dd/mm/yyyy

Vu lan của người xa quê hương

Những cơn mưa giăng mắc khắp mọi nẻo đường đón một mùa Vu lan nữa về, khiến cho lòng những người con xa quê bồi hồi và thổn thức nhiều hơn vì nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ quê hương.

Ngày Vu lan này, những người con tha hương như chúng tôi lại mong về với mẹ, với cha ở nơi quê nhà hơn bao giờ hết, để thấy ấm lòng, được báo hiếu trên ban thờ gia tiên, được vỗ về, được bình yên sau những tất bật bươn trải mưu sinh nơi xứ xa.

Thả hoa đăng trong Lễ Vu lan. (Ảnh DV)
Thả hoa đăng trong Lễ Vu lan. (Ảnh DV)

Người được cài lên ngực bông hồng đỏ thắm sẽ xúc động vì may mắn, hạnh phúc bởi song thân vẫn hiện diện trên đời. Người nhận bông hoa nhạt màu sẽ bồi hồi bật lên tiếng nấc nghẹn lòng vì mình thành người côi cút. 

Người mong được trở về mái nhà thân thuộc để được thảnh thơi ăn bát canh cua đồng mẹ nấu, nghe câu chuyện cũ của cha, được sum vầy bên gia đình lớn, gia đình nhỏ, cảm nhận sự đủ đầy và hạnh phúc giản đơn trong cuộc sống. Đâu đó có người chỉ mong được trở về cố hương để dâng lên nén tâm nhang tưởng nhớ đấng sinh thành. Nhưng nhịp đời tất bật với vòng xoay cơm áo và trăm mối lo toan ngổn ngang nên có người về thăm được và cũng có người lỗi hẹn với mẹ, với cố hương trong mùa vu lan.

Vu lan về là lúc những người con đi tha hương nhớ quê nhà, nhớ mẹ cha, nhớ tuổi thơ hơn lúc nào hết. Ảnh: Cấn Đình Loan
Vu lan về là lúc những người con đi tha hương nhớ quê nhà, nhớ mẹ cha, nhớ tuổi thơ trong ký ức thời cắt cỏ chăn trâu hơn lúc nào hết. Ảnh: Cấn Đình Loan

Những đứa con xa nhà, người đi về phố thị, người đi xa xứ đôi khi chỉ biết thở than tự ai ủn lòng "Con không về nổi mẹ ơi/ Quê hương gần lắm mà vời vợi xa", âu cũng bởi nhịp đời mưu sinh tất bật và cảnh ngộ, vội vã cuốn đi.

Mùa hiếu hạnh, những đứa con phương xa dẫu đi muôn nẻo đường trường nhưng lòng khôn nguôi hướng về mẹ về cha trong tâm khảm mỗi người. Người ăn chay lễ phật, gióng lên tiếng chuông chùa thanh tịnh cầu mong cha mẹ bình an, sức khỏe để sống đời cùng cháu con. Người vội vã gửi đồng quà tấm bánh trên chuyến xe cuối về quê mẹ, quê cha, rồi bần thần nhìn xe đi khuất nẻo mà lòng rưng rưng muốn trào nước mắt. Có người dành lại một khoảng thời gian sống chậm lại để sắp xếp những kỷ vật cũ của song thân đã đi về miền thiên cổ, tâm niệm sống tốt và bình an trên đời để người đi an lòng trong cõi thiên thu cũng là bày tỏ lòng hiếu lễ với đấng sinh thành đã đi xa.

Mùa Vu lan của đứa con mưu sinh chốn phồn hoa đô thị, của người xa quê không kịp trở về nhà, của người nơi xứ xa là bước chân rong ruổi trên nẻo đường nắng lửa, là giọt mồ hôi rơi mọi ngõ ngách của công trường, là sự chạnh lòng khi thấy mâm cơm đủ đầy bên bếp lửa nhà ai, là mong mỏi được quây quần bên gia đình, người thân... Để rồi mỗi người tự nhủ lòng rằng mưu sinh để lo cuộc sống đủ đầy, gia đình cùng ấm yên vuông tròn cũng là hiếu lễ với đấng sinh thành.

Vu lan đâu chỉ có một ngày, mùa hiếu hạnh đâu phải chỉ một mùa trong năm bởi con cái dẫu đi hết cuộc đời vẫn chưa thể báo đáp được công lao của cha mẹ. Nhưng vu lan về cho mỗi người dù là đứa con đi xa hay ở gần cần những khoảng thời gian lắng lòng nhìn lại chính mình, nhìn lại công ơn của đấng sinh thành để sống sao cho hiếu lễ với mẹ, với cha, với đời.

Mưa mùa ngâu mang nhiều tâm sự nhân thế, mưa nhắc sự chia ly của ông Ngâu, bà Ngâu, mưa của mùa Vu lan hiếu hạnh nhắc nhở mỗi người phải sống chậm lại, yêu thương và hiếu lễ với cha mẹ nhiều hơn.

Hạ Nguyên