Nhìn một cách rộng rãi thì công dân có quyền lựa chọn công việc của mình, lựa chọn sự đóng góp của mình với xã hội. Điều quan trọng nhất là họ chịu trách nhiệm trước năng lực, tiền bạc, thời gian của mình, tuân thủ mọi quy định của nhà nước, để tồn tại, xây dựng và phát triển đất nước. Tóm lại sự thay đổi công việc từ làm công tác quản lý nhà nước, sang tự làm tự ăn, tự đóng thuế thu nhập, doanh nghiệp cũng chỉ là chuyển đổi nghề nghiệp thôi, tuân theo quy luật của thị trường, chứ không có gì to tát cả.
Hồi chúng tôi còn nhỏ, khi nghe người lớn nhắc tới từ "thoát ly" thì đó là điều ước mơ lắm. "Thoát ly" với thế hệ bố mẹ chúng tôi năm nay đã 80, hồi ấy, là không phải chân lấm tay bùn, năm 4 lần cấy gặt, loanh quanh ở lũy tre làng, xong vẫn đói giáp hạt. Mà là được chân giầy, làm việc có tổ chức, nghỉ ngày Chủ nhật, đạp xe về quê, đến tháng lĩnh lương. Công việc của những người thoát ly hồi đó đa số là công nhân, làm đường, xây dựng… Ai có trình độ trung cấp được làm bàn giấy, công việc gián tiếp, là oai lắm.
Đến thế hệ của chúng tôi đi học. Nếu có tấm bằng đại học trong tay, kém nhất cũng phải là ở cơ quan, phòng ban nào đó cấp huyện: Được hít thở môi trường sống bằng ngân sách, gọi là người nhà nước, rồi phấn đấu lên vị trí tổ trưởng, trưởng phòng, cái gì đó có tí chức, tí quyền, sáng đến sở, chiều chơi thể thao, tối về nhà, ăn trắng mặc trơn. Thế là vừa oai vừa có phúc.
Nhưng khi đất nước đổi mới, theo quy luật kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân là một thành phần quan trọng, năng động, học hỏi sáng tạo không ngừng. Đời sống của người làm tư nhân, thấy tất bật hơn, vất vả hơn và tất nhiên thu nhập của họ cao hơn là điều tất yếu, vì họ làm hết việc chứ không phải làm hết giờ.
Cách đây mấy năm có chuyện ông Trần Đăng Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, tương đương hàm thứ trưởng, làm đơn xin nghỉ công việc ở Đài. Với những gì tôi biết về ông, thì ông đã suy nghĩ rất kỹ, khi đưa ra quyết định.
Ông Tuấn nghỉ nhà nước, chuyển sang làm cho một đơn vị tư nhân với mức lương kha khá. Nhiều người nhìn vào vẫn tặc lưỡi, chả bằng bổng lộc của ông phó tổng giám đốc – thứ trưởng đâu.
Nhưng lại thêm nhiều người biết tới ông Tuấn bằng một việc làm ý nghĩa: Ông khởi xướng chương trình "Cơm có thịt". Chương trình đến với hàng nghìn ngôi trường bán trú ở Tây Bắc, Tây Nguyên, những vùng xa xôi hẻo lánh, bữa cơm của các em học sinh ở đó được đảm bảo bằng miếng thịt.
Tôi tin nếu còn là một ông phó tổng giám đốc đài truyền hình, ông thứ trưởng, hay cao hơn nữa, thì ông Trần Đăng Tuấn sẽ không bao giờ làm được chương trình "Cơm có thịt" hiệu quả như ông đang làm. Vì cơ chế, và quan trọng nhất là đồng liêu của ông chắc gì có ai hưởng ứng hay lại cho ông là dị biệt.
Rồi đến việc ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Quận 1 Sài Gòn cũng viết đơn xin nghỉ việc vì được phân công không phù hợp. Ông Hải là người nổi lên trong cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở quận Nhất, nơi tấc đất hơn tấc vàng.
Ai cũng biết với vị trí và vai trò của ông Hải trong cuộc chiến vỉa hè, chỉ cần làm ngơ, tạo điều kiện một chút, cho những nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh thì tiền sẽ tự động chạy đến cửa nhà ông Hải hàng tháng, đúng ngày, đúng giờ. Vì dường như đã có luật bất thành văn, là không có một mét vỉa hè nào ở 2 thành phố lớn Hà Nội, Sài Gòn bị "bỏ hoang", tất cả đều là "nguồn thu" không bao giờ bị bỏ sót.
Ông Hải tự nghỉ rồi bán đồng hồ, điện thoại xịn, mà thời làm trong nhà nước ông đeo, để mua nhà, rồi cho người vô gia cư Sài Gòn ở nhờ. Một việc làm đầy ý nghĩa, tuy không lớn, nhưng ông Hải đã đứng ra lo cho cộng đồng, rất đơn giản và hiệu quả.
Giờ đến ông Bạch Ngọc Chiến, từng là phó chủ tịch tỉnh Nam Định, đương nhiệm Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp Các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, tuổi công tác còn dài, ông Chiến sẽ còn lên cao nữa. Nhưng ông đã chọn con đường rẽ ngang ra làm kinh tế tư nhân, với bài toán lời ăn lỗ chịu. Chúng ta chưa biết ông Chiến sẽ làm gì. Nhưng tôi nghĩ, là người có trình độ học vấn tốt, giỏi nhiều ngoại ngữ, kinh qua nhiều vị trí công tác, được quy hoạch ở cấp chiến lược để chèo lái con thuyền đất nước trong tương lai, và như chính ông chia sẻ, ông đã tích lũy đủ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, thì tôi nghĩ không khó để ông Chiến tồn tại và khẳng định mình khi bước ra thương trường. Rất hi vọng ông sẽ làm được nhiều điều có ích, ý nghĩa cho cộng đồng.
Thực tế trong quá trình phát triển kinh tế, khu vực tư nhân là sự lựa chọn không hề sai và họ đã sẵn sàng gánh vác khó khăn khi nhà nước gặp thách thức, như trong dịch Covid-19 vừa qua.
Còn nếu nói về xu thế chảy máu chất xám khỏi khu vực nhà nước, xét về quan điểm việc làm dịch chuyển, thì đó là điều tất yếu và cũng không phải quá đáng sợ khi một người không thấy mình đóng góp được nhiều trong hệ thống công quyền và muốn bước ra ngoài đóng góp trong lĩnh vực tư nhân.
Có đến hơn 57 nghìn công chức dư thừa phải tinh giản mà chưa được, họ đang là gánh nặng của ngân sách. Việc ai đó tự nguyện bước ra khỏi hệ thống nhà nước thì đó chưa phải là thất bại.
Thành công trong cuộc sống phải được nhìn rộng ra bằng một khái niệm cởi mở, ở góc nhìn công dân luôn gương mẫu, đóng góp tích cực trong sự phát triển của xã hội, luôn yêu nước và sẵn sàng hi sinh khi tổ quốc gọi tên mình. Chứ không phải là sáng cắp ô đi tối cắp về, đến hẹn lại tăng lương, và làm việc hết giờ thì nghỉ.