4 điểm lưu ý để tránh "rụng" điểm môn Địa

Lê Chinh (ghi) Thứ bảy, ngày 02/07/2016 21:51 PM (GMT+7)
Địa lý là một môn không quá khó khăn trong việc ghi nhớ kiến thức. Tuy nhiên, nếu không biết cách làm bài, thí sinh hoàn toàn có thể bị mất điểm vì những lỗi không đáng có.
Bình luận 0

Thầy giáo Nguyễn Văn Vinh, giáo viên môn Địa lý, trường PTTH FPT chia sẻ một số bí quyết để đạt điểm cao môn Địa lý.

1. Hiểu rõ cấu trúc đề thi

Nắm chắc cấu trúc đề thi phải có được ngay từ thời gian đầu ôn thi. Đây là việc làm quan trọng đầu tiên, là cơ sở để các em xác định chính xác các nội dung trong đề thi và phân phối thời gian ôn tập một cách hợp lí cho các nội dung đó.Ví dụ với phần Địa lý Tự nhiên, thí sinh không nên quá sa đà vào câu này bởi vì lượng kiến thức của phần này là rất lớn trong khi đó điểm số không cao. Do vậy, nếu nắm chắc cấu trúc đề, các bạn sẽ vừa nhẹ nhàng trong giai đoạn ôn luyện khi biết chắc chắn mình cần trọng tâm vào nội dung nào cũng như khi các bạn làm bài thi. Các bạn nên ưu tiên dành thời gian và tập trung hoàn thành câu hỏi với số điểm cao.

img

Ảnh minh họa. Đàm Duy

2. Xác định rõ yêu cầu đề bằng cách gạch chân những từ quan trọng nhằm xác định đúng trọng tâm.

Điều này sẽ giúp các thí sinh tránh được việc thiếu, quên ý trả lời, lạc đề hay nhầm lẫn giữa các dạng bài với nhau. Đừng quên lập dàn ý, ghi rõ những ý chính cần trả lời cho mỗi câu hỏi ra giấy nháp. Đây là một giải pháp quan trọng cho những ai hay quên ý khi trình bày. Khi giám khảo chấm bài của các bạn, họ sẽ chấm theo ý, đủ ý thì điểm tối đa, thiếu ý coi như “rụng” điểm. Hãy lập dàn ý trước khi viết bài, các bạn sẽ thấy hiệu quả tức thì của việc làm bài đủ ý, thay vì mải mê làm bài luôn, đôi khi “thăng hoa” quá cho một nội dung mà chúng ta quên mất nội dung còn lại cần phải trình bày.

3. Áp dụng cấu trúc làm bài 3 phần của câu hỏi tự luận. 

Để đạt được điểm tối đa cho câu hỏi tự luận, một bài tự luận cũng cần có 3 phần: Đặt vấn đề (mở bài), giải quyết vấn đề (thân bài) và kết thúc vấn đề (kết bài). Nhưng đừng quá coi trọng hóa phần mở và kết bài. Cái chính nhất nên tập trung vào phần thân bài.

Phần mở bài nên trình bày các ý: khái niệm (nếu có), hệ thống cơ cấu của một đối tượng địa lý hoặc ý nghĩa vai trò của đối tượng địa lý nào đó, nhất là những đối tượng về địa lý, kinh tế, xã hội. Thầy Vinh cũng đặc biệt nhấn mạnh những câu hỏi ngầm ý yêu cầu thí sinh phải trình bày một khái niệm nào đó.

Ví dụ câu hỏi đưa ra: “Hãy chứng minh cơ cấu ngành công nghiệp của nước ta đa dạng” thì thí sinh cần giải thích rõ khái niệm cơ cấu ngành công nghiệp là gì trước khi chứng minh sự đa dạng của nó. Hoặc những câu hỏi liên quan đến đô thị hóa, ngành công nghiệp trong điểm. Trước khi trình bày cụ thể những yêu cầu của đề liên quan đến nội dung đó, các bạn cần phải trình bày được thế nào là đô thị hóa, thế nào là ngành công nghiệp trong điểm... Nếu quên đi các nội dung này, các bạn coi như bị “rụng” điểm rồi. Để tránh rủi ro đáng tiếc này, hãy mặc định nó trong phần mở bài.

Phần giải quyết vấn đề (thân bài) chiếm vai trò quan trọng nhất. Các ý trong bài phải trình bày khoa học để giáo viên chấm bài hiểu rõ đâu là ý lớn và ý phụ. Không chỉ có vậy, để bài làm có tính thuyết phục cao, thí sinh cần đưa ra các dẫn chứng chính xác, tin cậy bằng cách sử dụng cuốn “sách giáo khoa thứ 2” được công khai mang vào phòng thi là Atlat Địa lý Việt Nam. Đây là tài liệu duy nhất được phép mang vào phòng thi, vì vậy các em nên tận dụng triệt để tài liệu này.

Nếu trong phần này, các bạn chỉ liệt kê ra được các ý chính, không phân tích và chứng minh được các luận điểm (ý chính) đó, các bạn chỉ đạt được 50% số điểm của câu hỏi thôi. Vì vậy, hãy tận dụng tối đa những kiến thức đã học, hiểu biết thực tế và Atlat Địa lí Việt Nam để hỗ trợ mình trong công đoạn này.

Phần kết bài của bộ môn Địa lý nên nói về những khía cạnh khác của vấn đề ngoài những vấn đề câu hỏi yêu cầu. Ví dụ, nếu đề bài là: “Phân tích thế mạnh về tự nhiên để phát triển ngành Thủy sản ở nước ta” thì phần kết bài, thí sinh nên bổ sung thêm vài ý ngắn gọn về sự khó khăn để phát triển ngành này hoặc một số giải pháp. Như vậy, bài làm sẽ thêm sâu sắc và có thể thêm được phần điểm thưởng.

4. Phân bố thời gian hợp lý, chú ý cách trình bày

Thứ nhất, các thí sinh nên căn cứ vào thang điểm của các phần mà phân chia thời gian. Theo thầy, các em nên dành khoảng 30 phút cho ý 1 và ý 2 của câu I , 15 – 20 phút cho câu 2, 60 phút cho câu 3 và thời gian còn lại cho câu cuối. Nếu linh hoạt hơn một chút, thí sinh có thể dành khoản 5 – 10 phút cuối để kiểm tra lại các ý, các số liệu và chú thích. Tốt nhất, mỗi em nên tự chuẩn bị một chiếc đồng hồ để tiện theo dõi thời gian phòng khi trong phòng thi không có đồng hồ sẵn.

Cũng giống như các môn Xã hội khác, các thí sinh nên hạn chế gạch xóa trong bài thi. Với phần vẽ biểu đồ, hãy đặc biệt lưu ý xem có phải xử lí số liệu trước hay không, sau đó vẽ biểu đồ cần phải vừa đảm bảo tính khoa học, chính xác vừa đảm bảo tính thẩm mĩ (sạch và đẹp).

Các em nhớ chuẩn bị đầy đủ dụng cụ như thước kẻ, compa, bút chì và không thể thiếu được là máy tính để phòng khi đề bài “ngầm” yêu cầu xử lí số liệu, và cũng tiện lợi cho chúng ta khi tính toán số liệu cho phần nhận xét phía sau.

Chúc các em đạt kết quả cao trong buổi thi ngày mai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem