Nới room tín dụng, 400 nghìn tỷ chờ "giải phóng" trong tháng 12: Chuyên gia nói điều bất ngờ về cơ hội tiếp cận

Huyền Anh Thứ tư, ngày 07/12/2022 07:11 AM (GMT+7)
Với việc nới room tín dụng từ 1,5 – 2%, tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 sẽ vào khoảng hơn 400 nghìn tỷ đồng. Chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chủ động thì tỷ lệ tiếp cận vốn cao hơn khi "chỉ biết kêu khó".
Bình luận 0

Đơn hàng cũ sắp hết, những đơn hàng mới yêu cầu cao hơn từ quy mô, cam kết môi trường, cho tới chất lượng sản phẩm. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao này, doanh nghiệp phải đầu tư máy móc, công nghệ mới. Ngặt nỗi, doanh nghiệp không thể hiện thực hóa yêu cầu này bởi thiếu vốn.

Đó là thực trạng diễn ra tại nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong thời gian qua.

Nới room tín dụng, 400 nghìn tỷ chờ "giải phóng" trong tháng 12

Ông Ngô Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Liên minh hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam (VISA) chia sẻ, nếu như nghiệp có thể sử dụng hợp đồng đã ký kết hoặc thế chấp bất động sản để vay vốn. Nhưng thời gian qua các ngân hàng không giải ngân do hết room tín dụng nên doanh nghiệp cũng không thể tiếp nhận và ký kết hợp đồng mới.

Hệ quả, doanh nghiệp thiếu đơn hàng và buộc phải cắt giảm nhân sự, thậm chí có những doanh nghiệp cắt giảm từ cả trăm công nhân xuống chỉ còn khoảng 25 công nhân.

Tương tự, ông Đinh Hồng Kỳ, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp phải đối diện với "khủng hoảng lớn" khi cung vượt mạnh cầu, trong khi đơn hàng xuất khẩu lẫn đơn hàng trong nước đồng loạt giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30-40% để có dòng tiền hoạt động trong lúc chờ đợt phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo.

Nới room tín dụng, 400 nghìn tỷ chờ "giải phóng" trong tháng 12: Chuyên gia nói điều bất ngờ - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước chính thức nới room tín dụng 1,5% - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Chờ đợi của doanh nghiệp cũng đã có kết quả khi Ngân hàng Nhà nước thông báo chính thức nới room tín dụng 1,5% - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Với việc nới hạn mức tín dụng lần này, tương đương với tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ vào khoảng 15,5 – 16% so với cuối 2021.

Theo tính toán của bộ phận nghiên cứu tại Chứng khoán SSI, tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 sẽ vào khoảng hơn 400 nghìn tỷ đồng.

TS. Võ Trí Thành đánh giá, động thái nới room tín dụng thời điểm này thể hiện một mặt kiên định với vĩ mô mặt khác thể hiện đúng tinh thần là linh hoạt trong chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông Thành, hiện nay các áp lực về lãi suất, tỷ giá ít nhiều cũng đã dịu đi, thanh khoản hệ thống ổn hơn, nới room sẽ tạo điều kiện, tinh thần cho doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Phó chủ tịch thường trực Liên minh hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam (VISA) thì bày tỏ kỳ vọng, việc nới room tín dụng của nhà quản lý tiền tệ sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vay vốn, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các đơn hàng mới, mở ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong năm 2023.

"Công nợ của khách hàng trả chậm đến 3 tháng, trong khi những nhà cung cấp nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp hỗ trợ chỉ cho trả chậm 1 tháng. Sự chênh lệch này đã gây ra khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp. Việc nới room tín dụng sẽ giúp doanh nghiệp giữ được đơn hàng mới, hỗ trợ cạnh tranh với các nước trong khu vực", ông Ngô Ngọc Khánh nói.

"Chìa khóa" nằm trong tay doanh nghiệp

Đánh giá cao nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, song lãnh đạo Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng, chìa khóa vẫn nằm trong tay chính các doanh nghiệp.

Lý do, đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tương đối thiếu những kĩ năng xây dựng hồ sơ vay vốn và có thể trình bày được hết những ý tưởng, những dự định để thuyết phục các ngân hàng thương mại cho vay.

"Đây là câu chuyện không mới, tiêu chuẩn - tiêu chí của ngân hàng trước giờ các doanh nghiệp biết rất rõ. Tuy vậy, trong bối cảnh hậu Covid-19, rất nhiều tiêu chí trong sản xuất kinh doanh không hoàn toàn như trước, nên ngân hàng phải thắt chặt hoặc đánh giá tương đối nghiêm khắc đối với những đề án xin vay. Do đó, để tiếp cận được vốn của các ngân hàng, các doanh nghiệp cần phải thể hiện được tính chủ động và chuyên nghiệp", lãnh đạo Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho hay.

Cụ thể, doanh nghiệp cần chủ động trong tiếp cận các luồng tư vấn để có thể xác định được hồ sơ đề xuất với ngân hàng thương mại làm sao hiệu quả nhất. Cùng với đó, các hiệp hội doanh nghiệp cũng cần chủ động tạo ra những cầu nối để các doanh nghiệp hội viên được nghe những tiêu chuẩn, điều kiện yêu cầu từ các ngân hàng đối tác.

"Với những hiệp hội doanh nghiệp chủ động như vậy, tỷ lệ các doanh nghiệp thành viên được tiếp cận vốn vay được cao hơn những hiệp hội doanh nghiệp chỉ kêu khó", lãnh đạo Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) lưu ý.

Nới room tín dụng, 400 nghìn tỷ chờ "giải phóng" trong tháng 12: Chuyên gia nói điều bất ngờ - Ảnh 3.

Để tiếp cận được vốn của các ngân hàng, các doanh nghiệp cần phải thể hiện được tính chủ động và chuyên nghiệp.

Về tính chuyên nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp đều tự tin các phương án kinh doanh của mình đều khả thi. Nhưng làm thế nào để thuyết phục được ngân hàng và những chuyên gia đánh giá thì vẫn là một trong những điểm yếu mà vẫn còn tương đối phổ biến.

"Ngân hàng mở cho tất cả cơ hội cho các doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp nào thể hiện được tính chuyên nghiệp và chứng minh được năng lực và tiềm năng trong phương án sản xuất kinh doanh thì ngân hàng sẽ cho vay", lãnh đạo Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem