Vụ “cứu” rừng ngập mặn bị chết ở Quảng Nam: Cần bảo vệ môi trường để giảm bớt khả năng gây ô nhiễm đất

11/04/2024 10:40 GMT+7
Ngành nông nghiệp Quảng Nam yêu cầu thực hiện bảo vệ vệ sinh môi trường để giảm bớt khả năng gây ô nhiễm đất, nước làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây ngập mặn. Tổ chức rà soát đưa toàn bộ diện tích rừng ngập mặn vào quản lý bảo vệ rừng theo các chương trình, chính sách hiện hành.

Ngày 11/4, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam tiếp tục thông tin đến ETIME xung quanh rừng ngập mặn ở huyện Núi Thành bị chết.

Theo đó, ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã chủ trì cuộc họp với UBND huyện, Phòng NN&PTNT, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Núi Thành và đại diện lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm...,để thảo luận, đề xuất giải pháp phục hồi rừng ngập mặn trên địa bàn huyện Núi Thành.

Vụ “cứu” rừng ngập mặn bị chết ở Quảng Nam: Cần bảo vệ môi trường để giảm bớt khả năng gây ô nhiễm đất- Ảnh 1.

Để bảo vệ cây rừng ngập mặn khỏi bị chết, ngành nông nghiệp Quảng Nam yêu cầu thực hiện vệ sinh môi trường để giảm bớt khả năng gây ô nhiễm đất, nước làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây ngập mặn. Ảnh: T.H

Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin về tình hình rừng ngập mặn bị chết tại huyện Núi Thành; ý kiến của đại diện lãnh đạo UBND huyện và các phòng chuyên môn thuộc huyện Núi Thành về nguyên nhân rừng ngập mặn bị chết, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp phục hồi hệ thống rừng ngập mặn trên địa bàn huyện.

Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam kết luận, rừng phòng hộ ngập mặn ven biển có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển, ngăn chặn gió bão, hạn chế xói lở, cung cấp các lâm sản có giá trị; là môi trường sống, sinh sôi cho các loại động thực vật, đồng thời cũng là nơi để người dân ven biển hưởng lợi từ nguồn lợi thủy sản.

Qua rà soát, diện tích quy hoạch rừng phòng hộ ngập mặn trên địa bàn huyện Núi Thành là 61,24 ha; trong đó 37,5 ha có rừng và đất trống chưa có rừng là 23,74 ha. Thời gian qua, trên địa bàn đã có diện tích rừng ngập mặn bị chết; một số nơi rác thải theo thủy triều trôi vào làm ảnh hưởng đến cây rừng và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Vụ “cứu” rừng ngập mặn bị chết ở Quảng Nam: Cần bảo vệ môi trường để giảm bớt khả năng gây ô nhiễm đất- Ảnh 2.

Thời gian qua, rừng ngập mặn ở huyện Núi Thành bị chết chưa rõ nguyên nhân. Ảnh: T.H

"Để phục hồi diện tích rừng phòng hộ ngập mặn trên địa bàn huyện Núi Thành, Sở yêu cầu UBND huyện Núi Thành chỉ đạo các phòng, ban và đơn vị liên quan trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng bằng nhiều biện pháp, trong đó chú trọng hình thức trực quan (đóng bảng, phát tờ rơi,…).

Thực hiện bảo vệ vệ sinh môi trường (thu nhặt toàn bộ rác thải) để giảm bớt khả năng gây ô nhiễm đất, nước làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây ngập mặn. Tổ chức rà soát đưa toàn bộ diện tích rừng ngập mặn vào quản lý bảo vệ rừng theo các chương trình, chính sách hiện hành.

Đặc biệt, bố trí nguồn lực để trồng bổ sung đối với những lô rừng bị chết, hiện đang phục hồi nhưng có mật độ sống thấp, chưa đảm bảo tiêu chí thành rừng. Khảo sát, xây dựng vườn ươm cây giống tại khu vực rừng bị chết để cây giống thích nghi với điều kiện tự nhiên trước khi đưa vào trồng rừng...", ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam còn giao Chi cục Kiểm lâm tham mưu cho Sở đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng đề án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển (trên cát và ngập mặn).

Phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện Núi Thành xây dựng và đề xuất nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh nghiên cứu giải pháp phục hồi diện tích rừng ngập mặn bị chết trước đây tại huyện Núi Thành…

Trương Hồng
Cùng chuyên mục