dd/mm/yyyy

Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Yên Châu

Vùng đất lâu đời của đồng bào dân tộc, với nhiều nét văn hóa, huyện Yên Châu (Sơn La) đã triển khai nhiều cách làm, mô hình hay để góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa các dân tộc.

Clip: Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Yên Châu

Vùng đất với nhiều nét văn hóa đặc sắc

Đồng bào các dân tộc ở Yên Châu vẫn còn lưu truyền, gìn giữ và tổ chức các lễ hội: Mừng cơm mới, xên bản, xên mường, mừng nhà mới, cầu mưa; các làn điệu dân ca, như: Ru con, hát đối đáp, hát cộng đồng, các điệu múa nắm tay xòe vòng mang đậm âm hưởng của núi rừng, phác họa sinh động đời sống sinh hoạt văn minh lúa nước; những nếp nhà sàn truyền thống; duy trì, phát huy làng nghề dệt thổ cẩm, nghề làm rượu cần, các món ăn truyền thống dân tộc Thái.

Tại xã Chiềng Pằn, (Yên Châu) Sơn Ls có nhiều nghệ nhân am hiểu văn hóa Thái đang nỗ lực lưu truyền, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình. Với ông ông Lường Văn Chựa (ở bản Ngùa, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), măc dù tuổi đã cao, thế nhưng ông vẫn luôn đam mê với văn hoá truyền thống của dân tộc Thái. Bởi theo ông Chựa, ông sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Yên Châu nên tiếng nói, tiếng trống chiêng, tiếng hát, tiếng khèn trong các lễ hội của bản mường dường như đã ngấm vào máu thịt của ông ngay từ nhỏ.

Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Yên Châu - Ảnh 2.

Nhóm bảo tồn văn hoá dân tộc Thái Yên Châu đã được thành lập với 11 thành viên. Ảnh: NVCC

Năm 2018, sau khi được sự nhất trí của UBND huyện Yên Châu, nhóm bảo tồn văn hoá dân tộc Thái Yên Châu đã được thành lập với 11 thành viên, ông Lường Văn Chựa được tín nhiệm bầu làm nhóm trưởng. Hiện nay, nhóm có tổng số 19 thành viên, ngoài dân tộc Thái, có thêm 6 người là dân tộc Khơ Mú đều là những người có niềm đam mê với văn hóa dân tộc.

Từ khi được thành lập đến nay, ông cùng nhóm đã mở được 7 lớp học chữ, khèn bè Thái và lớp truyền dạy tiếng Khơ Mú miễn phí, thu hút gần 150 học viên tham gia. Điều đáng trân trọng là nhiều học trò được ông Chựa và nhóm bảo tồn văn hóa truyền dạy đã lan tỏa tiếng nói, chữ viết, văn hóa dân tộc cho con cháu.

Ông Lường Văn Chựa luôn mong muốn những việc làm của mình sẽ góp sức lưu giữ và truyền đạt cho thế hệ trẻ hiểu và ngày càng yêu thích văn hóa truyền thống của dân tộc: "Tôi vẫn ưu tiên số một là phát triển dạy chữ, thứ hai là phát triển ca hát, múa, nhất là múa xoè. Nắm tay xoè vòng chỉ có dân tộc Thái mới có và mang tính cộng đồng rất cao. Hơn nữa, hiện nay người muốn dạy không phải không có, nhưng người học thì không dễ tí nào".

Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Yên Châu - Ảnh 3.

Yên Châu gìn giữ, bảo tồn tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán của dân tộc mình. Ảnh: NVCC

Khi mùa xuân đến, cây cối đâm chồi nảy lộc, cũng là lúc đồng bào dân tộc Thái ở Khá, xã Sạp Vạt, huyện Yên Châu chọn ngày lành, tháng tốt để tổ chức Lễ hội Đông Sửa. Đây là nghi lễ tín ngưỡng truyền thống có ý nghĩa cầu mong sức khỏe, một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Ông Quàng Văn Phanh, người có uy tín của bản Khá, xã Sặp Vạt, cho biết: Hằng năm, cứ vào tháng 2 âm lịch, chúng tôi lại tổ chức lễ hội tại khu rừng thiêng của bản, cầu xin trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng xanh tốt, cầu chúc cho tất cả bà con trong bản Khá đều khỏe mạnh, cuộc sống bình yên, no ấm, hạnh phúc. Lễ hội là dịp để dân bản tỏ lòng thành kính, biết ơn người khai sinh ra bản, cũng là dịp để bà con nghỉ ngơi vui xuân sau một năm lao động vất vả. Khác với mọi lần, năm nay, chúng tôi mời thêm khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm.

Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Yên Châu - Ảnh 4.

Lễ hội Đông Sửa của người người Thái ở bản Khá, xã Sạp Vạt (Yên Châu, Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Các lễ vật dâng cúng gồm lợn, gà, rượu, gạo nếp, trầu, cau, áo thiêng của chủ rừng. Ngoài ra, mỗi hộ trong bản còn mang đến 1 đôi vòng tay bạc, 1 cuộn vải trắng, vải khít để làm lễ cúng. Khi tiến hành nghi lễ, nhân dân trong bản sẽ tập trung quanh miếu thờ; chủ lễ (ông mo) làm các thủ tục gọi mời các vị thần linh, như: Thần sông, thần núi, thần thổ địa, thần cai quản ruộng nương, vùng miền, linh hồn người có công dựng bản mường về dự và tiếp nhận các lễ vật do nhân dân trong bản dâng lên, cầu xin các đấng thần linh ban cho dân bản sức khỏe và mùa màng tươi tốt.

Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Yên Châu - Ảnh 5.

Đan lát đến nay vẫn được bà con Lưu giữ, bởi cuộc sống của bà con gắn liền với nông nghiệp, chính vì vậy những sản phẩm đan lát là đồ dùng không thể thiếu trong mỗi gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Phát huy giá trị văn hóa các dân tộc

Ông Vì Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu (Sơn La) thông tin: Để bảo bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Thái trên địa bàn, huyện chỉ đạo các xã thành lập các CLB, mô hình lưu giữ bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Thái. Cùng với đó, quan tâm hỗ trợ, duy trì và phát huy hiệu quả hơn 180 đội văn nghệ tại các bản, là hạt nhân quan trọng để lưu giữ, bảo tồn và phát huy những  làn điệu bài dân ca, hát ru, hát giao duyên của đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn.

Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Yên Châu - Ảnh 6.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã phát triển sâu rộng trên địa bàn huyện Yên Châu, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Ảnh: Văn Ngọc

Bên cạnh đó, huyện cũng quy định triển khai việc mặc trang phục truyền thống dân tộc tại các trường học; khuyến khích công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số tại cơ quan, đơn vị mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, tết, ngày hội lớn của đất nước, của tỉnh, huyện... Điển hình tại Trường PTDT nội trú huyện, nhà trường quy định các em học sinh mặc trang phục dân tộc vào ngày thứ 2 hàng tuần và dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm.

Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Yên Châu - Ảnh 7.

Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Yên Châu - Ảnh 8.

Những mô hình, cách làm hay trong giữ gìn, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Yên Châu. Ảnh: Văn Ngọc

Hằng năm tổ chức nhiều ngày hội, như: Lễ mừng cơm mới; Tết của người Thái; Chúng em với nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc Thái. Hội Phụ nữ huyện chỉ đạo các cơ sở hội duy trì sinh hoạt của các câu lạc bộ văn hóa Thái, như: Hát Thái Chiềng Khoi; Văn hóa Thái Chiềng Đông; Văn hóa Thái Chiềng Sàng; Nét đẹp tằng cẩu Chiềng Hặc; Văn hóa Thái cổ Mường Vạt Chiềng Pằn; mô hình nét đẹp khăn piêu; duy trì và phát triển các mô hình dệt thổ cẩm ở Chiềng Đông, Chiềng Khoi, Chiềng Hặc… Với tình yêu, tinh thần trách nhiệm và những mô hình, cách làm hay trong giữ gìn, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc Yên Châu.

Văn Ngọc