Tin vịt: Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng 2 cờ bạc, tháng 3... bán nhà

05/03/2018 11:28 GMT+7

Ăn thịt chó đầu năm
Trong khi phần lớn người dân kiêng thịt chó đầu năm vì sợ “xui xẻo” thì vẫn có một ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội sẵn sàng chén thịt chó ngay từ những ngày đầu năm. Thậm chí, theo quan niệm của họ, ăn thịt chó đầu năm mới sẽ gặp “hên”, làm ăn trong năm sẽ “thuận buồm, xuôi gió”. Nhiều nhà sợ không mua được thịt chó tươi trong dịp đầu năm thì chuẩn bị sẵn cả thịt chó khô để ăn Tết. Một số cơ sở sản xuất trong làng còn đang đang nghiên cứu để sản xuất cả món thịt chó hộp, chả giò chó...

*

Giải pháp “đốt vàng mã”
Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do tục đốt vàng mã, đốt hương trong dịp đầu xuân, một phật tử đã đề nghị ban trị sự chùa Z đã cho đặt trước cửa chùa một màn hình cỡ lớn trên đó có hiển thị các lò hóa vàng ảo như trẻ em chơi game. Mọi người có thể chọn các loại vàng mã và đốt, thậm chí có thể đốt cả nhà cửa, xe cộ, quần áo, giầy dép, điện thoại... rồi có thể ngắm các tàn tro lành lặn đẹp đẽ bay lên đến tận thiên đình. Tất nhiên ai muốn hóa vàng ảo sẽ phải bỏ ra một số tiền thật để được cấp password tham dự, số lượng vàng mã đốt càng nhiều thì đơn giá càng rẻ.

*

Đổ rác lâu nhất thế giới
Một người đàn ông ở Kiến An, Hải Phòng đã xuất sắc khi giành kỉ lục đi đổ rác lâu nhất thế giới. Chuyện là anh chàng này được vợ sai đi đổ rác từ chiều 30 Tết mà gần hết tháng Giêng mới thấy anh chàng trở về, tất nhiên tay không quên cầm sọt rác. Qua nhiều cuộc điều tra, xét hỏi, đấu tranh khai thác bằng các biện pháp “nghiệp vụ” cần thiết anh chàng mới chịu thừa nhận: Khi đi đổ rác thì gặp vài bạn bè chiến hữu cùng cảnh, họ đã rủ rê nhau nhậu quắc cần câu quên cả Tết.

*

Trốn Tết, ở nhà chơi game
Tèo 12 tuổi, vốn là một đứa trẻ hiền lành ngoan ngoãn, bỗng dưng gần Tết cu cậu trở nên đổ đốn, nào là cắt đầu đinh, đeo khuyên mũi, khuyên tai, quần áo bụi bặm te tua, hình xăm dán đầy người, thi thoảng còn văng tục... Cả nhà ai cũng choáng với Tèo. Và Tèo tiết lộ với bạn bè rằng: “Tớ thực sự không thích như thế đâu, nhưng đó là cách duy nhất để bố mẹ không tha tớ đi mấy ngày Tết thăm hết người nọ đến người kia”.

*

Lý do thích uống rượu
Tết âm lịch là cơ hội vàng để người ta quảng cáo trên truyền hình, không ngoại lệ, hãng bia Snow đến từ Trung Hoa đại lục năm nay đưa ra một quảng cáo rất độc đáo: “Tại sao các anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy Hử của Thi Nại Am lại hay uống rượu đến thế? Người ta dốc cả vò rượu vào miệng một cách sảng khoái. Câu trả lời rất đơn giản: Bởi thời kỳ này người ta chưa có bia Snow!”

*

Hát đuổi khách
Còn Quán Karaoke “Hát Nữa Hát Mãi” đăng quảng cáo tuyển nhân viên cũng độc đáo không kém: Cần 3 nam nhân viên trong dịp Tết; Yêu cầu: Có chất giọng khỏe, tiếng hát có thể xuyên qua cả phòng cách âm, cỡ như ca sỹ Chai-en trong truyện tranh Đôrêmon của Nhật Bản; Công việc: Hát; Thời gian làm việc: Hát suốt tháng Giêng và tháng Hai. Thời điểm làm việc: Lúc quá khuya mà khách vẫn chưa chịu ra về

*

Siêu dẫn chứng
Nhằm hạn chế sự say xỉn do rượu bia suốt “tháng ăn chơi”, một đệ tử Lưu Linh đã hướng dẫn cho cộng đồng mạng một cách rất đơn giản: đó là chỉ cần ăn một trái táo trước khi uống. Để giải thích điều này, anh chàng trích dẫn lời một bài báo khoa học: “Người ta đã chứng minh được rằng ăn một quả táo sẽ làm cho cơ thể minh mẫn hơn. Trẻ em ăn táo thường xuyên có thể tăng cường trí lực. Từ xa xưa táo được người Trung Hoa mệnh danh là quả trí nhớ, còn người Việt Nam khi nói đến táo thì thường hay nói... tỉnh táo”.

*

Nếu Tết mập lên, hãy dùng cách này
Một nhóm các nhà khoa học VN ở Viện Nghiên Cứu Ẩm Thực vừa tìm ra một liệu giảm cân sau Tết. Cách phòng chống của liệu pháp này khác hẳn với quan niệm từ xưa tới nay. Trước đây người ta thường khuyên mọi người phải hạn chế ăn uống để chống béo, nhưng bây giờ thì mọi người có thể ăn uống cực kỳ thoải mái, có thể xơi bất kỳ thứ gì họ thích, kể cả thịt mỡ hay bánh kẹo ngọt, có điều họ chỉ cần nhớ một lưu ý nhỏ, đó là khi ăn cứ thoải mái nhét vào mồm nhưng tuyệt đối không được... nuốt.

*

Sau Tết có bầu
Khu phố X, sau tết bỗng dưng thấy có tới 80% các chị em trên địa bàn đồng loạt có bầu, nhiều người trong số họ có bầu đứa thứ ba. Rất lấy làm lạ, các cán bộ dân phố quyết định đi điều tra thì phát hiện ra nguyên nhân rất hài hước. Chả là khu phố này có một nhóm thanh niên thường xuyên nhậu Tết về khuya trong trạng thái say xỉn, đã thế lại còn la hét om sòm làm hầu hết các cặp vợ chồng gần đó không tài nào ngủ được. Tổ dân phố đã quyết định xử phạt nhóm thanh niên này tôi “Gây gia tăng... dân số!”

*

“Con nợ” lên đời thành “chúa Chổm”
Nhằm phục vụ những người có như cầu vay tiền để trả nợ ăn chơi Tết, Money Not Limit – một công ty chuyên cho vay lãi giá cắt cổ núp bóng dưới danh nghĩa tập đoàn cho thuê tài chính đã quảng cáo dịch vụ của mình như sau: Đến với chúng tôi, bạn có thể được vay đủ tiền để hoàn toàn rũ sạch nợ nần.

*

Quá bằng “lạy ông tôi ở bụi này”
Sau Tết nhiều người thường nhảy việc, nên không ngạc nhiên khi Công ty TNHH X cho đăng tin quảng cáo trên tivi để tuyển bảo vệ. Và thật bất ngờ, sau khi tin này lên tivi, đêm hôm đó công ty này đã bị trộm đột nhập lấy đi khá nhiều tài sản.
Công nhận là trộm cắp bây giờ chăm xem tivi quá thể.

*

Quà phải đi trúng đích
Tết, giám đốc một công ty nhà nước bị ngộ độc thực phẩm nằm viện, nghe nói rất nặng. Người ta vẫn thấy vô số nhân viên rộn rịp chuẩn bị quà. Những người còn lại đa số đều xúc động trước tình nghĩa của nhóm nhân viên kia. Nhưng kết quả hết sức bất ngờ, toàn bộ đống quà cáp kia đã nằm trong nhà... phó giám đốc thường trực.

*

Giảm cân là phải
Sáng đầu năm mới, một gái ế đang chuẩn bị đi lễ chùa, bỗng dưng nảy ra ý định cân thử và rồi tá hỏa khi thấy mình đã bị tăng gần 2 ký. Quá buồn rầu vì chưa tìm được gấu thì thân hình lại cứ phát tướng. Tuy nhiên một lát sau gái ế đã vui trở lại vì phát hiện ra phần cân nặng tăng lên là do cô vừa... trang điểm. Đúng là ế bao giờ cũng có lý do của nó.



Tác phẩm để đời
Nhằm Ngày Thơ Việt Nam vừa qua, một nhà thơ khai bút đầu xuân và ông muốn có một tác phẩm để đời, làm lu mờ mọi thứ trên đời. Nói là làm và ông quyết định viết một bài thơ tả cảnh... Nhật thực.

*

Tây ăn tết ta
Một du khách Tây lần đầu tới Việt Nam vào đúng dịp Tết, mấy hôm toàn phải chén giò, nem, bánh chưng... khách Tây có dấu hiệu ngán, khách sạn nơi vị khách này ở đã quyết định làm món “chống ngấy” là cơm trắng, canh cua, cà pháo để đãi khách. Vị du khách đã lần lượt thưởng thức món canh, cơm rồi đến món cà. Cuối bữa ăn anh ta phát biểu cảm tưởng: “Món súp thì ngon, rất lạ miệng. Món thứ hai ăn rất nhạt. Món tráng miệng thì quá mặn!”.

*

Thú cưng lạ chơi tết
Sau tết người ta thấy một giống chó cảnh rất lạ mắt đi dạo khắp khu phố cổ. Số là để đáp ứng nhu cầu độc và lạ của những người chó cảnh, dịp tết này những người kinh doanh thú cưng đã tung ra thị trường một loại chó cảnh chỉ vẫy đuôi lên xuống chứ không vẫy sang hai bên như thông thường. Được biết, giống chó này được người dân sống tại các khu phố cổ chật chội tìm mua rất nhiều vì cách vẫy đuôi của nó rất... tiết kiệm diện tích. Tất nhiên để tiết kiệm diện tích hơn người ta cũng có thể nuôi loại chó không đuôi giống Đức nhưng theo những người chơi, chó mà không có đuôi thì không được lịch sự cho lắm.

*

Sau Tết vẫn bận
Nữ nhân viên phần mềm công ty F nhận được điện thoại của mẹ giục về quê dự hội làng, cô trả lời: “Mẹ ơi công ty con bận bịu quá, con còn đang phải đánh vật với gói phần mềm khó nhằn đây này, mẹ chịu khó giúp con đi nhé!”. Mới nghe thì ai cũng thấy ái ngại cho cô gái, sau Tết mà công việc công ty vẫn lu bù. Trên thực tế, cô nữ nhân viên phần mềm kia đang bận... ăn bánh đúc ngoài chợ cùng các bạn đồng nghiệp. Quả là cô đang “đánh vật với phần mềm” thật!

*

Cả phường làm người tốt
Năm ngoái, nhân dịp xuân về phường Z phát động phong trào “Tháng Giêng cho người nghèo” bằng cách đi tận từng nhà quyên tiền. Tuy nhiên số tiền thu được rất khiêm tốn. Năm nay rút kinh nghiệm, chủ tịch phường cho mời đại đa số cư dân trong phường tập trung ở nhà thi đấu và nói: “Bây giờ, trước khi chúng tôi đi tới chỗ từng người để quyên tiền, tôi muốn yêu cầu một điều: Những người nào có tật xấu tham lam, ích kỷ hoặc trong quá khứ đã từng phạm các tội lỗi như ăn cắp, xúc phạm người nghèo... xin đừng quyên tiền. Tiền quyên được dùng vào mục đích từ thiện, vì vậy chúng tôi không muốn nhận tiền từ những người này!”.
Thùng quyên tiền được chuyển đi vòng quanh và đó là lần đầu tiên tất cả mọi người trong phường Z đều quyên góp.

*

Khi ngôn ngữ gây hiểu nhầm
Ra Tết người ta đi lễ chùa đông nườm nượp. Một anh người Bắc vô Nam ăn Tết và đi lễ ở một ngôi chùa nổi tiếng ở Tây Ninh. Vốn là một người gia giáo, làm gì cũng khuôn phép cẩn thận, thắp nhang cũng phải đúng cách, đang trong công đoạn chắp tay vái thì bỗng anh nghe tiếng một cô gái trẻ phía sau thốt lên: “Trời đất quỷ thần ơi, lần đầu tiên tui chứng kiến, đàn ông gì mà... dzái dài quá trời”! Mặt đỏ tưng bừng, anh chàng nói trên ngượng ngùng liếc xuống.

*

Có tiền ắt có cách
Đầu năm, một cô gái đi xem quẻ để dự định lấy chồng. Thầy bói phán: Năm nay con không nên cưới. Nếu con cưới năm này thì nó rất dở, không được chồng ưng ý, gia đình lục đục. Cô gái than rằng: “Năm nay con 28 tuổi tính cả tuổi mụ, thầy không cho cưới, sang năm 29 lại vướng kim lâu, kiêng! 30 mới được cưới con sợ hơi “giừ”, trai nó chê, thầy có cách nào... giúp con!?” Vừa nói cô vừa “đặt quẻ” 500 ngàn vào đĩa. Thầy bói hé nhìn và bấm đốt ngón tay một lúc rồi phán: “Ừ! Thôi con ạ! Thầy sẽ xin lên trên để con cưới quách năm nay cho nó xong đi. Nhịn thêm một năm nữa kể cũng lo. Đêm dài lắm mộng biết thế nào mà lần. Cho thầy xin thêm một tờ giống thế này nữa để thầy xin cho tiện nhé!”.

*

Trò chơi Xuân
Để nhớ lại không khí xa xưa, Xuân năm nay công Viên văn hóa Đầm Súng tổ chức lại các trò chơi dân gian như: Pháo đất, leo cột mỡ, đu xuân, cờ người, bịt mắt bắt vịt... Một điều rất thú vị mà phóng viên ghi nhận được ở các trò chơi giân dan này, đó là ở trò chơi leo cột mỡ do hãng dầu ăn N.T tài trợ, không có một ai giành được chiến thắng do thay vì bôi mỡ, ban tổ chức đã bôi dầu ăn nên cột quá trơn. Ở trò cờ người thì chốc chốc người ta lại chứng kiến “quân cờ” rút điện thoại ra í ới, nhắn tin lá lả. Còn ở trò Đu xuân, do hãng Võng xếp tài trợ, đu xuân được làm bằng kim loại và có ổ bi khiến chúng rất nhẹ và trơn tru, các đôi nam thanh nữ tú cứ leo lên là xoắn lấy nhau “đu” riết không buồn xuống, mặc cho bên dưới nuốt nước miếng ừng ực chờ đến lượt. Nữ sỹ Hồ Xuân Hương nếu còn sống thì chắc thơ của nàng sẽ miêu tả như sau:
Bốn ống quần bò ôm khin khít
Hai hàng chân ngọc “trịn” lồng chơi
Tay ôm, tay vít không sợ ngã
Mồm kêu chút chít “đã” quá thôi!
Thế mới biết, đúng là các trò chơi dân gian đã “bắt kịp” cuộc sống hiện đại.

*

Thế mới tươi
Siêu thị K là một siêu thị lớn chuyên cung cấp trứng gia cầm cho cả thành phố. Để chứng minh đây không phải là trứng ế dịp Tết, ngoài đăng ký kiểm dịch gia cầm, thậm chí họ còn phải ghi ngày quả trứng được đẻ trên vỏ bởi lâu nay chẳng ai để ý đến hạn sử dụng của quả trứng. Sau khi có quy định này người ta thấy trên vỏ của tất cả các quả trứng gia cầm trong siêu thị K này đều có ghi: “Đẻ hôm nay”, “Đẻ lúc sáng”, “Vừa đẻ xong”... Cũng may chưa có quả trứng nào ghi “Vừa từ viện Phụ Sản về”.

*

Người Italia rất thích Tết ta
Nhân dịp Tết Việt, du khách người Ý, Franco Anlusbuzi phát biểu cảm tưởng trong lần đầu tiên đặt chân tới VN: “Người Việt Nam rất có thiện cảm với nước Ý. Những gì tốt đẹp họ đều nhắc đến nước Ý, ví dụ ở VN thường có câu “Đẹp hết ý!” hoặc lời chúc đầu năm - Vạn sự như ý! - Theo tôi đây là những câu rất... Ý. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng chúng ta nên thống nhất viết hoa chữ “ý” ở cuối câu, ví dụ: “Vạn sự như Ý” hoặc tốt nhất là viết: “Vạn sự như Italy!”.”

*

Tranh Tết kiểu mới dùng quanh năm
Khi xã hội ngày càng phát triển thì văn hóa truyền thống cũng bị thay đổi ít nhiều. Ngay cả trong lĩnh vực hội họa cũng vậy. Trước đây tranh Tứ bình ngày xuân gồm bốn loại cây: Mai, Lan, Cúc, Trúc.
Nay tranh Tứ bình hiện đại được thay bằng bốn biểu tượng: Ngôi chùa, Cảnh biển, Trường học và hình ảnh Trai Gái ôm nhau. Ý nghĩa của của bộ tứ này là: Mùa Xuân đi chùa, Mùa Hạ đi biển, Mùa Thu đi khai giảng và Mùa Đông đi ăn cưới.

*

Cho chừa thói hái lộc bừa bãi
Một ngôi chùa năm ngoái đã bị người đi chơi Xuân hái lộc vặt sạch lá hoa, từ mẫu đơn, đỗ quyên, đến cả những cây hoa đại (bông sứ) cũng không thoát khỏi cảnh cành lìa khỏi gốc. Rút kinh nghiệm việc đó, năm nay một người gần đó tức quá đã cho thay bằng cây dừa, cây cau. Số cây hoa còn lại gần tầm tay với thì được treo biển gắn những cái tên như: Cây xúi quẩy, cây thất bại, cây mạt vận... Quả nhiên sang tận tháng Hai cây lá trong chùa vẫn còn nguyên.

*

Cạnh khóe bạn gái
Một anh chàng mỗi lần tới nhà bạn gái chơi cứ buột miệng khen: “Đến nhà em là anh có cảm giác lúc nào cũng như 3 ngày Tết”. Cô bạn gái thích phổng mũi vì cho rằng người yêu đã ngầm khen mình trang hoàng nhà cửa đẹp, không khí vui tươi mùa xuân tràn ngập căn nhà. Mãi về sau, khi 2 người đã nên vợ nên chồng cô gái mới biết được “thâm ý”, anh chàng đã “xỏ xiên” rằng nhà cô gái quá bẩn, bởi trong 3 ngày Tết người ta kiêng quét nhà.

*

Những nguồn gốc đồn đoán của “lì xì”
Lâu nay người ta thường cho rằng từ “lì xì” (với ý nghĩa tiền mừng tuổi) dùng trong năm mới có nguồn gốc nước ngoài. Tuy nhiên một nghiên cứu mới đây của nhóm các nhà xã hội học và văn hóa lại cho kết quả khác. Chuyện là thế này, ngày Tết các bậc cha mẹ thường hay cho tiền vào phong bao mầu đỏ để mừng tuổi cho trẻ con, phong bao để biếu các sếp cũng dùng chung loại này (tất nhiên “ruột” nhiều hơn).
Để tránh việc đưa nhầm nên bên ngoài phong bao biếu sếp có viết thêm 2 chữ “L.X” với ý nghĩa là “Lộc Xuân”. Về sau trẻ con phát hiện ra điều này (do người lớn xúi) thì khi nhận phong bao chúng đều đòi loại có 2 chữ “Lờ Xờ” nói trên, gọi riết thành quen và 2 chữ “lờ xờ” trên phong bao ngày Tết bị biến tướng thành “lì xì” ngày nay.
Bên cạnh đó cũng có giai thoại khác như sau: Ngày Tết tại một gia đình nọ, có vị khách giàu có, keo kiệt đến chơi nhà mà “lì” ra không chịu mừng tuổi, ông này bị “tập thể” những đứa trẻ đông đúc và... hồn nhiên nhà ấy réo đòi cho đến khi phải “xì” tiền ra mới thôi. Câu chuyện này được kể đi kể lại để nhắc nhở những anh chàng có thói keo kiệt và lâu dần vô hình trung hai chữ “lì xì” được hiểu là tiền mừng tuổi.

Cử Tạ