Tăng giá điện vì than tăng giá 600%: Bài học chọn bỏ và nỗi lo cho nhiệt điện than

An Linh Thứ sáu, ngày 16/12/2022 10:47 AM (GMT+7)
Việc EVN đề nghị tăng giá điện do giá than tăng 600% so với đầu năm 2021 đang được dư luận đặc biệt quan tâm. GS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược kinh tế và chính trị thế giới cho rằng, ngành điện đang đối diện với hệ quả chi phí cơ hội, sự chọn bỏ và nỗi lo cho nhiệt điện than.
Bình luận 0

Vì đâu EVN ráo riết đòi tăng giá điện?

Sáng 15/12, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN tiếp tục than thở về câu chuyện giá điện và lý giải nguyên nhân EVN lỗ lớn do chi phí tăng cao, đặc biệt do giá than tăng mạnh.

Cụ thể, đại diện EVN cho rằng, năm 2022 là năm khó khăn với EVN và các đơn vị thành viên. Dù doanh thu tập đoàn ước đạt 460.000 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2021, song do biến động giá nhiên liệu gồm cả than, dầu, khí đã làm cho chi phí tăng rất cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Xin tăng giá điện vì giá than tăng giá 600%: Bài học chọn bỏ và nỗi lo cho nhiệt điện than - Ảnh 1.

Nhiệt điện than bùng nổ, Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào than nhập và giá than từ nước ngoài (Ảnh minh hoạ).

Trong đó, riêng than nhập khẩu tăng 6 lần do với đầu năm 2021 và tăng gấp 3 lần so với đầu năm nay. Phần giá than tăng thêm khiến chi phí đội lên tới hơn 47.000 tỷ đồng. Chưa kể, năm 2022, giá dầu cũng biến động lớn. Dù thực hiện các giải pháp nhưng lợi nhuận vẫn âm. Với giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 1.864 đồng/kWh, mỗi kWh điện bán ra thì phía EVN lỗ khoảng 180 đồng.

Trước đó, ông Nhân cũng đề xuất các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, đáng chú ý là EVN đề xuất cho phép điều chỉnh giá điện tương tự như với giá xăng dầu. "Cho phép EVN tăng giá điện khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại".

Thực tế, chuyện EVN kiến nghị tăng giá bán điện bình quân đã diễn ra nhiều năm qua khi giá điện bình quân tính từ tháng 3/2019 đến nay hơn 3 năm chưa được tăng giá. Trong khi giá các mặt hàng khác đều có xu hướng tăng, chi phí sản xuất cũng tăng, việc "nén giá", để đạt các mục tiêu kìm giữ lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô được cho là sẽ tác động xấu đối với ngành điện.

Bên cạnh đó, việc EVN cho biết giá than năm nay so với cùng kỳ 2021 tăng 600%, khiến chi phí đầu vào giá điện tăng cao, là một trong những nguyên nhân chính khiến EVN lỗ khoảng 16.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022.

Theo các chuyên gia về điện, giá điện bình quân không tăng từ năm 2019 đến nay là chuyện phi thị trường, việc này có thể có lợi ích trong ngắn hạn như ổn định lạm phát, đời sống người dân và giúp giảm chi phí đầu vào cho sản xuất. 

Tuy nhiên, điều này khiến tích tụ rủi ro cho ngành điện, đặc biệt là giá bán điện thấp khiến giá mua điện không có cơ hội tăng, khó kích thích đầu tư vào ngành điện, đặc biệt là điện tái tạo.

Hơn nữa, mục tiêu giữ giá điện từ năm 2019 nhưng muốn kích thích đầu tư vào điện. Nhà nước sẽ phải bù giá, hỗ trợ giá FIT đối với điện mặt trời, điện gió, điều này về lâu dài trong phát triển điện là không cần thiết.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng việc giá điện dồn nén 3 năm nay không thay đổi cũng đang khiến EVN đứng trước thách thức lớn về chi phí, lợi nhuận, chỉ số lời lỗ… Do vậy, khả năng trong thời gian tới, giá điện phải được điều chỉnh tăng.

Ông Doanh đồng tình với phương án giá điện sẽ tăng, tuy vậy vị chuyên gia này cho rằng mức tăng bao nhiêu cần phải dựa vào khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

"Hiện nay, nền kinh tế mới phục hồi sau đại dịch Covid-19, giá điện tăng quá mạnh sẽ tác động lớn tới sự phục hồi, ảnh hưởng tới giá thành cạnh tranh của hàng Việt Nam ở thị trường quốc tế", chuyên gia Lê Đăng Doanh lưu ý.

Còn câu chuyện để điều chỉnh giá điện như giá xăng, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng rất khó khả thi bởi cơ chế vận hành của thị trường điện khác xăng dầu, nói cách khác là thị trường bán lẻ điện chưa có cạnh tranh. Vì vậy, nếu sắp tới EVN đề xuất tăng giá điện thì cũng cần tới hội đồng độc lập gồm các chuyên gia có kinh nghiệm thẩm định những lý do, chi phí giá thành sản xuất, đầu tư của đơn vị này để tạo sự minh bạch.

Nói về đề xuất điều chỉnh giá điện như giá xăng dầu mà EVN đưa ra, GS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng: Điện và xăng dầu đều chịu tác động rất lớn của thị trường thế giới, trong khi xăng dầu đang hướng đến cơ chế thị trường trong thiết lập giá thì cũng là nên tính tới thực hiện đối với điện. 

Tuy nhiên, do đặc thù của hai ngành khác nhau, ông Long cho rằng để giá điện điều hành 10 ngày 1 lần như giá xăng thì rất khó bởi tiền điện người tiêu dùng trả theo tháng, còn xăng dầu mua hàng ngày. Do vậy, cơ quan quản lý có thể xem xét theo nên quy định chu kỳ bao nhiều thì nên điều chỉnh, và điều chỉnh với biên độ ra sao. 

Bài học "chọn bỏ" và nỗi lo cho nhiệt điện than

Liên quan đến giá điện, vấn đề chi phí sản xuất, giá điện và lựa chọn loại hình nguồn điện liên quan trực tiếp đến nhau. Theo chuyên gia Võ Đại Lược, do Việt Nam chọn nhiệt điện than, không chú trọng hoặc bỏ qua một số loại nguồn điện khác ở thời điểm những năm 2010 đến nay, chính vì thế giá than tăng cao, ngành điện mới chịu tác động lớn.

Thực tế, trong chiến lược phát triển điện năng của Việt Nam, tổng sơ đồ điện VII và VIII, cơ cấu phát điện có sự khác biệt lớn, điều này ảnh hưởng rõ rệt đến cấu thành giá điện. Cụ thể, trong tổng sơ đồ điện VII từ năm 2011 đến 2020 và định hướng 2030, nhiệt điện chạy than vẫn tỷ trọng rất lớn với tổng công suất 2020 dự kiến là khoảng 36.000 MW, sản xuất 156 tỷ kWh, chiếm 46,8% tổng sản lượng điện, tiêu thụ hơn 67,3 triệu tấn than. 

Đến năm 2030, tổng công suất điện than sản xuất được lên kế hoạch đạt 75.000 MW, sản xuất 394 tỷ kWh, tiêu thụ 171 triệu tấn than. Và tính tới thời điểm hiện tại, do sự phát triển mạnh của điện tái tạo, song tổng sản lượng điện than vẫn chiến trên 43% tổng sản lượng điện toàn quốc. 

Việc quá trọng dụng nhiệt điện than đã được các chuyên gia cảnh báo có thể khiến Việt Nam phụ thuộc nhập khẩu than nhiều hơn, giá điện có thể sẽ biến động tăng khi giá than thế giới tăng nhanh do khan hiếm nguồn tài nguyên này do nhiều nước đang thắt chặt việc xuất khẩu.

Trong quy hoạch điện VIII điều chỉnh, EVN và Bộ Công Thương trình Chính phủ, tổng sản lượng nhiệt điện than được dự kiến rút xuống khoảng 25-31% tổng sản lượng điện trong năm 2030.

Việc giảm tỷ trọng sản lượng điện than trong tổng sơ đồ diện không hẳn là do Việt Nam giảm điện than hoặc xoá bỏ mà là việc tăng tồng sản lượng điện tái tạo (điện mặt trời, điện gió và sinh khối). Trong các năm từ 2020 đến trước 2030, sản lượng điện than vẫn chiếm trên 40% tổng sản lượng điện của Việt Nam, điều này đồng nghĩa mức giá điện sẽ phụ thuộc 

Trao đổi với Dân Việt, GS. Võ Đại Lược cho biết, việc dẫn chứng chi phí đầu vào để tăng giá điện chưa hẳn đúng bởi chi phí điện than, điện gió, điện mặt trời và sinh khối hoàn toàn khác nhau. Trong khi đó, việc chọn lựa nguồn phát điện do chính EVN chứ không phải khách hàng. Chính vì vậy, cần có kế hoạch tăng giảm giá rõ ràng để đáp ứng đúng yêu cầu thị trường và định hướng phát triển.

"Tôi nhớ, trước đây Việt Nam có chủ trương nghiên cứu, phát triển điện dòng hải lưu. Đích thân tôi mời chuyên gia và được Hoa Kỳ cử chuyên gia giúp. Tuy nhiên, khi làm việc với EVN thì họ không ý kiến gì. Đáng nói là nguồn điện hải lưu của Việt lớn hàng đầu thế giới, chi phí rẻ và Việt Nam có thể tự làm được. Lúc ấy, EVN muốn chọn phát triển nhà máy nhiệt điện vì giá than rẻ, dễ nhập máy móc từ Trung Quốc và bỏ quan cơ hội phát triển loại hình điện này. Hiện nay, việc tăng giá than và chi phí lại yêu cầu tăng giá bán điện là không công bằng", GS. Lược cho hay.

Ông Lược cũng cho biết thêm, trong các loại hình phát điện, điện tái tạo (mặt trời, gió và sinh khối) có chi phí đầu tư ban đầu lớn, nếu DN tính chi phí khấu hao vào giá điện sẽ rất lớn. Nếu họ cũng tính như EVN thì sẽ ra sao? Điện tái tạo qua từng năm sẽ có giá rẻ đi do khấu hao suất đầu tư giảm từng năm. Chính vì vậy, bức tranh chung về giá điện, EVN và Bộ Công Thương phải xem xét trên tổng hoà của nguồn lực phát điện của Việt Nam, chứ không thể "chọn than, than tăng giá là bắt tăng giá điện" được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem