Doanh nghiệp nhiệt điện than: Trữ tiền 'bốc hơi' nhanh, lợi nhuận Quý II sẽ cải thiện?

12/06/2023 17:00 GMT+7
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các đơn vị ngành Than đảm bảo cung cấp đủ than phục vụ hoạt động sản xuất điện; nhà máy nhiệt điện tăng cường giải pháp vận hành, hạn chế tối đa việc dừng sửa chữa, bảo dưỡng, trừ trường hợp sự cố bất khả kháng

Các đơn vị ngành Than đảm bảo cung cấp đủ than phục vụ sản xuất điện

Chiều ngày 11/6/2023, tại tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát, kiểm tra đột xuất một số nhà máy nhiệt điện và công ty than để thúc đẩy sản xuất, chỉ đạo xử lý sự cố và những khó khăn vướng mắc về mỏ than.

Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm, kiểm tra hoạt động sản xuất tại Công ty Nhiệt điện Mông Dương, Công ty Cổ phần nhiệt điện Quảng Ninh, Công ty Cổ phần than Hà Tu và làm việc với tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam...

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Quảng Ninh là trung tâm nhiệt điện của miền Bắc, trong bối cảnh thiếu trầm trọng nguồn cung điện, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Quảng Ninh đã yêu cầu các đơn vị ngành Than đảm bảo cung cấp đủ than phục vụ hoạt động sản xuất điện; nhà máy nhiệt điện tăng cường giải pháp vận hành, hạn chế tối đa việc dừng sửa chữa, bảo dưỡng, trừ trường hợp sự cố bất khả kháng; khẩn trương khắc phục sự cố, vận hành tối đa công suất cung cấp lên lưới điện quốc gia. Quảng Ninh đã tạo điều kiện tối đa để ngành Điện triển khai các công tác sản xuất, điều phối và vận hành lưới điện...

Hiện Quảng Ninh là trung tâm nhiệt điện miền Bắc với 7 nhà máy nhiệt điện được vận hành 100% công suất; tháng 5, điện sản xuất trên địa bàn tỉnh đạt trên 3,6 tỷ kWh, tăng 23,12% so với cùng kỳ; 5 tháng đạt 16,7 tỷ kWh bằng 15% so với tổng sản lượng điện sản xuất của cả nước và bằng 35% sản lượng điện sản xuất của các nhà máy nhiệt điện than trên toàn quốc. 100% sản lượng điện đều được cung cấp lên lưới điện quốc gia.

Sau khi trực tiếp kiểm tra tình hình sản xuất, cung ứng điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, công tác sản xuất than phục vụ cho các nhà máy điện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, đồng hành, quyết tâm, quyết liệt của Quảng Ninh và ngành than, đã triển khai hiệu qua các biện pháp bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn điện của đất nước; có nhiều giải pháp giảm thiểu tiêu thụ điện trên địa bàn tỉnh.

Doanh nghiệp nhiệt điện than trong quý I/2023: Trữ tiền 'bốc hơi' nhanh, lợi nhuận giảm mạnh

Thống kê 5 doanh nghiệp nhiệt điện niêm yết, bao gồm: Nhiệt điện Ninh Bình (NBP), Nhiệt điện Phả Lại (PPC), Nhiệt điện Bà Rịa (BTP), Nhiệt điệt Quảng Ninh (QTP) và Nhiệt điện Hải Phòng (HND) cho thấy, tại ngày 31/03/2023 trữ tiền các doanh nghiệp nhiệt điện niêm yết giảm mạnh, nhanh trong quý I/2023. Cụ thể, tại thời điểm cuối quý I/2023, trữ tiền của 5 doanh nghiệp nhiệt điện đạt gần 914 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước và giảm gần 54% so với thời điểm cuối năm 2022.

So với số dư vay nợ ngân hàng cùng thời điểm ngày 31/3/2023, lượng trữ tiền của các doanh nghiệp nhiệt điện nói trên chỉ bằng 36,6% số dư tổng vay nợ ngắn hạn và dài hạn.

Thiếu than, trữ tiền doanh nghiệp nhiệt điện giảm mạnh, "áp lực" từ số nợ khổng lồ - Ảnh 1.

Tại ngày 31/3/2023, trữ tiền của các doanh nghiệp nhiệt điện hầu hết đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Nguồn: báo cáo tài chính

Trong quý I/2023, có 2/5 doanh nghiệp nhiệt điện niêm yết có mức trữ tiền tăng so với cuối năm 2022, đó là: NBP, tăng 15,3% từ 11,1 tỷ đồng lên 13,1 tỷ đồng; BTP tăng 9,1% từ 393,1 tỷ đồng lên 434,8 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp còn lại ghi nhận mức trữ tiền giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022 như: PPC giảm 91,8% từ 591,5 tỷ đồng còn 48,2 tỷ đồng; HND giảm 72% từ 422 tỷ đồng còn 118,3 tỷ đồng; QTP giảm 31,6% từ 437,5 tỷ đồng còn 299,2 tỷ đồng.

Trong số 5 doanh nghiệp nhiệt điện niêm yết, có 2 doanh nghiệp có số dư vay nợ dài hạn và ngắn hạn 0 đồng, đó là Nhiệt điện Ninh Bình và Nhiệt điện Phả Lại.

Tổng nợ vay của 3 doanh nghiệp điện niêm yết tính tới 31/3/2022 ở mức 2498,2 tỷ đồng, giảm 24,9% so với cuối năm 2022 với số dư hơn 3.325 tỷ đồng và 43,4% so với cùng kỳ năm 2022 với số dư hơn 4.415 tỷ đồng.

Thiếu than, trữ tiền doanh nghiệp nhiệt điện giảm mạnh, "áp lực" từ số nợ khổng lồ - Ảnh 2.

Lượng trữ tiền so với số vay nợ ngân hàng dài hạn và ngắn hạn, tỷ đồng. Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính

3/5 doanh nghiệp có số dư nợ đều ghi nhận mức vay nợ giảm so với đầu năm, đặc biệt, QTP giảm 42,7%, từ 1.902,2 tỷ đồng còn 1.089 tỷ đồng.

Dữ liệu cho thấy, năm 2022, 5 doanh nghiệp nhiệt điện trên sàn chứng khoán ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế gần 2.048 tỷ đồng, tăng 40,6% so với năm 2021. Nhiều doanh nghiệp báo lãi tăng vọt do chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, do sản lượng điện thương phẩm tăng, công tác chào bán điện hiệu quả, do dư nợ vay giảm dần qua từng thời kỳ dẫn tới chi phí lãi vay giảm so với năm trước… Ngoài ra, giá điện cạnh tranh cũng giúp doanh nghiệp nhiệt điện có lợi thế hơn.

Dù vậy, yếu tố tác động đến lợi nhuận của doanh nghiệp nhiệt điện là giá và nguồn cung nhiên liệu. Vì vậy, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhiệt điện thiếu tính ổn định, bị phụ thuộc cao. Điều này thể hiện rõ trong kết quả kinh doanh quý I/2023.

Thống kê cho thấy, trong quý I/2023, 5 doanh nghiệp nhiệt điện niêm yết tạo ra doanh thu khoảng 6.954 tỷ đồng, tăng trung bình 7,6% so với quý I/2022 (ghi nhận khoảng 6.365,5 tỷ đồng). Mặc dù doanh thu có tăng, nhưng lợi nhuận trước thuế của 5 doanh nghiệp ghi nhận 214,8 tỷ đồng, giảm 69,6% so với cùng kỳ năm 2022 (khoảng 707,4 tỷ đồng).

Trong kỳ, hầu hết các doanh nghiệp nhiệt điện ghi nhận lợi nhuận trước thuế đi lùi so với cùng kỳ, thậm chí lỗ. Lợi nhuận trước thuế HND giảm 96% từ 271 tỷ đồng còn 10,7 tỷ đồng; PPC 53,5% từ 85,9 tỷ đồng còn 39,9 tỷ đồng; QTP giảm 58,4% từ 364,4 tỷ đồng còn 151,6 tỷ đồng; NBP lỗ 2,6 tỷ đồng lên lỗ 5 tỷ đồng.

Dù vậy, ngoại trừ BTP báo lãi 17,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 12 tỷ đồng. Giải trình về kết quả này, lãnh đạo BTP cho biết, chủ yếu do quý I/2023 tạm tính doanh thu cố định là 46 tỷ đồng, quý I/2022 chưa tạm tính doanh thu này do chưa có cơ sở giá tạm tính; do chênh lệch tỉ giá do công ty đánh giá chênh lệch tỷ giá vốn vay có gốc ngoại tệ quý I/2023 lãi 9,12 tỷ đồng, tăng 5,07% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhìn chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhóm doanh nghiệp nhiệt điện phía Bắc trong quý I/2023 dường như khó khăn hơn trung bình của cả nước do thiếu nhiên liệu (than).

Đơn cử, Nhiệt điện Hải Phòng được Hội đồng quản trị đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh quý I/2023 quá kém, lợi nhuận sản xuất điện chỉ đạt 1% so với kế hoạch năm và giảm đáng kể so với cùng kỳ. Theo báo cáo, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm so với cùng kỳ là thiếu than dẫn đến các tổ máy không thể phát với công suất cao. Do đó, không mang lại lợi nhuận từ thị trường.

Các doanh nghiệp nhiệt điện cho biết, hiện đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất vì thiếu than. Tình hình cung cấp than cho nhà máy nhiệt điện vẫn đang tiếp tục có nhiều khó khăn và thiếu hụt rất lớn so với hợp đồng cung cấp than đã ký. Trong quý I, nhiều tổ máy nhiệt điệt than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát.


Khánh Ly
Cùng chuyên mục