Đất ở bao nhiêu năm thì được cấp Sổ đỏ?

29/05/2021 13:00 GMT+7
Để được cấp Sổ đỏ thì người dân phải đáp ứng đủ điều kiện theo đúng quy định pháp luật. Vậy, theo quy định của pháp luật đất đai đất ở bao nhiêu năm thì được cấp Sổ đỏ?

 Cấp Sổ đỏ có phụ thuộc vào thời gian sử dụng? 

Theo quy định của khoản 1 Điều 99 Luật Đất đai 2013, Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi tắt là Sổ đỏ) cho những trường hợp sau đây:

STT Những trường hợp cụ thể
1

Người đang sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại các Điều 100, 101 và 102 Luật Đất đai 2013, cụ thể:

- Điều 100: Điều kiện cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất.

- Điều 101: Cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.

- Điều 102: Cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức.

2 Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ sau ngày 1/7/2014.
3 Người được chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ.
4 Người được sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành đối với tranh chấp đất đai. Theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành.
5 Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
6 Người sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
7 Người mua nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất.
8 Người được Nhà nước thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; người mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
9 Người sử dụng đất tách thửa, hợp thửa; nhóm người sử dụng đất hoặc các thành viên hộ gia đình, hai vợ chồng, tổ chức sử dụng đất chia tách, hợp nhất quyền sử dụng đất hiện có.
10 Người sử dụng đất đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất.
11

Cấp Giấy chứng nhận đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước 1/7/2014.

Căn cứ Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Đất đai 2013 thì hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1/7/2014 có thể được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bao gồm những hành vi sau:

+ Lấn, chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng sau khi Nhà nước đã công bố, cắm mốc hành lang bảo vệ.

+ Lấn, chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè sau khi Nhà nước đã công bố chỉ giới xây dựng.

+ Lấn, chiếm đất sử dụng cho mục đích xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp, công trình công cộng khác.

+ Lấn, chiếm đất đã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất cho các nông trường, lâm trường quốc doanh, Ban quản lý rừng, trung tâm, trạm, trại, công ty nông nghiệp, lâm nghiệp.

+ Lấn, chiếm đất chưa sử dụng hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép theo quy định của pháp luật về đất đai mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất vi phạm được xem xét cấp Giấy chứng nhận hoặc được cấp Giấy chứng nhận (khả năng được cấp Giấy chứng nhận của từng trường hợp là khác nhau).

12

Cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đã được giao đất không đúng thẩm quyền.

Theo khoản 1 Điều 23 Nghị định 43/2014/NĐ-CP giao đất không đúng thẩm quyền gồm các trường hợp sau:

- Các trường hợp người đứng đầu điểm dân cư giao đất hoặc UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ.

- Tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng nhưng đã tự phân phối, bố trí cho cán bộ, công nhân viên, xã viên để sử dụng làm nhà ở và các mục đích khác.

13

Cấp Giấy chứng nhận với diện tích đất tăng thêm so với giấy tờ về quyền sử dụng đất.

Theo Điều 24a Nghị định 01/2017/NĐ-CP diện tích đất tăng thêm là phần diện tích tăng thêm so với giấy tờ về quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất.

Cá nhân đang sử dụng đất được cấp Sổ đỏ với diện tích đất tăng thêm khi có đủ điều kiện sau:

Điều kiện 1: Đo đạc lại mà diện tích thửa đất thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên Sổ đỏ đã cấp hoặc giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật đất đai, Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Điều kiện 2: Ranh giới thửa đất thực tế có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có Sổ đỏ hoặc giấy tờ về quyền sử dụng đất.

14 Cấp Giấy chứng nhận cho đất có nhiều mục đích sử dụng đất khác nhau.
15 Cấp Giấy chứng nhận với thửa đất đã chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa sang tên.

Trong các trường hợp trên đây thì người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận, trong đó trường hợp hộ gia đình, cá nhân có giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc không có giấy tờ là trường hợp phổ biến nhất.

Thời gian sử dụng đất không quyết định việc có được cấp Sổ đỏ cho đất thổ cư hay không.

Xác định thời điểm sử dụng đất thế nào?

Theo Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP sử dụng đất ổn định là việc sử dụng đất liên tục vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cấp Giấy chứng nhận hoặc đến thời điểm quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa cấp Giấy chứng nhận.

Thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định:

Trường hợp 1, có giấy tờ mà có ghi thời gian

Thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định căn cứ vào thời gian và nội dung có liên quan đến mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau:

- Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất

- Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc xây dựng công trình gắn liền với đất

- Quyết định hoặc bản án của Tòa án đã có hiệu lực thi hành, quyết định thi hành bản án của cơ quan Thi hành án đã được thi hành về tài sản gắn liền với đất

- Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực thi hành; biên bản hòa giải tranh chấp đất đai có chữ ký của các bên và xác nhận của đại diện UBND cấp xã nơi có đất

- Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có liên quan đến việc sử dụng đất

- Giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn tại nhà ở gắn với đất ở; chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh, giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có ghi địa chỉ nhà ở tại thửa đất đăng ký

- Giấy tờ về việc giao, phân, cấp nhà hoặc đất của cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất

- Giấy tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan

- Bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ

- Bản kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của UBND cấp xã tại thời điểm kê khai đăng ký.

Lưu ý, trường hợp thời điểm sử dụng đất thể hiện trên các loại giấy trên không thống nhất thì thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định theo giấy tờ có ghi ngày tháng năm sử dụng đất sớm nhất.

Trường hợp 2, không có giấy tờ hoặc có giấy tờ nhưng không ghi rõ thời gian

Theo khoản 4 Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP trường hợp mà không có một trong các loại giấy tờ quy định tại trường 1 hoặc trên giấy tờ đó không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi có đất về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất.

Xác nhận của UBND cấp xã dựa trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố) nơi có đất.


Hoàng Mai
Cùng chuyên mục