Dân Việt

Hay ho gì mà ăn thịt thú rừng!

ĐẶNG ĐẠI 14/07/2020 10:54 GMT+7
Hôm đó ở vùng biên giới giữa Mozambique và Nam Phi, cặp vợ chồng bản địa mời chúng tôi đĩa súp đậu dù chim rừng ríu rít trên đầu với tay là tới. Hỏi có nanh sư tử, vuốt hổ để bán, họ sợ hãi xua đi nói đó là phạm pháp. Còn ở mình là những đường dây buôn hổ xuyên quốc gia, là hàng triệu bẫy thú rừng.

Có hơn 5 triệu bẫy thú rừng ở Việt Nam và người bẫy thú coi đó là nguồn thu nhập chứ không phải là nhu cầu thực phẩm, theo công bố hôm 10/7 mới đây của WWF (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên). Ở Việt Nam, thú rừng (hoặc động vật hoang dã nói chung) được coi là đặc sản, để cấp dưới đãi đằng cấp trên; để doanh nghiệp đãi đằng quan chức; để bạn bè thân thiết đãi nhau…

HAY HO GÌ MÀ ĂN THỊT THÚ RỪNG - Ảnh 1.

Một con cầy hương bị dính bẫy dây. Có hàng triệu bẫy dây ở các khu rừng Việt Nam tận diệt thú hàng ngày. (Ảnh: WWF)

Là người làm báo, đi nhiều, tiệc tùng cũng nhiều, tôi đã từng dự rất nhiều tiệc đặc sản như thế. Đủ loài lên bàn nhậu, từ các loài bốn chân bộ guốc như bò tót, trâu rừng, heo, mang (mễn, hoẵng), cheo cho tới các loài bò sát như kỳ đà, trúc (tê tê) hay rùa, cua đinh và cả loài linh trưởng gần gũi với tổ tiên chúng ta như khỉ, voọc… 

Loạt bài điều tra "Thâm nhập đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia" mới dây của Dân Việt còn chỉ ra một thực trạng kinh hoàng hơn những gì mà người ta biết! 

Rắn hổ mang, hổ chúa thì cắt tiết pha rượu, nuốt tim, nuốt mật. Dơi quạ bằm nấu cháo đậu xanh hoặc tiết canh se sẻ. Le le, vịt nước nấu bí nấu bầu. Rắn rùa hấp sả hoặc xào hành tím, nấu chuối. Các loài bốn chân thì ôi thôi, xào lăn, nướng mọi, xáo măng, hấp gừng… 

Bây giờ cũng đã bớt nhưng rất dễ dàng thấy những quán nhậu hiên ngang để bảng "đặc sản thú rừng". Ở nhiều địa phương, cán bộ có quán riêng để ăn đặc sản rừng và đó là một đặc quyền. Chuyện này phổ biến, tỉnh nào huyện nào cũng có.  

Thịt rừng hay động vật hoang dã nói chung có ngon không? Tôi trả lời là… cũng có! Tôi cũng từng ăn nhiều. Nhưng nhiều năm gần đây tôi gần như đã bỏ thói quen này. Tôi nghĩ nhiều đến sự cân bằng sinh thái, đến quyền được sống của động vật hoang dã, đến sự nghèo nàn của của tự nhiên do con người hủy hoại. Tôi thấy đó là thói quen không văn minh, nhận thức không văn minh và thậm chí, quá hoang dã.

Những ai hiểu biết về rừng và thợ săn sẽ thấy ăn thịt thú rừng, động vật hoang dã là rất nguy hiểm và nhẫn tâm. Người ta có thể bắn, bẫy một con heo mẹ đang cho con bú hoặc một con mang đang mang thai (cái thai được bán với giá rất cao vì quan niệm của một bộ phận người Việt là bổ dưỡng). Thợ săn đi một chuyến có khi vài ngày. Những loài thú nhỏ bắn, bắt được thường được chôn dưới đất để giữ tươi và tránh bị thú khác tha mất. Vài ngày sau thợ mới thu hoạch mang về. Ăn loại thịt đó rất mất vệ sinh.  

Chưa kể như khuyến cáo của WWF: 58% trong số tất cả các mầm bệnh được phát hiện ở người được cho là có nguồn gốc từ động vật, bao gồm 60% -73% các bệnh truyền nhiễm mới bùng phát. 71% các bệnh xuất hiện trong thời gian gần đây (từ năm 1940-2004) có nguồn gốc từ động vật và vật chủ là động vật hoang dã.

Trong chuyến đi châu Âu mới đây, buổi trưa ngồi ăn ở một quán nhỏ ở Dresden (Đức), tôi vô cùng thú vị khi vài con chim sẻ sà vào bàn, nhặt nhạnh các mẩu bánh mì vụn. Hay ở Hà Lan, khi đi thăm thú nơi này nơi kia, bọn vịt nước tung tăng bơi lội sát bước chân mình. Ở Việt Nam là mày vô nồi nha các em!

Trong chuyến đi châu Phi, hôm đó ở vùng đất biên giới giữa Mozambique và Nam Phi, xe bị bể vỏ nên chúng tôi đi bộ tìm đến ngôi nhà gần nhất. Giữa mênh mông rừng, có cặp vợ chồng kia ngồi dưới gốc cây nấu bữa trưa. Cái cây là nhà của họ, cạnh đó là một túp lều chủ yếu để trữ ngũ cốc đậu, bắp… các loại. Điểm đặc biệt là trên tán cây, cách mặt đất chứng 2m, là vài trăm tổ chim. Chim ríu rít. Họ không hề đụng chạm với đám chim. Phần ai nấy sống. Vài anh bạn đi trong đoàn chép miệng: rô-ti, rô-ti…

Đôi vợ chồng mời chúng tôi bữa trưa. Đó là một đĩa súp đậu các loại. Không có thịt hay trứng chim dù có thể với tay mà lấy.

Có vài anh bạn hỏi họ có móng cọp, nanh sư tử hoặc những thứ đại loại như vậy để bán không? Tôi thấy sự sợ hãi hiện lên trên đôi mắt vốn rất nhiều tròng trắng của họ. Họ bảo điều đó là cấm kỵ, luật pháp không cho phép và xin đừng hỏi về điều đó nữa. Tôi có cảm giác ngượng nghịu. Chắc cả hai bên đều cảm thấy tội nghiệp cho nhau.

Tôi làm truyền thông và rất xấu hổ về cách báo chí tranh nhau đưa tin kiểu bắt được con cá hô trăm ký, người dân bán được trăm triệu hay về miền Tây ăn đặc sản ròng ròng cuốn bánh tráng chấm mắm me. Cái thói quen ăn uống động vật hoang dã của xứ ta quá ư là hoang dã. Tôi cũng rất ghét nhìn thấy cảnh người dân mang xuyệc điện tha thẩn trên các cánh đồng hoặc mương nước nhỏ xíu. 

Tàn sát như vậy thì còn gì thiên nhiên. Ở Campuchia sát cạnh ta đây, còn nghèo, còn lạc hậu là thế nhưng khoảng tháng Tư hàng năm họ vẫn cấm đánh bắt cá trong một thời gian nhất định. Ra chợ tuyệt không có các loại cá nhỏ. Đánh bắt có quy định kích cỡ mắc lưới. Lạng quạng cảnh sát phạt chớ chẳng chơi.

Để có một môi trường sống thiên nhiên, lành mạnh và để cho xứ sở giàu đẹp, cái miệng của chúng ta nên bớt ăn các loài động vật hoang dã. Thiên nhiên là tài nguyên chung. Tham lam và hoang dã quá mai sau chẳng còn gì cho con cháu, tội nghiệp chúng.

Tôi nghĩ nhà nước nên có chính sách vận động người dân bớt ăn thịt động vật hoang dã, thay vào đó là ăn thịt thú nuôi. Cuộc vận động trước hết nhắm vào cán bộ, đảng viên. Cấp cao nêu gương trước. Phạt nặng các điểm bán thịt thú rừng và phạt hành chính thực khách. Những chuyện đó dễ ợt, sao lại không làm?