dd/mm/yyyy

Trồng rau trái vụ ở Sa Pa, nông dân ung dung bán bao nhiêu cũng hết, tiền thu đầy túi

Đây là mô hình giúp nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng gia tăng giá trị và phát triển nông nghiệp hàng hóa được Hội Nông dân thị xã Sa Pa hỗ trợ thực hiện.

Những ngày này, người dân phường Hàm Rồng đang tích cực thu hoạch rau trái vụ để chuẩn bị cho vụ mới.

Vườn cà chua trái vụ của gia đình ông Thào A Sinh (tổ 3, phường Hàm Rồng) cũng đang bước vào kỳ thu hoạch rộ, quả sai lúc lỉu. Trước đây, những chân ruộng này mỗi năm cấy đúng 1 vụ lúa, năm nay có doanh nghiệp hỗ trợ bao tiêu sản phẩm nên gia đình ông chuyển hẳn sang trồng rau trái vụ. 

Ông Sinh chia sẻ: "Cà chua trồng không quá vất vả, lúc nào chín thì hái bán cho doanh nghiệp đã đặt hàng từ trước. Rau bắp cải, cải ngọt cũng tương tự. Doanh nghiệp đặt mua nhiều thì hái bán một loạt, không phải vất vả bán lẻ từng mớ. Mảnh ruộng này trồng lúa thì mỗi năm được 1 vụ thôi, còn trồng rau thì 1 năm trồng được 3 vụ".

Trồng rau trái vụ ở Sa Pa, nông dân ung dung bán bao nhiêu cũng hết, tiền thu đầy túi - Ảnh 1.

Tương tự, gia đình anh Má A Cở (tổ 3, phường Hàm Rồng) cũng là một trong những hộ tiên phong sản xuất rau trái vụ. Gia đình anh Cở trồng nhiều loại rau trái vụ đan xen nhưng chủ yếu là bắp cải. Theo anh Cở, việc trồng rau trái vụ yêu cầu người trồng phải kiên trì, chịu khó, thường xuyên thăm vườn để kịp thời xử lý sâu bệnh. Tuy nhiên, rau trái vụ có thời gian canh tác ngắn và thị trường ưa chuộng nên giá bán cao gấp 3 - 4 lần so với rau chính vụ.

Gia đình tôi duy trì trồng 2 vụ/năm. Mỗi vụ bán 10 tấn rau, lợi nhuận trung bình mỗi năm đạt 130 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình tôi trồng xen canh actiso và hoa lan nên thu nhập cũng khá.

Anh Má A Cở, phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa.

Trồng rau trái vụ ở Sa Pa, nông dân ung dung bán bao nhiêu cũng hết, tiền thu đầy túi - Ảnh 2.

Mô hình liên kết với doanh nghiệp trồng rau trái vụ tại phường Hàm Rồng được triển khai từ đầu năm 2023. Mô hình được thực hiện bởi Hội Nông dân thị xã với mục tiêu giúp bà con khai thác lợi thế đất đai, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị thu nhập. Theo đó, Hội Nông dân thị xã đã vận động người dân chuyển đổi những chân ruộng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau như cải ngọt, bắp cải, cà chua và ớt chỉ thiên - những sản phẩm thường được canh tác trong vụ đông ở các địa phương vùng thấp. Tại Sa Pa, khí hậu mát mẻ quanh năm nên có thể sản xuất những loại rau này khi các địa phương khác chưa thể canh tác. Bởi thị trường khan hiếm do tính chất thời vụ nên các loại rau của Sa Pa dễ bán và có giá bán cao.Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ thành lập tổ nghề nghiệp và liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm.

Trồng rau trái vụ ở Sa Pa, nông dân ung dung bán bao nhiêu cũng hết, tiền thu đầy túi - Ảnh 3.

Theo thống kê của UBND phường Hàm Rồng, hiện có hơn 100 hộ dân tham gia sản xuất các loại rau trái vụ. Rau trái vụ được trồng tại các tổ dân phố số 1, 2, 3, 4, 5 với tổng diện tích gần 40 ha. Hiện nay, mỗi kilôgam cà chua, bắp cải trái vụ sản xuất theo đúng tiêu chuẩn được doanh nghiệp mua với giá từ 13.000 đồng trở lên, việc tiêu thụ thuận lợi.

Theo ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sa Pa thì mô hình tại phường Hàm Rồng đang khẳng định hiệu quả kinh tế cao. Trên cơ sở đó, Hội Nông dân sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, hình thành những vùng sản xuất rau trái vụ hàng hóa.

Dựa vào tiểu vùng khí hậu từng khu vực, Hội Nông dân thị xã Sa Pa đã khuyến cáo và định hướng cho nông dân lựa chọn cây trồng phù hợp. Cùng với đó, hội sẽ hỗ trợ bà con tiếp cận các kênh thị trường để tạo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững. Chúng tôi khuyến khích người dân tăng diện tích trồng rau trên đất ruộng 1 vụ theo đơn đặt hàng của các đơn vị bao tiêu sản phẩm.

Ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân Thị xã Sa Pa.

Mô hình trồng rau trái vụ, đồng thời có sự hỗ trợ kết nối thị trường sẽ giúp người dân khai thác lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng để chuyển đổi cây trồng hợp lý, nâng cao thu nhập. Cùng với đó, mô hình cũng đang khẳng định hiệu quả, giúp người dân Sa Pa từng bước tham gia vào Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa theo thế mạnh địa phương.

Theo báo Lào Cai