Hàng loạt đại dự án nhiệt điện than bị loại bỏ khỏi quy hoạch
Hàng loạt dự án nhiệt điện than bị loại bỏ khỏi quy hoạch điện VIII
An Linh
Thứ tư, ngày 27/07/2022 16:06 PM (GMT+7)
Bộ Công Thương đề xuất bỏ hàng loạt dự án nhiệt điện chạy than đã có trong quy hoạch điện VII, nhưng không đưa vào dự thảo quy hoạch điện VIII. Tổng số dự án điện than loại bỏ khỏi quy hoạch điện VIII có công suất lên đến hơn 14.120MW.
Dừng nhiều dự án điện than phù hợp với cam kết phát thải carbon 0% vào năm 2050
Đây là một trong những nội dung được Bộ Công Thương báo cáo gửi Thường trực Chính phủ mới đây về các nội dung của đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (quy hoạch điện lực VIII).
Theo đó, quá trình rà soát, Bộ Công Thương cho biết trong tổng công suất 14.120MW nhiệt điện than không đưa vào quy hoạch điện VIII, có 8.420MW do các tập đoàn nhà nước được giao làm chủ đầu tư, bao gồm: Dự án của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 3.600MW (Quảng Trạch 1, Tân Phước 1 và Tân Phước 2); dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là 1.980MW (Long Phú 3); dự án của Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) được giao 2.840MW (Cẩm Phả 3, Hải Phòng 3 và Quỳnh Lập 1); ngoài ra, dự án đầu tư theo hình thức BOT là 4.500MW (Quỳnh Lập 2, Vũng Áng 3, Long Phú 2) và chưa giao nhà đầu tư 1.200MW (Quảng Ninh 3).
Bộ Công Thương cho biết, để bù đắp các nguồn điện than giảm mạnh, quy hoạch điện VIII đã thay thế công suất điện than bằng khoảng 14GW điện khí hoá lỏng LNG và khoảng 12-15GW các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).
Bộ Công Thương kiến nghị tiếp tục đưa vào 2.420MW nguồn điện mặt trời tại các dự án đã có chủ trương và được chấp nhận đầu tư để vào xây dựng. Tổng vốn đầu tư ước 12.700 tỷ đồng.
Với 4.100MW nguồn điện mặt trời còn lại tại các dự án đã được quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận đầu tư, Bộ Công Thương kiến nghị giãn tiến độ sang giai đoạn sau năm 2030.
Trước đó, khi Bộ Công an vào cuộc kiểm tra một loạt dự án điện gió dang dở có rủi ro nợ cao, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng có các cơ chế với dự án điện gió chưa kịp vận hành.
Cụ thể, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án, trong đó có đàm phán giá điện giữa chủ đầu tư và EVN trong khung giá do Bộ Công Thương ban hành. Đây là quy trình, thủ tục xây dựng khung giá, đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán điện giữa các bên đã thông suốt, và đang được áp dụng cho các loại hình nguồn điện khác như thuỷ điện, nhiệt điện, tua bin khí.
Phương án thứ 2 là Tập đoàn điện lực Việt Nam sẽ đấu thầu mua điện, Bộ Công Thương cho biết phương án này chưa rõ cơ sở pháp lý.
Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng cơ chế chủ đầu tư dự án đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN trong khuôn khổ khung giá và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành để đảm bảo tuân thủ Luật Điện lực, Luật Giá và các văn bản liên quan với các dự án điện gió, điện mặt trời triển khai sau này.
Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế nhà đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ này ban hành.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ áp dụng cơ chế đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện, để đảm bảo tính đồng nhất của hành lang pháp lý đối với dự án sẽ triển khai trong tương lai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.