Bộ Tài chính muốn cắt vốn của dự án đầu tư công chưa giải ngân được đồng nào

29/09/2023 17:25 GMT+7
Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2023, và ước thực hiện trong tháng 9. Theo đó, tổng vốn ước đạt hơn 363.300 tỷ đồng, bằng gần 48% kế hoạch.

Hiện có 12 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên 50%. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng Phát triển (100%), Ngân hàng Nhà nước (69,65%), Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (68,06%), Đồng Tháp (79,36%), Long An (74,98%), Tiền Giang (77,84%).

Bộ Tài chính muốn cắt vốn của dự án đầu tư công chưa giải ngân được đồng nào - Ảnh 1.

Giải ngân đầu tư công vẫn rất chậm, hết tháng 9 ước giải ngân chỉ đạt gần 48% vốn đầu tư công được giao

29 bộ và 3 địa phương giải ngân được dưới 30% kế hoạch vốn. Trong đó, có 17 bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân dưới 10%. Đặc biệt, có tới 109 dự án tại 41 địa phương chưa giải ngân, có 57 địa phương còn nhiều dự án giải ngân dưới 10%.

Theo Bộ Tài chính, các nguyên nhân khiến giải ngân chậm gồm: chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; vướng mắc trong giao đất, chuyển đổi đất rừng mất nhiều thời gian.

Một số bộ ngành và địa phương có nhu cầu điều chỉnh vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển triển kinh tế với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nhưng chưa thực hiện được.

Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét phương án cắt giảm kế hoạch năm tương ứng kế hoạch đã bố trí cho các dự án đến hết 31/10 có tỷ lệ giải ngân bằng 0% và cắt giảm kế hoạch đến hết 31/10 chưa thực hiện phân bổ.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương đánh giá kiểm điểm trách nhiệm cụ thể trong việc phải cắt giảm kế hoạch, rút kinh nghiệm trong việc xây dựng kế hoạch 2024 đảm bảo sát với khả năng thực hiện.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng năm 2023.

Kết quả, đến thời điểm ngày 31/8, 17 bộ ngành cơ quan trung ương giải ngân được hơn 44,12% số vốn giải ngân được giao (hơn 43.000 tỷ đồng), tương ứng số giải ngân thực tế chỉ 18.972 tỷ đồng.

Như vậy, bình quân, mỗi bộ, cơ quan ngang bộ chỉ giải ngân được hơn 1.100 tỷ đồng. Nhiệm vụ còn lại của 4 tháng cuối năm là phải giải ngân hơn 24.000 tỷ đồng, tương đương mỗi bộ, ngành cần giải ngân hơn 1.400 tỷ đồng.

Bình quân mỗi tháng của 8 tháng đầu năm, mỗi bộ ngành chỉ giải ngân được hơn 137 tỷ đồng/tháng, trong khi đó, nhiệm vụ còn lại 4 tháng cuối năm, thách thức hơn rất nhiều, đòi hỏi mỗi bộ phải giải ngân hơn 350 tỷ đồng/tháng, gấp 2,5 lần số giải ngân thực tế đạt được của một bộ trong 8 tháng qua.

Trong số 17 bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác, có 4 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân cao hơn mức trung bình của cả nước, gồm Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (58,49%), Bộ Quốc phòng (50%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (48,2%) và Hội Nông dân Việt Nam (48,16%). Một số bộ, ngành còn lại có mức giải ngân dưới 10% hoặc chưa giải ngân.

Các bộ, cơ quan phản ánh, một số dự án chậm đều là các dự án mới, dự án mua sắm thiết bị chuyên dùng, dự án xây dựng trụ sở cơ quan của các bộ, ngành ở địa phương, các dự án công nghệ thông tin… phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục, nên đòi hỏi cần có thời gian.

An Linh
Cùng chuyên mục