Như chúng ta đã biết, Bình Trị Thiên là một tỉnh cũ thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam. Tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập vào năm 1975 trên cơ sở sáp nhập tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị với tỉnh Thừa Thiên. Đến năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên được chia tách thành ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế như ngày nay.
Nhưng thực tế, danh xưng Bình trị Thiên đã được sử dụng trước đó khá lâu, nó lần đầu được xuất hiện trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta.
Trên cơ sở tổ chức quản lý hành chính chung cho một số tỉnh, thành phố có vị trí địa lý tiếp giáp nhau để thuận lợi cho việc chỉ đạo, chỉ huy tác chiến và xây dựng lực lượng vũ trang trong thời kỳ đầu Kháng chiến chống Pháp, theo Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 15 tháng 10 năm 1945, toàn quốc được phân chia lại thành 9 chiến khu. Trong đó Khu 4 thuộc Bắc Trung Bộ gồm 5 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Ông Lê Thiết Hùng được bổ nhiệm làm Khu trưởng, ông Hồ Tùng Mậu làm Chính trị ủy viên. Sau Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt 1946, quân Pháp tiến vào miền Bắc. Ông Lê Thiết Hùng được điều về Trung ương giữ chức Tổng chỉ huy Tiếp phòng quân với hàm Thiếu tướng. Ông Chu Văn Tấn được điều về làm Khu trưởng.
Đến tháng 7 năm 1947, để tiện chỉ đạo và phát huy khả năng độc lập tác chiến của từng địa phương, địa bàn các chiến khu từ Quảng Ngãi trở ra được điều chỉnh lâm thời do dự kiến chiến trường có thể bị chia cắt, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên được tách ra để thành lập Phân khu Bình Trị Thiên. Khu 4 sáp nhập thêm và quản lý 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ông Nguyễn Sơn được bổ nhiệm làm Khu trưởng kiêm Chính ủy Khu 4.
Đến ngày 21 tháng 1 năm 1948, Khu 4 và Phân khu Bình Trị Thiên được sáp nhập trở lại với tên mới là Liên khu 4 gồm 12 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và tỉnh Hòa Bình. Thiếu tướng Nguyễn Sơn được bổ nhiệm làm Liên khu trưởng, ông Trần Văn Quang, nguyên Phân khu trưởng kiêm Chính ủy Phân khu Bình Trị Thiên làm Chính ủy.
Bình Trị Thiên là một mặt trận nổi tiếng gian khổ, ác liệt và ngoan cường trong kháng chiến chống thực dân Pháp. "Bình Trị Thiên khói lửa" đã là một danh xưng. "Dép Bình Trị Thiên", kiểu dép cao-su cắt từ lốp ô-tô hỏng, sáng tạo của Bộ đội Cụ Hồ, của những người kháng chiến ở Bình Trị Thiên hồi đó đã trở thành phổ biến trong cả hai cuộc trường chinh, góp phần làm nên sự thần kỳ của bước chân giải phóng. Trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ, mặt trận Bình Trị Thiên càng trở nên nóng bỏng vì là đầu cầu của hai miền, là nơi ta và địch tập trung lực lượng cao nhất và mở những chiến dịch lớn nhất.
Như vậy, cái tên Phân khu Bình Trị Thiên chỉ thực sự tồn tại chính thức trên các bản kế hoạch tác chiến của quân đội ta từ tháng 7 năm 1947 đến tháng 01 năm 1948, có nghĩa chỉ trong khoảng nửa năm, sau đó bị xóa bỏ, nhưng danh xưng "Bình Trị Thiên" thì tồn tại mãi như một tinh thần, một biểu tượng của sự ngoan cường, của gian khổ và ác liệt. Mặc dù Phân khu này chỉ tồn tại nửa năm, nhưng vào năm 1948, một bài hát bi tráng, bất hủ của nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương ra đời với cái tên đầy tính biểu tượng "Bình Trị Thiên khói lửa".
Hướng về Nam
Ai từng vô sông Hương từng nương thiên Mụ
Từng ngụ Ðập Ðá Văn Xá Truồi Nong …
… Ðồng bào ơi cùng Bình Trị Thiên đứng lên
Ðứng lên ta nguyện giết loài lang sói
Căm thù đây phải trút hết
Loài hung tàn phải quét hết
Ta tiến lên giữ lấy nương đồng …