dd/mm/yyyy

Vùng cao biên giới Mường Tè xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP

Là huyện vùng cao biên giới của Lai Châu, Mường Tè đang có nhiều nông sản đặc trưng để xây dựng và phát triển thành sản phẩm OCOP.

Huyện Mường Tè xây dựng nông sản đặc trưng thành sản phẩm OCOP

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay huyện Mường Tè đã có 8 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: Ớt trung đoàn, thảo quả, thịt trâu sấy, mật ong, chè dây, khoai sọ, cá trắm sấy, rượu Puislung. Đây là kết quả bước đầu quan trọng, có ý nghĩa trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025.

Vùng cao biên giới Mường Tè xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Sản phẩm Mật ong Mường Tè của HTX Bình An được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. (Ảnh: Phạm Hoài)

Là một trong những hộ kinh doanh vừa xây dựng thành công 2 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh là cá trắm sấy và khoai sọ. Thời gian qua, các sản phẩm của chị Phìn Thị Chiển, thị trấn Mường Tè, huyện Mường Tè (Lai Châu) làm ra nhất là cá trắm sấy và khoai sọ được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng. Để xây dựng thương hiệu cho 2 sản phẩm này, năm vừa qua, chị Chiển đã đăng ký tham gia đánh giá, phân loại sản phẩm cá trắm sấy và khoai sọ và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là những sản phẩm được sản xuất thủ công, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vùng cao biên giới Mường Tè xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Sản phẩm Cá trắm sấy của hộ kinh doanh Phìn Thị Chiển vừa được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. (Ảnh: Phạm Hoài)

Vùng cao biên giới Mường Tè xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Chị Phìn Thị Chiển đang giới thiệu sản phẩm cá trắm sấy cho du khách. (Ảnh: Phạm Hoài)

Trò chuyện với phóng viên báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử (PV), chị Chiển chia sẻ: Đối với sản phẩm khoai sọ, tôi thấy người dân trồng khoai sọ trên địa bàn huyện không có đầu ra, hơn nữa khoai sọ không để được lâu. Nhằm giúp người dân có đầu ra ổn định, không bị thiệt hại về thu nhập và xây dựng thương hiệu khoai sọ của địa phương, tôi quyết định xây dựng và phát triển sản phẩm khoai sọ thành sản phẩm OCOP.

"Quá trình phát triển 2 sản phẩm này tôi cũng gặp khó khăn là về trang thiết bị cũng như việc quảng bá sản phẩm. Thị trường tiêu thụ sản phẩm mới chỉ là hộ gia đình ở trong và ngoài tỉnh. Sắp tới, tôi dự định xây dựng và phát triển 3 sản phẩm OCOP là: thịt trâu sấy, thịt lợn sấy và lạp sườn" – chị Chiển cho hay.

Huyện Mường Tè quảng bá và phát triển các sản phẩm OCOP

Trao đổi với PV, ông Tống Văn Thi, Trưởng Phòng NN & PTNT huyện Mường Tè (Lai Châu) cho biết: Việc xây dựng các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện đã trở thành động lực thi đua phát triển sản xuất, liên kết tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho các chủ thể và người lao động. Hiện tại, trên địa bàn huyện Mường Tè đã có 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP là trung tâm thị trấn Mường Tè và xã Thu Lũm, qua đó, đã từng bước xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Vùng cao biên giới Mường Tè xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 4.

Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP và các nông sản đặc trưng của huyện tại trung tâm thị trấn Mường Tè. (Ảnh: Phạm Hoài)

"Để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương, huyện đã phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm của mình trong các sự kiện, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh" - Trưởng Phòng NN & PTNT huyện Mường Tè cho hay.

Mục tiêu đến năm 2025, huyện Mường Tè phấn có 15 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, từ năm 2023-2025 có thêm 7 sản phẩm OCOP được công nhận.

Để xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP, thời gian tới huyện Mường Tè tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau trên phương tiện thông tin đại chúng từ huyện đến cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, giúp người dân nắm được cơ chế, chính sách của Nhà nước về việc phát triển sản phẩm OCOP.

Vùng cao biên giới Mường Tè xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 5.

Mục tiêu đến năm 2025, huyện Mường Tè phấn có 15 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, từ năm 2023-2025 có thêm 7 sản phẩm OCOP được công nhận. (Ảnh: Phạm Hoài)

Tập trung đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và người dân trong sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất, đến sơ chế, phân loại, bảo quản sau thu hoạch.

Phối hợp với các sở ngành liên quan và UBND các xã đẩy mạnh và tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh...


Thanh Ngân - Phạm Hoài