dd/mm/yyyy

Giải pháp khôi phục vườn điều bị sâu hại

Ngày 16.1, tại huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước, Trung tâm khuyến nông (TTKNQG) phối hợp Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức Hội thảo “Xây dựng mô hình khôi phục vườn điều bị sâu, bệnh hại”.

Người dân chặt bỏ diện tích điều bị sâu bệnh ở huyện Bù Đăng (Bình Phước).

Dự buổi hội thảo có ông Trần Văn Khởi - Giám đốc TTKNQG, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh cùng 80 nông dân trồng điều trên địa bàn tỉnh.

Niên vụ điều 2017-2018, sâu, bệnh hại cây điều trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Bù Ðăng là huyện có diện tích cây điều lớn nhất tỉnh Bình Phước với gần 59.000 ha, cũng là địa bàn bị thiệt hại nặng nhất với gần như toàn bộ diện tích bị nhiễm sâu bệnh hại. Hơn 18.100 ha gần như mất trắng, năng suất giảm hơn 46,5% so với vụ điều năm 2016...

Trong đó, nặng nhất là xã Ðăng Hà, nơi có tới 90% số hộ dân trồng điều, chỉ mới đầu vụ (giữa tháng 3.2017) đã mất trắng 650 ha, năng suất bình quân cả vụ chỉ còn 50 kg/ha. Kế tiếp là huyện Ðồng Phú có tới 40% (tương ứng 5.763 ha) diện tích điều gần như mất trắng; huyện Bù Gia Mập có hơn 47,1% trong 20.457 ha điều bị nhiễm bệnh, năng suất giảm 51%, trong đó gần 1.900 ha mất trắng; huyện Phú Riềng có 2.000 ha gần như mất trắng...

Anh Long Hoàng Ngân (thôn 3 xã Ðăng Hà, huyện Bù Ðăng) nói: “Vụ điều vừa rồi, tôi mất trắng 1 ha”. Vụ điều năm 2016, anh Ngân thu được gần hai tấn hạt nên mùa 2017 anh mạnh dạn chi khoảng 17 triệu đồng mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chăm sóc rẫy điều. Tuy nhiên, côn trùng, bọ xít muỗi, bệnh thán thư rồi cháy lá khô ngọn đã cướp đi tất cả...

Năng suất điều bình quân toàn tỉnh chỉ còn 7,15 tạ/ha, tổng sản lượng là 94.485 tấn (giảm khoảng 38% cả về năng suất và sản lượng so với vụ điều 2016). Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Hiệp hội Ðiều Việt Nam (Vinacas) Tạ Quang Huyên, mức độ sâu bệnh hại trên cây điều ở Bình Phước trong vụ điều 2017 là nghiêm trọng nhất trong vòng 15 năm trở lại đây.

 Bình Phước có diện tích điều lớn nhất cả nước, hạt điều Bình Phước được chọn xây dựng thành thương hiệu quốc gia.

Trước tình hình đó, TTKNQG phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng các mô hình khôi phục vườn điều bị sâu, bệnh hại.

Theo đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp trạm khuyến nông các huyện Phú Riềng, Đồng Phú, Bù Đăng, Bù Gia Mập và UBND các xã của 4 huyện tiến hành chọn hộ, chọn điểm, giao nhận vật tư, mở lớp kỹ thuật đối với các vườn điều được chọn làm điểm, quy mô 1 ha/hộ. Tính đến hết ngày 25.12.2017, đã tổ chức được 125 lớp tập huấn với 6.250 lượt nông dân tham dự với 200 hộ nông dân được chọn là điểm thực hiện mô hình trên 44 xã của 4 huyện.

Tại Hội thảo, các hộ nông dân trồng điều được chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc vườn điều đạt hiệu quả thông qua phóng sự “Giải pháp giúp nông dân khắc phục sâu bệnh trên cây điều”. Nông dân trồng điều cũng đặt các câu hỏi liên quan đến: Cách phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh thời điểm nào phù hợp với các giai đoạn của cây điều; cây điều ra hoa không đại trà nên phun từng cây hay phun đại trà; Nhà nước có chương trình tái canh cây điều già cỗi hay không; các loại bệnh, cách phối hợp thuốc để phòng trừ sâu, bệnh; nhà nông khó lựa chọn được loại thuốc bảo vệ thực vật phòng, trừ sâu, bệnh hiệu quả, vấn đề cây điều giống... Các câu hỏi đã được kỹ sư của TTKNQG, lãnh đạo Sở NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh giải đáp trực tiếp tại Hội thảo.

Hội thảo giúp người trồng điều trên địa bàn 4 huyện nâng cao hơn nữa kỹ thuật chăm sóc điều theo từng giai đoạn, kỹ thuật phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh hại theo từng giai đoạn... từ đó áp dụng vào thực tế.

Vĩnh Nguyên