dd/mm/yyyy

Đổi thay ở xã nông thôn mới biên giới

Với sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, trải qua hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Lóng Phiêng (Yên Châu, Sơn La) đã có bước phát triển vượt bậc.

Clip: Đổi thay ở xã nông thôn mới biên giới

Xã vùng biên vượt khó xây dựng nông thôn mới

Xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, thuộc xã khu vực III, biên giới. Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã có xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng nông thôn chưa được đầu tư đồng bộ. Tuy nhiên với sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, trải qua hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Lóng Phiêng đã có bước phát triển vượt bậc, phong trào thi đua lao động sản xuất lan rộng khắp các bản, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Lóng Phiêng, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025 xã đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên sau khi đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới năm 2022, Lóng Phiêng đã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới, các tiêu chí chưa đạt chủ yếu là tiêu chí phụ. Căn cứ điều kiện thực tiễn, huyện Yên Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát cụ thể từng tiêu chí, chỉ tiêu. Sau khi có kết quả cụ thể huyện đã ưu tiên nguồn lực đầu tư từ ngân sách, và các nguồn xã hội hóa, hỗ trợ xã hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt.

Đổi thay ở xã nông thôn mới biên giới- Ảnh 1.

Nông dân xã Lóng Phiêng đẩy mạnh phát triển cây ăn quả nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Ngọc

Để quá trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, Ban Chỉ chấp hành Đảng bộ xã Lóng Phiêng đã ra các Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, kiện toàn Ban chỉ đạo về xây dựng nông thôn mới từ xã đến bản. Thông qua những cuộc họp thường xuyên, định kỳ, các văn bản, chỉ thị của cấp trên đã được Đảng ủy, UBND triển khai đến từng thành viên Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, qua đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo được kịp thời, sát với thực tế, phát huy tính chủ động, chung sức của nhân dân các bản trong xây dựng nông thôn mới.

Xác định tầm quan trọng của mạng lưới giao thông nông thôn là "đòn bẩy" để phát triển kinh tế của địa phương, tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, cấp ủy, chính quyền xã Lóng Phiêng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay xây dựng giao thông nông thôn. Qua đó, ngày càng phát huy tinh thần làm chủ, tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân.

Bà Lò Thị Hương, bản Cò Chịa, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: Nhà nước cho đường di ai cũng phấn khởi, ai cũng hiến đất hiến cây cho, gia đình tôi cũng hiến đất nhiều cây, đất thổ cũng khá nhiều để nhà nước đi làm cho thuận tiện hơn.

Đổi thay ở xã nông thôn mới biên giới- Ảnh 2.

Xã Lóng Phiêng đẩy mạnh hoàn thiện đường giao thông xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Vì Văn Chăm, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nà Mùa, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: Nói chung là cái bước đầu tiên cũng gặp khá là nhiều khó khăn, nhưng mà được Đảng ủy Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, cả bản cùng nhau là tổ chức họp dân và nói về cái lợi ích của con đường, để phát triển kinh tế xã hội cho bản đế nhân dân, nhân dân đã hiểu hiểu và người ta cũng cống hiến đất, cây cối, nói chung là cống hiến cống hiến không phải mất một đồng chí.

Bên cạnh đường giao thông, các công trình cơ sở hạ tầng khác cũng được đầu tư xây dựng hoàn thiện. Đến nay 100% số hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 100% các trường học công lập đạt chuẩn; 10/10 bản có nhà văn hóa và khu thể thao, hệ thống thương mại nông thôn phát triển rộng khắp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua bán, trao đổi hàng hóa.

Đổi thay ở xã nông thôn mới biên giới- Ảnh 3.

Cơ sở vật chất xã Lóng Phiêng được đầu tư mới, khang trang. Ảnh: Văn Ngọc

Lóng Phiêng đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới

Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết "Đối với xã Lóng Phiêng là một xã vùng biên thì nằm trong kế hoạch giai đoạn 21-25, chúng tôi đã chỉ đạo các phòng ban đơn vị tập trung dồn hết các nguồn lực, về nhân lực vật lực để đầu tư các cái cơ sở hạ tầng, tập trung xóa nhà tạm, rồi là tăng thu nhập tạo việc làm cho người dân, để làm sao xã Lóng Phiêng, đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2023".

Đổi thay ở xã nông thôn mới biên giới- Ảnh 4.

Hội viên nông dân xã Lóng Phiêng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Ngọc

Để thực hiện tiêu chí về nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy, chính quyền xã Lóng Phiêng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Thực hiện việc chuyển đổi cây trồng trên đất dốc và ghép cải tạo vườn tạp, đến nay toàn xã có trên 1.590 ha cây ăn quả gồm nhãn, xoài, mận hậu, cây mơ, chuối... với sản lượng đạt bình quân trên 8.500 tấn quả các loại. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 42,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 12,9%.

Đổi thay ở xã nông thôn mới biên giới- Ảnh 5.

Diện mạo nông thôn mới xã Ngọc Chiến ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Văn Ngọc

Từ hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực cố gắng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến nay Lóng Phiêng đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, trở thành xã biên giới đầu tiên của huyện Yên Châu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Văn Ngọc