ĐBSCL: Nghề nuôi chim tiền tỷ phát triển “nóng”, nhà mọc như nấm

Chúc Ly - Ngọc Quyên Thứ sáu, ngày 18/10/2019 06:45 AM (GMT+7)
Với giá trị kinh tế cao, nghề nuôi chim yến tại đồng bằng sông Cửu Long-ĐBSCL phát triển khá nhanh, đến nay đã có hàng ngàn nhà nuôi yến, đa số theo kiểu tự phát. 
Bình luận 0

Nhà nuôi yến mọc lên như nấm

Nuôi và khai thác chim yến là một nghề phát triển khá mạnh. Các sản phẩm yến sào không những có giá trị dinh dưỡng cao mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao với mức giá xuất khẩu chủ yếu từ 1.500-2.000 USD/1kg. Từ đó, đã góp phần không nhỏ cho thu nhập, phát triển kinh tế của các hộ dân, cũng như đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của các địa phương.

Thời gian gần đây nhiều địa phương ở tỉnh An Giang như TP.Long Xuyên, TP.Châu Đốc, các huyện Phú Tân, Châu Phú, Thoại Sơn…đang nở rộ phong trào nuôi chim yến trong nhà. Chỉ riêng tại trung tâm TP.Long Xuyên, theo ghi nhận của phóng viên có rất nhiều hộ nuôi chim yến ở các phường trung tâm như Mỹ Phước, Mỹ Thạnh, Mỹ Thới.

img

Một nhà nuôi yến ở phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên (An Giang). Ảnh: CTV.

Điều đáng nói là đa số người dân nuôi tự phát, không có định hướng, dẫn đến rủi ro cho người nuôi và ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và sức khỏe của dân cư.

Bà T.T.K.L (ngụ Mỹ Phước, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) bức xúc: “Đồ đạc của gia đình tôi luôn phơi ở trong nhà, không dám đem ra ngoài vì sợ phân chim yến rơi dính. Hơn nữa, chỗ nuôi yến gần trạm xá Mỹ Phước và trường học, tôi bước qua trạm xá khám bệnh mà nghe tiếng tiếng dẫn dụ chim yến đến nhức cả đầu”.

Theo số liệu thống kê từ Chi cục Thú y và chăn nuôi tỉnh An Giang, đến đầu năm 2019, tổng số nhà yến đã lên gần 600, tăng gấp đôi so với năm 2018. Đa số các hộ nuôi chim yến ở các địa phương mang tính tự phát bởi chủ trương của tỉnh chưa có quy hoạch vùng nuôi yến.

Còn tại tỉnh Kiên Giang, hiện có hơn 2.200 nhà nuôi chim yến. Trong đó, có hơn 1.000 nhà kiên cố, phần còn lại do người dân tự cải tạo bên trong nhà ở của mình để nuôi. Bạc Liêu là một trong những địa phương được xem là có hộ dẫn dụ, gây nuôi chim yến lớn tại ĐBSCL. Hiện tỉnh có gần 1.100 nhà nuôi yến với tổng đàn hơn 452.000 con (riêng TP.Bạc Liêu chiếm một nửa số lượng với 580 nhà).

img

Nhà nuôi yến ở TP.Bạc Liêu gây nhiều phiền toái cho dân cư xung quanh. Ảnh: CTV.

Ông Tăng Văn Quí (ngụ phường 2, TP.Bạc Liêu, Bac Liêu) thừa nhận: “Ngành nuôi yến có thuận lợi rất lớn là ở chỗ nó là “chim trời cá nước”, không cần mua con giống, thức ăn. Thay vì của thiên nhiên không ai khai thác thì việc dẫn dụ nuôi chim yến mang về tiền tỷ”. “Nếu chúng ta hướng đến quy hoạch tập trung khu nuôi yến thì có cái khó ở chỗ chim yến là động vật hoang dã, không có bầy đàn như gà, vịt, sẽ có sự tranh chấp giữa các hộ nuôi yến. Bên cạnh đó, sự canh tranh giữa các hộ về âm thanh để dẫn dụ chim yến cũng là vấn đề cần phải xem xét” - ông Quí nêu ý kiến.

Tại tỉnh Sóc Trăng, theo ngành chức năng, trước thời điểm tháng 6/2013 toàn tỉnh chỉ có 17 hộ dẫn vụ chim yến với tổng đàn ước tính khoảng 7.600 con, đến nay đã tăng lên hơn 480 hộ, với tổng đàn khoảng 80.500 con. 

Không có quy hoạch

Theo quan sát của phóng viên, các hộ nuôi chim yến ở An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng,…chủ yếu trên lầu cao, nằm trong khu dân cư, một số người tự ý cơi nới nhà để nuôi yến. Dẫn đến nhiều vấn đề bất cập, trong đó nổi bật là về vệ sinh môi trường, tiếng ồn. Theo tìm hiểu, hầu như không có cơ sở nào xin phép cho việc gây nuôi yến, mà chỉ dừng lại ở việc xin giấy phép xây dựng, cải tạo công trình nhà ở, rồi cải biến thành nhà nuôi chim. 

Theo số liệu tại hội thảo chuyên đề về quản lý nuôi chim yến được tổ chức ở tỉnh Bạc Liêu ngày 14/10, cả nước hiện có 42 tỉnh, thành phố hình thành và phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà với tổng số gần 9.000 nhà yến; nhiều nhất là tại vùng ĐBSCL.

Tại đây, nhiều chuyên gia, ngành chức năng thừa nhận nhà nuôi yến được người dân xây dựng theo kiểu tự phát, đến nay vẫn chưa có qui định hành lang pháp lý nào cho nghề này, từ qui cách xây dựng, đến vấn đề xử lí vệ sinh, tiếng ồn, quản lí dịch bệnh…và cả việc đánh giá về hiệu quả kinh tế của nghề.

Bên cạnh đó, việc mua, bán, thương mại sản phẩm tổ yến còn chưa có thị trường ổn định, nhiều khi bị ép giá; nhiều sản phẩm chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị chưa cao.

Trước mắt, việc chế tài rất khó thực hiện, còn về mặt xây dựng lại thuộc địa phương quản lý. Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Hiện nay nghề nuôi chim yến đang phát triển một cách tự phát, địa phương chưa có quy định cụ thể, do đó có thể dẫn tới rủi ro cho người dân và ảnh hưởng đến quy hoạch, phát triển đô thị. Chính vì vậy, cần định hướng phát triển ngành nghề nuôi chiim yến, trên cơ sở quy định vùng nuôi chim yến.

img

Việc phát triển ồ ạt các nhà nuôi yến ở ĐBSCL để lại nhiều hệ lụy khó lường. Ảnh: CTV.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, cho rằng: Để phát triển nghề nuôi chim yến cần có những giải pháp đồng bộ về quản lý, sự phối hợp và thống nhất để có thể phát triển bền vững nghề nuôi chim yến chim yến là động vật hoang dã được quản lý theo quy định.

Nói về sản lượng và chất lượng tổ yến, bà Lý Hứa Thị Lan Phương - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội yến xào Việt Nam, cho biết: Nhu cầu của thị trường rất lớn trong khi nguồn tổ yến của chúng ta không đáp ứng được, cả về số lượng và chất lượng. Hiện giá vẫn không giữ được ở mức cao mà lên xuống thất thường.

“Qua nghiên cứu chúng tôi thấy rằng, giá tổ yến thất thường là do sự tác động từ thị trường Trung Quốc, nếu thị trường này có sự biến động thì toàn bộ thị trường tổ yến thế giới bị ảnh hưởng. Ở Việt Nam còn có vấn nạn nhập lậu tổ yến, khiến giá tổ yến trong nước giảm sâu và khả năng tương lai vẫn sẽ còn. Chúng tôi kiến nghị ngành chức năng hạn chế được tình trạng này” - bà Phương cho hay.

“Chúng ta định dạng về con chim yến chưa rõ, từ đó dẫn đến không thể có quy định rõ ràng, cụ thể. Do đó, tỉnh sẽ lấy ý kiến của các nhà khoa học, các cơ sở nuôi chim yến, các đơn vị chế biến, phân phối sản phẩm từ yến và các ngành chức năng liên quan để tổng hợp làm cơ sở ban hành quy định tạm thời cho ngành, nghề nuôi chim yến tại địa phương” - ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành văn bản về việc “Tăng cường quản lý hoạt động nuôi chim yến tại các đô thị trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố phải lập danh sách các nhà yến đang tồn tại (kể cả đang xây dựng) trên địa bàn quản lý. Đồng thời, không để phát sinh nhà yến mới trên địa bàn. Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để phát sinh nhà yến mới yến địa bàn phường thị trấn mình quản lý.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đa ban hành văn bản về việc “Kiểm soát hoạt động nuôi chim yến tại các đô thị trên địa bàn tỉnh”.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam: “Cần có các văn bản hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng nhà nuôi yến đúng, có các tiêu chuẩn nuôi chim yến bảo đảm an toàn sinh học. Xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam về nhà yến và tổ yến. Đồng thời, quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính cụ thể đối với hành phát âm thanh dẫn dụ chim yến làm ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân xung quanh”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem