EVN, nhiệt điện Mông Dương, Formosa... khiến TKV gánh núi nợ nghìn tỷ?

An Linh Thứ sáu, ngày 17/02/2023 11:59 AM (GMT+7)
Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) phải ôm núi nợ khủng trên 74.000 tỷ đồng, trong khi đó, có 51 "con nợ" đang nợ TKV hơn 12.700 tỷ đồng, đứng đầu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhiệt điện Mông Dương, Hải Phòng và Formosa Hà Tĩnh.
Bình luận 0

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV) đang có số nợ phải trả 74.400 tỷ đồng, nợ ngắn hạn là hơn 44.430 tỷ đồng, nợ dài hạn là hơn 30.000 tỷ đồng. Trong nợ phải trả ngắn hạn, TKV đang có khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lớn nhất với hơn 11.800 tỷ đồng và nợ phải trả cho người bán ngắn hạn 10.137 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản nợ và nợ thuê tài chính dài hạn gấp đôi ngắn hạn, lên đến hơn 26.265 tỷ đồng.

EVN, Nhiệt điện Mông Dương, Formosa... có khiến Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam gánh núi nợ nghìn tỷ? - Ảnh 1.

TKV đang gánh nợ lớn, gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu. (Ảnh minh hoạ)

Đáng chú ý, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, số nợ phải thu của TKV từ các đối tác làm ăn với doanh nghiệp này đã vào khoảng 12.700 tỷ đồng, tăng 1.400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2022. Bình quân, mỗi tháng TKV phát sinh nợ phải thu của các đối tác trên 230 tỷ đồng.

Trong đó hơn 11.170 tỷ đồng là khoản phải thu ngắn hạn, tăng hơn 1.300 tỷ đồng so với đầu năm 2022; khoản phải thu dài hạn là 1.500 tỷ đồng, tăng hơn 94 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, các con nợ của TKV hầu hết là doanh nghiệp điện than lớn.

Danh tính các doanh nghiệp đang nợ của TKV bao gồm 51 doanh nghiệp, trong đó con nợ lớn nhất, dẫn đầu là Công ty mua bán điện - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với số nợ khủng lên đến với 2.900 tỷ đồng, chiếm 26% số nợ phải thu ngắn hạn của TKV, Công ty TNHH Điện lực AES - TKV Mông Dương hơn 956,2 tỷ đồng, Nhiệt điện Mông Dương hơn 657 tỷ đồng, Nhiệt điện Hải Phòng hơn 481 tỷ đồng, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (CTCP Công ty điện lực dầu khí Hà Tĩnh) hơn 428,4 tỷ đồng, Thép Formosa Hà Tĩnh hơn 260,4 tỷ đồng…

Trong danh sách này, EVN vẫn là con nợ lớn nhất của TKV khi đầu năm 2022, EVN nợ TKV 3.500 tỷ đồng, 6 tháng, EVN mới chỉ trả được 600 tỷ đồng, khoản nợ tính đến cuối kỳ tháng 6/2022 vẫn còn 2.900 tỷ đồng. Con nợ thứ 2 là Công ty TNHH Điện lực AES - TKV Mông Dương, đầu năm 2022, doanh nghiệp này nợ TKV hơn 1.061 tỷ đồng, 6 tháng mới chỉ trả được 100 tỷ đồng, tổng nợ cuối kỳ vẫn còn 956,2 tỷ đồng.

Ngoài hai con nợ khủng, mới chỉ trả được phần nào, trong 6 tháng cuối năm 2022, có nhiều đối tác phát sinh thêm số nợ gấp đôi cho TKV so với đầu năm 2022, cụ thể như nhiệt điện Mông Dương có số nợ gấp 2,3 lần nợ đầu năm; nhiệt điện Hải Phòng phát sinh nợ 6 tháng hơn 481,5 tỷ đồng, tăng hơn 230 tỷ đồng so với đầu năm 2022; Formosa phát sinh nợ 260 tỷ đồng, Marubeni Corporation (Nhật Bản) nợ hơn 235,4 tỷ đồng, tăng hơn 153 tỷ đồng so với hồi đầu năm…

Mặc dù số nợ của các đối tác trên không quá nhiều và không ảnh hưởng trực tiếp dẫn đến núi nợ lớn hơn 74.000 tỷ đồng cho TKV, tuy nhiên khi các đối tác nợ số tiền lớn, cộng với số nợ khó đòi trên 3 năm lên đến 194 tỷ đồng, rõ ràng càng làm cho TKV trở nên khó khăn hơn.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng 2022, trong núi nợ hàng chục nghìn tỷ đồng, chi phí doanh nghiệp và chi phí bán hàng của TKV vẫn tăng khá mạnh. Cụ thể, chi phí bán hàng của TKV là hơn 2.300 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày TKV phải bỏ ra hơn 128 tỷ đồng để bán hàng, trong đó có tiền lương nhân viên bán hàng, chào hàng, các chương trình giới thiệu sản phẩm, marketing.

Hiện, TKV đang có 18 lĩnh vực kinh doanh khác nhau, trong đó có khai thác thu gom than, khai khoáng, điện, ngoài ra còn có các lĩnh vực khác như kinh doanh bất động sản, sản xuất vật liệu nổ, nước khoáng, giáo dục và du lịch…

Tuy nhiên, doanh thu lớn nhất của TKV chủ yếu đến từ 4 lĩnh vực là kinh doanh than, sản xuất điện, vật liệu nổ và khoáng sản. Cụ thể, theo báo cáo 6 tháng năm 2022, kinh doanh than có doanh thu thuần của mặt hàng này đạt 46.500 tỷ đồng, chiếm trên 67,5% doanh thu thuần toàn tập đoàn, lợi nhuận gộp đạt 4.200 tỷ đồng, chiếm trên 59% lợi nhuận gộp của TKV.

4 lĩnh vực kinh doanh than, sản xuất điện, vật liệu nổ và khoáng sản của TKV hiện chiếm gần 95,5% doanh thu thuần và gần 90% lợi nhuận gộp của tập đoàn. 

Như vậy có thể nói, trong 18 lĩnh vực kinh doanh hoặc trên giấy phép đăng ký kinh doanh của TKV, chỉ có 4 lĩnh vực trên là có doanh thu là lợi nhuận tốt, nhiều mảng, lĩnh vực khác đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận thấp, không đáng kể.

Một chi phí khác cũng tăng là quản lý doanh nghiệp, trong 6 tháng TKV phải "bơm" hơn 2.677 tỷ đồng cho quản lý, tăng hơn 116 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Ngoài khấu hao tài sản lớn hơn 6.000 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp của TKV quá lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh khai thác than ngày càng khó khăn, đòi hỏi chi phí vốn lớn.

Đầu tháng 1/2023, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 của TKV, trong đó có nêu đến các quản lý về doanh thu, chi phí và các khoản phải nộp cho ngân sách, quản lý đầu tư…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem