Việc thị trường được nâng hạng có thể hút đến 7 tỷ USD vào chứng khoán Việt Nam

05/10/2023 06:47 GMT+7
Đối với năm 2024, biến số lớn nhất với thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là diễn biến vĩ mô toàn cầu, tuy nhiên khả năng thị trường được nâng hạng đang mang đến nhiều cơ hội.

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay có lẽ là "ngoài tầm tay"

Mới đây, Công ty Chứng khoán MBS tổ chức MBS Talk với nội dung phân tích tình hình kinh tế vĩ mô năm 2023 và năm 2024 cũng như ảnh hưởng lên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Việc thị trường được nâng hạng có thể hút đến 7 tỷ USD vào chứng khoán Việt Nam  - Ảnh 1.

Ông Phạm Thế Anh

Tại cuộc đối thoại, nhận định về triển vọng của nền kinh tế, PGS TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay có lẽ là "ngoài tầm tay". Ông Thế Anh cho rằng nên coi con số 6,5% đó như mục tiêu phấn đấu hơn là mục tiêu cần phải đạt được bởi để đạt được mục tiêu 6,5% thì tăng trưởng quý 4/2023 phải đạt 2 con số.

Trong bối cảnh quốc tế và trong nước như hiện nay, ông Thế Anh tin rằng mục tiêu đó không khả thi. Với điều kiện như hiện nay, ông Thế Anh nhấn mạnh Chính phủ đang điều phối các chính sách hướng đến tăng trưởng kinh tế.

Việc thị trường được nâng hạng có thể hút đến 7 tỷ USD vào chứng khoán Việt Nam  - Ảnh 2.

Theo phân tích của ông Thế Anh, trong tình hình như hiện nay, nếu nhìn vào tổng cầu, có thể thấy cả ba thành phần tổng cầu đều tăng rất chậm. Còn về tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng đang giảm dần qua các quý.

Ông Thế Anh nhấn mạnh kinh tế Việt Nam đã trải qua mấy năm COVID-19, năm ngoái lại trải qua cú sốc trên thị trường tài chính tiền tệ, thu nhập của người dân giảm, các nguồn tiền tiết kiệm cũng chịu ảnh hưởng suy giảm, kể cả vốn tư nhân lẫn vốn doanh nghiệp, chính vì vậy không kỳ vọng tiêu dùng tăng mạnh. Trong năm nay, tiêu dùng được hỗ trợ rất nhiều từ việc khách nước ngoài quay trở lại. Còn tiêu dùng trong nước chưa thực sự có sự khởi sắc trở lại, các tháng cuối năm, tăng trưởng của tiêu dùng sẽ vẫn chậm.

Đầu tư tư nhân và FDI chưa có sự đột phá trong năm 2023, khả năng "quay đầu" của chính sách tiền tệ trên thế giới lại càng gặp khó

Ông Thế Anh phân tích đầu tư trong năm 2023 này chủ yếu đến từ đầu tư công, đầu tư công đạt trên 50% kế hoạch, còn các thành phần đầu tư tư nhân cũng như đầu tư nước ngoài (FDI) chưa có sự đột phá. Gần đây, chính phủ đưa ra loạt động thái có thể mang đến thêm kỳ vọng và cũng có thể trong tương lai sẽ mang đến nhiều hiệu ứng tốt.

Việc thị trường được nâng hạng có thể hút đến 7 tỷ USD vào chứng khoán Việt Nam  - Ảnh 3.

Đầu tư tư nhân ở mức thấp bởi "sức khỏe" của doanh nghiệp yếu. Cùng lúc đó, ràng buộc tín dụng khá chặt chẽ và tâm lý doanh nghiệp còn bi quan, khi mà họ chưa nhìn thấy triển vọng tốt của kinh tế thế giới và trong nước thì nhu cầu tín dụng và đi vay sẽ chỉ ở mức thấp. Đầu tư công trong khi đó cũng không thể tăng mãi được, xuất khẩu đang khó khăn bởi kinh tế thế giới vẫn còn tiếp tục khó khăn trong bối cảnh lãi suất cao.

Gần đây, kinh tế thế giới còn đối mặt khó khăn khi giá nhiên liệu cao, đặc biệt những tháng cuối năm giá nhiên liệu khó có thể giảm. Cùng lúc đó, với những bất lợi về thời tiết, giá lương thực cũng tăng cao. Trong bối cảnh này, ông Thế Anh nhận định khả năng "quay đầu" của chính sách tiền tệ trên thế giới lại càng gặp khó, vì vậy trông chờ có yếu tố đột phá để kéo tăng trưởng kinh tế lên là khó khăn.

Chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy đầu tư công

Nhận định về năm 2024, ông Thế Anh tin rằng khó khăn sẽ chưa thể sớm được giải quyết. Một thách thức quan trọng với tăng trưởng GDP năm 2024 so với năm 2023 là chính sách tiền tệ khó có thể nới lỏng thêm nữa.

"Chính sách tiền tệ đang bộc lộ hạn chế. Hiện lãi suất huy động đã giảm rất sâu về như thời kỳ COVID-19. Vấn đề hiện nay là nhu cầu tín dụng yếu, nhu cầu này không hoàn toàn phụ thuộc vào lãi suất mà còn phụ thuộc vào đầu ra của doanh nghiệp", ông Thế Anh nói.

Khi doanh nghiệp chưa tiêu thụ được sản phẩm thì cũng chưa có nhu cầu vay vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Vì vậy, nhu cầu của các thị trường thế giới có phục hồi hay không sẽ là một yếu tố rất quan trọng.

Ngoài ra, lạm phát của Việt Nam đang có dấu hiệu quay trở lại, sau khi giảm nhanh trong các tháng đầu năm thì đến gần đây lạm phát tổng thể đã tăng trở lại, nếu tính lạm phát so với cùng kỳ năm đã lên tới 3,7%.

Ông Thế Anh phân tích đây là giới hạn mà chính sách tiền tệ đang gặp phải khi Việt Nam theo đuổi chính sách lãi suất thực dương nên khó thể giảm tiếp. Ngoài ra, sức ép tỷ giá là rất lớn khi lãi suất ở Việt Nam giảm mạnh mà môi trường lãi suất trên thế giới tiếp tục neo cao khiến cho lãi suất khó có thể hạ thêm trong vòng một năm tới.

"Khi nền kinh tế thế giới chưa hồi phục, chúng ta phải trông chờ nhiều hơn vào tài khoá mà trong đó chủ yếu là đầu tư công", Trưởng khoa Kinh tế học Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định

Khuyến nghị về chính sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm tới, ông Thế Anh cho rằng Chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy đầu tư công đồng thời chọn lọc một số thị trường để tập trung vào thì có thể kỳ vọng đây sẽ là động lực cho nền kinh tế.

Vị chuyên gia đồng thời dự báo tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm nay có thể đạt từ 70 đến 80% và đó có thể coi như kịch bản tốt nhất. 9 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân đầu tư công theo thống kê khoảng 57%. Đầu tư công sẽ giúp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 4/2023 cải thiện rõ rệt.

Việc thị trường được nâng hạng có thể hút đến 7 tỷ USD vào chứng khoán Việt Nam  - Ảnh 4.

Đối với lạm phát, ông Thế Anh dự báo lạm phát cho đến hiện tại khoảng 3,6%, nếu cà năm chỉ ở ngưỡng khoảng trên 4% thì hoàn toàn có thể hy vọng vào môi trường tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng còn nếu lạm phát vọt lên trên 5%, khi đó chính sách tiền tệ sẽ phải phản ứng để kiềm chế được lạm phát.

Ông Đỗ Hiệp Hòa, CFA – Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý quỹ MB Capital, cũng đã đưa ra quan điểm về dự báo chính sách tiền tệ. Ông Hòa cho rằng ưu tiên của chính phủ sẽ vẫn là duy trì môi trường lãi suất dễ chịu, nới lỏng chính sách, chính vì vậy vấn đề đảo chiều chính sách hiện chưa cần phải lo ngại. Ông Hòa đánh giá động thái hút ròng gần đây trên thị trường liên ngân hàng có thể coi như bước đi thận trọng và khéo léo của cơ quan điều hành nhằm rút dư thừa thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng

Theo phân tích của ông Hòa, thách thức lớn nhất đối với nhà đầu tư chứng khoán trong năm 2024 chính là biến số vĩ mô. Ba "đầu tầu" thương mại kinh tế lớn của Việt Nam bao gồm châu Âu đang khó khăn, Mỹ đang trong giai đoạn cuối của chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ, Trung Quốc đang "vật lộn" với thị trường bất động sản còn tồn tại quá nhiều vấn đề. Trong bối cảnh đó, diễn biến chính sách tiền tệ của Fed thực sự là yếu tố cần phải quan tâm. Lạm phát lõi hiện đang có những dấu hiệu ổn định mong manh.

Việc thị trường được nâng hạng có thể hút đến 7 tỷ USD vào chứng khoán Việt Nam  - Ảnh 5.

Ông Hòa khẳng định chừng nào chính sách tiền tệ của Mỹ và Việt Nam vẫn có những khoảng cách, chừng đó vẫn có thể nghĩ tới sự căng thẳng chính sách về tỷ giá.

Giám đốc đầu tư MB Capital tuy nhiên cho rằng nhà đầu tư tuy nhiên cần chú ý đến cơ hội của thị trường Việt Nam từ sự nâng hạng vào năm 2025. Câu chuyện nâng hạng thị trường đã được nói đến từ năm 2013, 2014 và lần này dường như khả năng được nâng hạng sẽ cao hơn. Hệ thống KRX và cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) là một trong các điều kiện để đáp ứng yêu cầu nâng hạng thị trường, ngoài ra là vấn đề sở hữu nước ngoài.

Ông Hòa khẳng định Việt Nam có thể học theo Thái Lan trong vấn đề tăng sở hữu nước ngoài bằng cách phát hành chứng chỉ không có quyền biểu quyết, vấn đề này có thể giải quyết được nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước (SBV), Bộ Kế hoạch Đầu tư (MPI) và Bộ Tài chính (MOF).

Cũng theo giám đốc đầu tư MB Capital, tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy trong trường hợp được nâng hạng thị trường, có thể có dòng vốn ước tính lên đến 7 tỷ USD của các quỹ đầu tư vào thị trường. Con số này có thể nói khá hấp dẫn trong bối cảnh dòng vốn quốc tế có nhiều thách thức hiện nay.

Ngọc Diệp
Cùng chuyên mục