dd/mm/yyyy

Tìm cách tăng thu nhập cho người trồng mía

Miền núi phía Bắc được xác định là vùng có lợi thế trung bình trong việc phát triển vùng nguyên liệu mía, nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông hộ. Tuy nhiên, hiện nay do giá mía giảm, năng suất mía còn thấp, thu nhập ngày càng giảm nên người dân ở nhiều địa phương đã bỏ mía để trồng cam, bưởi. Trong khi đó, nếu thâm canh tốt, trồng mía vẫn mang lại lợi nhuận cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác.

Tìm cách giữ nông dân lại với cây mía, giúp người trồng mía tăng thu nhập là những vấn đề được đặt ra tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề “Giải pháp phát triển cây mía bền vững ở các tỉnh miền núi phía Bắc” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang tổ chức mới đây.

Cán bộ khuyến nông và người dân thăm vườn mía áp dụng các giải pháp thâm canh tăng năng suất  ở thôn Chầm Bùng, xã Đức Ninh.
Cán bộ khuyến nông và người dân thăm vườn mía áp dụng các giải pháp thâm canh tăng năng suất ở thôn Chầm Bùng, xã Đức Ninh.

Loại bỏ ngay giống sâu bệnh

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Công Hàm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tuyên Quang cho biết: Hiện nay, vùng nguyên liệu của tỉnh có khoảng 16 giống mía, chủ yếu là ROC10, ROC22, Việt đường 00236, Quế đường 42, My 5514. Tuy nhiên, việc bố trí cơ cấu giống chưa hợp lý, tỷ lệ mía chín sớm còn nhiều, chiếm 87%. Về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các vùng mía tại địa phương đã thực hiện trong khâu giống, cải tiến phương thức làm đất, bón phân, thời vụ thu hoạch, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm..., triển khai các mô hình thâm canh năng suất đạt trên 100 tấn/ha nhưng diện tích áp dụng còn ít.

Về giống mía, TS. Lê Quang Tuyền, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường cho biết, hiện nay có một số giống có triển vọng, năng suất hàm lượng đường cao, chống chịu được sâu bệnh phù hợp với tỉnh Tuyên Quang cũng như vùng miền núi phía Bắc như KK3, LK92-11, K95-84, K95-156, Uthong 12, K88-92,... Để cây mía phát triển thuận lợi, bà con cần tuân thủ quy trình sản xuất như: Không sử dụng giống nhiễm bệnh, hom giống tận dụng từ ngọn mía vụ 3, 4; đầu tư phân bón đủ định mức; làm đất tơi xốp; phòng trừ sâu bệnh kịp thời…

Tổng kết diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi nhấn mạnh, để phát triển cây mía bền vững ở vùng miền núi phía Bắc, cần áp dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật mới, đặc biệt là giống mới, chú ý sản xuất rải vụ trong vùng nguyên liệu. Tăng cường đưa cơ giới hóa, đặt biệt là khâu tưới nước trong vùng có nguồn nước. Phòng trừ sâu bệnh theo dự báo. Tăng cường năng lực sản xuất cho người nông dân thông qua tập huấn, thông tin tuyên truyền...

“Cần loại bỏ ngay giống bị sâu bệnh, thay vào đó là các giống sạch bệnh, năng suất cao, đồng thời chính quyền các địa phương, doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ, hướng dẫn nông dân liên kết trong công tác tự nhân giống để có giống mía tốt, giảm chi phí đầu tư” – ông Tuyền nói.

Ông Lê Văn Khánh, hộ trồng mía ở xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên chia sẻ: Thu nhập của người trồng mía hiện nay chưa được như mong muốn do thiếu giống mía mới chất lượng cao, diện tích trồng manh mún, chưa áp dụng được cơ giới hóa nên giá thuê nhân công làm đất, trồng và thu hoạch mía ngày càng tăng, dẫn đến tăng giá thành sản xuất. Sâu bệnh hại mía cũng có xu hướng gia tăng và diễn biến khó lường như bệnh than, rệp bông trắng, sâu đục thân, bọ trĩ, bọ hung..., khiến người trồng mía phải sử dụng nhiều biện pháp hóa học, làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến năng suất mía.

Tích cực thâm canh

Theo Trạm Khuyến nông huyện Hàm Yên, toàn huyện có 732 ha mía, nhưng năng suất bình quân trước đây chỉ đạt trên 58 tấn/ha. Xuất phát từ thực trạng này, Trạm Khuyến nông huyện đã xây dựng mô hình thâm canh chăm sóc sớm để đạt năng suất cao, thực hiện tại 9 xã Bạch Xa, Minh Khương, Yên Phú, Nhân Mục, Thái Sơn, Thái Hòa, Đức Ninh, Bình Xa, Minh Hương, trên diện tích 6 ha. Các giống mía áp dụng là ROC10, ROC22. Trong đó, thay đổi lớn nhất trong chăm sóc mía của các hộ tham gia mô hình là bón phân cân đối giữa đạm, lân, kali, bón phân đúng thời điểm, thực hiện chăm sóc đúng kỹ thuật...

Anh Lê Văn Khánh (bên phải), thôn Chầm Bùng, Đức Ninh được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc.
Anh Lê Văn Khánh (bên phải), thôn Chầm Bùng, Đức Ninh được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc.

Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, gia đình ông Lê Văn Khánh, thôn Chầm Bùng, xã Đức Ninh đã tuân thủ kỹ thuật “4 sớm” trong việc chăm sóc 2ha mía của gia đình, gồm: Bạt gốc sớm, cày xả gốc và lọng gốc sớm, dặm gốc sớm, bón phân sớm. Bên cạnh đó, ông Khánh cũng bón phân đầy đủ cho cây mía, chú ý phòng trừ sâu bệnh, nhờ vậy năng suất mía niên vụ vừa qua đạt 147 tấn/ha.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thắng, thôn 3, xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang) chăm sóc mía lưu gốc năm thứ 3.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thắng, thôn 3, xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang) chăm sóc mía lưu gốc năm thứ 3.

Còn nhà ông Bàn Văn Quý, thôn Ngòi Họp, xã Minh Khương cũng trồng mía từ nhiều năm, nhưng năng suất chưa bao giờ vượt quá 60 tấn/ha. Đầu năm 2017, khi được Trạm Khuyến nông huyện Hàm Yên chọn thực hiện mô hình thâm canh chăm sóc sớm mía lưu gốc, năng suất tăng lên đến 125 tấn/ha. Ông Quý bảo, mía được Công ty CP Mía đường Sơn Dương thu mua ổn định với giá 900 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông cũng để ra được hơn 80 triệu đồng.

Ông Hà Văn Hưng, Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Hàm Yên cho biết, sau gần 1 năm thực hiện mô hình thâm canh cây mía, trên cùng một điều kiện thổ nhưỡng nhưng biện pháp kỹ thuật tác động khác nhau đã giúp 6ha mía có mức độ nhiễm sâu đục thân, rệp nhẹ hơn; chiều cao cây mía hơn diện tích đối chứng từ 0,2 m/cây, to, nặng hơn; năng suất bình quân đạt 117,6 tấn/ha, tăng hơn 55,1 tấn/ha; sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi hộ lãi tăng hơn 30 triệu đồng/ha so với cách trồng mía truyền thống.

Bài, ảnh: Minh Huệ