Nới room tín dụng 1,5 - 2% có giúp thanh khoản hay dòng tiền vào thị trường chứng khoán tốt lên không?

11/12/2022 08:20 GMT+7
Mới đây, Nhà nước đã đưa ra các thông điệp về nới room tín dụng, một số Ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay. Những động thái này có làm cho dòng tiền trên thị trường chứng khoán tốt hơn không?

Nới room tín dụng: Giảm bớt căng thẳng về thanh khoản?

Trước câu hỏi này, tại Talkshow Chọn Danh mục kỳ 2 với chủ đề Lực đỡ từ vốn ngoại do báo Đầu tư tổ chức mới đây, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CK BSC cho rằng, thanh khoản trên thị trường rất quan trọng, gần như quan trọng nhất. Ông Long lấy ví dụ về thị trường xăng dầu đây 2 tháng, lúc đầu mọi người chỉ quan tâm đến việc giá xăng bao nhiêu, nhưng khi việc bán hàng hơi khó khăn, xăng khan hiếm, mọi người đành chấp nhận giá cao nhưng sản lượng dồi dào vẫn tốt hơn. Bởi đó là nhu cầu là thiết yếu, nguồn tiền trên thị trường cũng như vậy.

Nới room tín dụng 1,5 - 2% có giúp dòng tiền thị trường chứng khoán tốt lên? - Ảnh 1.

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCK BSC

Ông Long nhận định, thời gian vừa qua, thị trường xuất hiện khó khăn nhất định trong thanh khoản. Rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay để chuẩn bị cho mùa kinh doanh cuối năm nhưng gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, động thái gần đây của Ngân hàng cho thấy đã làm giảm bớt căng thẳng về thanh khoản trên thị trường. Đó là những chính sách quan trọng.

Tuy nhiên, ông Long cho rằng, thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với vĩ mô, đặc biệt nhạy khi liên quan đến các chính sách về tiền tệ. Về thanh khoản có cải thiện, mức độ tự tin của doạn nghiệp, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn và cũng tác động đến tâm lý nhà đầu tư tốt hơn. Mặc dù mặt bằng lãi suất vẫn đang ở mức cao, có thể năm sau chúng ta vẫn ở mặt bằng lãi suất như thế này, nhưng thanh khoản cải thiện hơn, giúp doanh nghiệp rất nhiều, tác động đến các ngành trên thị trường.

"Nhưng một số ngành có sự tác động không giống nhau, bởi đòn bẩy của các doanh nghiệp từng ngành khác nhau. Có doanh nghiệp vay nợ nhiều, tỷ lệ nợ/vốn chủ cao, điển hình như BĐS khá cao. Những ngành còn lại liên quan đến tiêu dùng ở tình trạng dư tiền nhiều hơn, nợ vay của họ rất ít, lượng tiền ròng của họ, tiền mặt trừ đi các khoản nợ ngân hàng của họ dương rất nhiều. Chúng ta hay nói rằng là các ông vua tiền mặt, họ có lợi thế rất lớn vì thời điểm hiện tại, các khoản tiền mặt họ để ngân hàng thu được lãi suất rất tốt. Tôi nghĩ đó cũng là những doanh nghiệp khi thị trường khó khăn thì họ vấn sống sót tốt", ông Long nói.

Nới room tín dụng: Không tác động trực tiếp đến thị trường chứng khoán hay tạo thanh khoản

Tuy nhiên trái ngược với quan điểm trên, ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+ lại cho rằng, việc nới room 1,5 – 2% về bản chất không tác động trực tiếp đến thị trường chứng khoán hay tạo thanh khoản. Vì lãi suất vừa rồi lên khá cao, những doanh nghiệp lưu trữ tiền mặt để đảm bảo thanh khoản rủi ro của họ nên huy động không đủ hàng, họ vẫn giữ lại.

Ông Hoàng cho rằng, Ngân hàng Việt Nam không thiếu tiền, một số người nghĩ rằng thị trường bị siết nên ngân hàng ko có tiền cho vay, không hẳn là như vậy, vì ai cũng muốn nghĩ lại một chút. "Đãng lẽ mua xe nhưng giữ lại chờ mấy tháng, vì mua nhà nhưng giữ lại, doanh nghiệp muốn đầu tư nhưng cũng giữ lại vài tháng sau. Vừa rồi chúng tôi gặp một tập đoàn làm bệnh viện, họ đã định đầu tư 3.000 – 4.000 tỷ đồng nhưng rồi họ nói "thôi chờ năm sau xem thế nào đã", nên giờ đang giữ lại vài nghìn tỷ phòng thân", ông Hoàng nói.

Nới room tín dụng 1,5 - 2% có giúp dòng tiền thị trường chứng khoán tốt lên? - Ảnh 2.

Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+

Từng là người làm ngân hàng, ông Hoàng nghĩ không có vấn đề về thanh khoản, chỉ là mọi người đang giữ tiền! Câu chuyện bây giờ là mở room để tăng trưởng, cần doanh nghiệp vay vậy phải giảm lãi suất nếu không, không ai dám vay. "Như doanh nghiệp bất động sản, vật liệu xây dựng ở thời điểm nay vay để làm gì? Tại sao chúng ta phải cần vay ở lúc này? Trừ khi chúng ta có những dự án, chúng ta có những kế hoạch kinh doanh. Nếu chúng ta thấy kế hoạch kinh doanh chưa khả quan, chúng ta phải phòng thân một chút. Tôi nghĩ giai đoạn phòng thân vẫn còn kéo dài một chút nữa để có những thông điệp, lạm phát Mỹ dần dần sẽ rõ nét hơn, có lẽ 1-2 quý nữa thị trường mới tốt hơn", ông Hoàng bày tỏ quan điểm.

Ông Hoàng cũng cho rằng, thanh khoản có liên quan đến tâm lý, nhưng khi thị trường đã quay lại 1.000 điểm, tâm lý của nhà đầu tư nhất là F0 và các nhà đầu tư khác khác nhìn vào nguồn đầu tư của quỹ nước ngoài sẽ an tâm hơn phần nào.

Chia sẻ về việc đầu tư qua quỹ, vị Giám đốc Quỹ A+ cho biết, nhiều người nói tiền của quỹ là tiền thông minh, tuy nhiên, ông Hoàng khuyên nhà đầu tư hãy nhớ các quỹ lớn, điều hành sau lưng họ vẫn là con người, đừng ỷ vào tiền lớn đó là tiền thông minh, có khi họ còn biết ít hơn mình nữa.

 "Việc nhà đầu tư trong nước bán ròng 19.000 tỷ đồng rất quan tâm, nhưng kể cả trong bài báo trước tôi cũng nói đừng nghe những gì tôi nói, hãy biết cái gì mình biết. Đừng nghe chuyên gia, vì có những chuyên gia nói về mục đích cá nhân của họ nữa.

Ví dụ như khi họ muốn bán HPG nhưng họ cứ nói HPG tốt để các bạn mua thì sao? Chúng ta không biết được điều đấy thì hãy lưu ý để tránh điều này. Hãy tin vào những gì mình có, vào quãng thời gian nghiên cứu của mình, còn nếu không đủ thời gian nghiên cứu chứng khoán thì hãy để chuyên gia đầu tư cho mình, qua các quỹ sẽ tốt hơn rất nhiều", ông Hoàng chia sẻ.


An Vũ
Cùng chuyên mục