiến quyền lực tại Eximbank

Trước đó, cổ đông lớn SMBC đã có nhiều văn bản yêu cầu triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường nhằm mong muốn HĐQT Eximbank sắp xếp thực hiện việc trình bày các vấn đề đã được nhận định và kiến nghị khắc phục đó một cách đầy đủ và chính xác cho các cổ đông để cổ đông biết và đóng góp ý kiến.

Đồng thời, SMBC cũng gửi đề nghị giảm số lượng thành viên HĐQT từ 11 người xuống còn 7 người và ông Yasuhiro cũng sẽ từ chức khỏi các vị trí thành viên HĐQT của Eximbank cùng tất cả các vị trí thuộc các ủy ban HĐQT.

Cụ thể, theo SMBC, HĐQT của Eximbank hiện có 10 thành viên gồm cả ông Yasuhiro Saitoh. Với cơ cấu như vậy thực tế cho thấy liên tục có mâu thuẫn nội bộ giữa các thành viên HĐQT. Các thành viên không thể hợp tác tốt với nhau vì hoạt động kinh doanh của Eximbank.

Do đó, SMBC yêu cầu cần để các cổ đông xem xét lại liệu cơ cấu HĐQT hiện tại của ngân hàng có tạo ra được kết quả kinh doanh đáp ứng được kỳ vọng hay không, còn thích hợp hay không hay việc cắt giảm xuống 7 thành viên sẽ mang lại lợi ích tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động.

Theo SMBC, nếu các cổ đông đồng ý việc cắt giảm quy mô HĐQT là cần thiết có thể xem xét các phương án như bỏ phiếu tín nhiệm.Văn bản của SMBC nêu rõ với vai trò là cổ đông sở hữu trên 10% vốn cổ phần của ngân hàng, SMBC hoàn toàn có quyền được triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường.

Trong năm 2019, SMBC cho biết đã nộp kiến nghị 3 lần họp đại hội đồng cổ đông thường niên tương ứng là ngày 26/4, 26/5 và 21/6.

"Chúng tôi kiến nghị cùng những vấn đề nhưng chúng tôi phải nộp nhiều lần vì ĐHĐCĐ thường niên bị hoãn và được triệu tập lại nhiều lần và kiến nghị của chúng tôi chưa từng được giải quyết hợp lệ theo pháp luật của Việt Nam và điều lệ của EIB", SMBC cho biết.

Một nhóm cổ đông khác nắm giữ 10,36% vốn cũng có văn bản kiến nghị tổ chức đại hội bất thường để có những định hướng, quyết định phù hợp và đúng đắn. Nhóm cổ đông này cũng cho rằng thời gian qua, các cổ đông của Eximbank không có chung quan điểm, không đồng lòng, thống nhất và chính những mâu thuẫn, xung đột đang tồn tại giữa các cổ đông khiến các cuộc họp không được tổ chức thành công.

Họp cổ đông bất thường có dẹp yên cuộc chiến quyền lực tại Eximbank? - Ảnh 2.

Vấn đề về nhân sự cấp cao luôn là điểm nóng tại Eximbank trong nhiều năm qua. (Ảnh minh họa)

Cũng phải nói thêm rằng, không phải đến thời điểm hiện tại những mâu thuẫn trong nội bộ của Eximbank mới xuất hiện. Cuộc chiến quyền lực giữa các nhóm cổ đông của Eximbank bắt đầu từ năm 2015, khi thị trường xuất hiện tin đồn Eximbank sẽ sáp nhập với Ngân hàng Nam Á (NamABank). Tại đại hội đồng cổ đông ĐHĐCĐ năm 2015, NamABank cũng đã cử người tham gia ứng cử vào thành viên HĐQT của Eximbank.

Cũng kể từ ĐHCĐ 2015 của Eximbank khi mà cựu chủ tịch HĐQT Lê Hùng Dũng rút lui, vấn đề nhân sự cấp cao ở Eximbank luôn nóng bỏng. Các nhóm cổ đông không tìm được sự đồng thuận trong vấn đề lựa chọn thêm người vào quản trị.

Tại các ĐHCĐ trước đó, rất nhiều nhân sự ứng cử bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 nhưng đã không thành công.

Câu chuyên tranh giành ghế vào HĐQT Eximbank thực sự lan rộng sau khi ĐHCĐ năm 2016 bất thành cũng bởi những xung đột lợi ích giữa các nhóm cổ đông.

Tình hình dịu đi khá bất ngờ trong ĐHCĐ thường niên năm 2017 khi đa số các tờ trình được thông qua. Sang đại hội năm 2018, "người cũ" của NamABank là bà Lương Thị Cẩm Tú là người duy nhất trong danh sách bổ sung được NHNN chấp thuận tham gia HĐQT Eximbank một cách khá "êm xuôi".

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, bộ máy lãnh đạo của Eximbank giảm 8 phó TGĐ. Ban điều hành chỉ còn 7 người thay vì 15 thành viên như trước đây. Tổng cộng 4 cá nhân đã rời vị trí lãnh đạo Eximbank gồm: ông Nguyễn Quốc Hương, ông Lê Hải Lâm, ông Nguyễn Quang Triết và bà Bùi Đỗ Bích Vân.

Đến năm 2019, ghế Chủ tịch của Eximbank liên tục đổi chủ chỉ trong 1 khoảng thời gian ngắn. Trước những "lùm xùm" trong việc bầu tân Chủ tịch HĐQT tại Eximbank từ việc bãi miễn chức vụ HĐQT của ông Lê Minh Quốc và bổ nhiệm người thay thế là bà Lương Thị Cẩm Tú, ĐHĐCĐ năm 2019 của Eximbank bất thành

Sau đó, HĐQT Eximbank lại ban hành nghị quyết bầu ông Cao Xuân Ninh, thành viên HĐQT, giữ chức vụ chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 - 2020).

Đây là minh chứng cho thấy, vấn đề về nhân sự cấp cao luôn là điểm nóng tại Eximbank trong nhiều năm qua.

Tại tài liệu ĐHĐCĐ của Eximbank vừa công bố, Ban kiểm soát (BKS) của Eximbank cũng phải thừa nhận, trong nhiệm kỳ qua đặc biệt là trong năm 2019, hoạt động của HĐQT thiếu nhịp nhàng, các thành viên HĐQT còn nhiều ý kiến trái chiều gây tranh cãi.

"Các cuộc họp thường xuyên kéo dài mà không đưa ra được quyết định cuối cùng, dẫn đến việc chậm ra quyết định đối với các vấn đề hệ trọng của ngân hàng, điển hình là vấn đề bổ nhiệm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật, tổ chức đại hội cổ đông, yêu cầu của Cơ quan Thanh tra Giám sát,... đã dẫn đến Eximbank bị xử phạt hành chính về vấn đề này và gây ảnh hưởng đến hình ảnh của Eximbank.

Câu hỏi đặt ra, ĐHĐCĐ bất thường lần này, Eximbank có dẹp yên cuộc chiến quyền lực đã tồn tại nhiều năm nay hay lại ‘ngổn ngang’ hơn nữa?

Kết quả kinh doanh trồi sụt

Từng là gương mặt thường trực trong "câu lạc bộ nghìn tỷ lợi nhuận" của hệ thống ngân hàng và đạt đỉnh 3.039 tỷ vào năm 2011, sau hai năm, Eximbank "rớt đài" tụt xuống 828 tỷ đồng trong năm 2013, rồi xuống 69 tỷ đồng trong năm 2014. Đến năm 2015, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm này là âm 817 tỷ đồng.

Cũng kể từ khi cựu chủ tịch Eximbank là ông Lê Đình Dũng rút lui vào năm 2015, những mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông đã khiến Eximbank tiếp tục "vùng vẫy" trong khó khăn, lợi nhuận trồi sụt. Trong khi đó, liên tiếp xảy ra các vụ mất tiền trăm tỷ trong tài khoản của khách hàng do chính nhân viên chiếm đoạt.

Cụ thể, sau khi giảm từ mức lợi nhuận trên 3.000 tỷ năm 2011 xuống chỉ còn gần 40 tỷ năm 2015, lợi nhuận ròng của ngân hàng cải thiện lên con số 309 tỷ đồng năm 2016 và 823 tỷ năm 2017. Tuy nhiên, năm 2018 lợi nhuận ròng của ngân hàng lại lùi về con số 660 tỷ đồng.

Đến năm 2019, lợi nhuận của Eximbank đạt 866 tỷ đồng. Nếu so với con số đạt được trong năm 2011 thì mức lợi nhuận này mới chỉ bằng 30%, một con số vô cùng khiêm tốn.

Eximbank dự kiến trình kế hoạch kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận trước thuế và trước trích lập dự phòng tất toán trái phiếu VAMC là 1.918 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 1.318 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem