HoREA kiến nghị cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn

08/02/2023 08:43 GMT+7
Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa có văn bản tới Ngân hàng Nhà nước kiến nghị cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn và được vay vốn tín dụng mới nếu có tài sản bảo đảm với lãi suất vay hợp lý.

HoREA dự báo năm 2023 là năm "quyết định sống còn" đối với các doanh nghiệp bất động sản nếu không được hỗ trợ giải quyết "nút thắt" về dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản. Trước hết, nhu cầu và nguyện vọng của tất cả các doanh nghiệp bất động sản là mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn.

HoREA nhận định nhiều doanh nghiệp bất động sản tuy có tổng tài sản có giá trị lớn và đã thực hiện nhiều biện pháp giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45 - 50% nhưng vẫn rất khó bán được hàng vì hầu như không có người mua.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp bất động sản giải thể trong năm 2022 là gần 1.200 doanh nghiệp, tăng 38,7% so với năm 2021. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh, phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO, thu hẹp quy mô sản xuất.

HoREA kiến nghị cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn - Ảnh 1.

HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong thời hạn 12 - 24 tháng (Ảnh: TN)

Theo HoREA, bên cạnh khó khăn lớn nhất là vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản, khó khăn trực tiếp tiếp theo là vấn đề trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến hạn. Bên cạnh đó, các khoản vay tín dụng đến hạn sẽ kéo theo rủi ro chuyển thành nợ xấu hoặc nhảy nhóm nợ xấu hơn.

HoREA cũng cho rằng một số quy định của Ngân hàng Nhà nước hoặc quy định riêng của các ngân hàng thương mại cần được xem xét sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tiễn. Điển hình là điều kiện vay còn quá khắt khe, như yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy phép xây dựng, giống như "giấy phép con", làm khó doanh nghiệp bất động sản; hay Thông tư 16/2021/TT-NHNN "đá nhau" với Nghị định 65/2022/NĐ-CP về quy định cho phép doanh nghiệp được phát hành trái phiếu có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành...

Từ những khó khăn của doanh nghiệp, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành thông tư mới, tương tự Thông tư 14/2021/TT-NHNN, cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong thời hạn 12-24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản bảo đảm. Đồng thời, xem xét giãn lộ trình quy định các tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng tối đa nguồn vốn huy động ngắn hạn, tiết kiệm để cho vay trung - dài hạn thêm 12 tháng.

Đồng thời, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ người mua nhà được vay vốn tín dụng, để hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, phát triển theo hướng an toàn, ổn định và bền vững… Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị sửa đổi một số quy định về tín dụng, xem xét sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tiễn…


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục